Không để sản phẩm OCOP thất bại trên sân nhà
Hiệp hội Doanh nghiệp phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội thảo “Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa”.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá có 535 sản phẩm OCOP được công nhận, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Thanh Hóa có 43 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 273 triệu USD.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn, thế nhưng việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.
“Việc xuất các sản phẩm OCOP vẫn còn manh mún, sản lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều; việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Thông qua hội nghị này, tôi mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP; liên kết, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Thanh", ông Giang nói.
Sản phẩm vươn ra thế giới nhưng vào siêu thị rất khó
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đưa cây rau má trở thành mặt hàng thương phẩm, vươn ra thị trường thế giới, cho biết, cơ quan nhà nước cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Tân ví dụ: “Tôi khảo sát 20 khách sạn tại thành phố Sầm Sơn và Hải Tiến (Hoằng Hóa) thì có tới 19 khách sạn tiêu dùng trà của tỉnh bạn. Còn trà rau má của chúng tôi sản xuất mới chỉ có mặt tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Nếu chúng ta cứ mải mê đi chào hàng ở tỉnh bạn nhưng bỏ ngỏ thị trường “sân nhà” thì thật đáng tiếc”, ông Tân nêu thực tế.
Cũng theo ông Tân, trên thị trường đang tồn tại nghịch lý đó là, một số sản phẩm nông sản Thanh Hóa đã vươn ra thị trường thế giới, ra nhập vào nhiều siêu thị lớn tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, nhưng lại rất khó để có mặt một số siêu thị lớn.
“Sản phẩm rau má của chúng tôi vào siêu thị Co.opmart cực kỳ khó. Khi tôi hoàn thiện được hồ sơ này thì lại “đẻ” ra hồ sơ khác, giống như giấy phép con. Doanh nghiệp chúng tôi còn không đưa được sản phẩm vào siêu thị Coop mart, Big C… thì các hợp tác xã, các chủ thể OCOP là các bác nông dân còn khó khăn hơn nhiều trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Sản phẩm của doanh nghiệp được mời tham gia rất nhiều sân chơi lớn của quốc gia, thậm chí quốc tế nhưng lại "thất bại" trên chính quê hương mình. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ vấn đề này”, ông Tân đề nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đặt vấn đề: Làm sao để bán được nhiều sản phẩm OCOP nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và chủ thể sở hữu?
Cũng theo ông Phong, sản phẩm OCOP của Thanh Hóa tuy nhiều, nhưng nếu không lan tỏa được hình ảnh, thương hiệu sản phẩm thì rất khó chiếm lĩnh được thị trường.
Ông Phong nêu ý tưởng “khởi nghiệp trong khởi nghiệp”, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp có tiềm lực, bề dày kinh nghiệm hỗ trợ, dìu dắt các doanh nghiệp nhỏ, người trẻ khởi nghiệp, tạo dựng uy tín, chất lượng sản phẩm và chỗ đứng trên thị trường. Công ty Tiến Nông sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản để phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để họ yên tâm đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cam kết tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền, người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật một cách kịp thời đến doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm, hàng hóa; mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, đặc biệt là kiến thức bán hàng trên nền tảng công nghệ số, sàn thương mại điện tử; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để doanh nghiệp có cơ hội được tham gia, giao lưu, kết nối. Ký kết các quy chế phối hợp với các tổ chức Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp trong toàn quốc về tiêu thụ hàng hóa...