| Hotline: 0983.970.780

Săn sale cuối năm: Niềm vui ngắn hạn, mâu thuẫn dài lâu

Thứ Ba 26/11/2024 , 17:01 (GMT+7)

Mùa giảm giá cuối năm, săn sale mang lại niềm vui cho nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn gia đình và áp lực tài chính nếu mua sắm thiếu kiểm soát.

Nhiều phụ nữ có đam mê đặc biệt là săn hàng sale off. Ảnh minh họa

Nhiều phụ nữ có đam mê đặc biệt là săn hàng sale off. Ảnh minh họa

Hệ lụy từ sở thích săn sale cuối năm

Trang là người tháo vát, luôn khéo léo trong đối nội đối ngoại. Thế nhưng, gần đây gia đình cô lại xuất hiện mâu thuẫn, căng thẳng xuất phát từ đam mê săn hàng sale của Trang. Sáng lên cơ quan, Trang lướt qua đủ loại tin tức giảm giá từ các trung tâm mua sắm, cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy. Giờ nghỉ trưa, thay vì chợp mắt như các đồng nghiệp, Trang vừa ăn vừa chăm chú vào màn hình máy tính và lên kế hoạch mua sắm.

Tan sở, Trang thường nhờ chồng đón con để có thời gian dạo qua các cửa hàng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm - mùa sale lớn nhất trong năm, từ Black Friday đến 12/12, Trang như sống trong thế giới hàng giảm giá. Vào những ngày này, cô thường xuyên thức đến 1, 2 giờ sáng canh sale để có được những mã giảm giá khủng. 

Có lần, Trang khuân về cả đống đồ, nào quần áo, giày dép cho các thành viên; nào đồ gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, robot lau nhà... Nhiều món trong số đó, gia đình đã có đủ và vẫn dùng tốt. Khi anh Hùng - chồng Trang “có ý kiến” về việc mua sắm quá đà của vợ, chị liền đáp trả: “Em mua cả cho anh và con, đâu chỉ cho riêng mình. Cái gì cũng đang rẻ, không mua bây giờ thì bao giờ mới mua?”.

Các chương trình livestream bán hàng trên mạng xã hội luôn khiến Trang “mất ăn mất ngủ”. Cô sẵn sàng dành cả buổi tối để “săn” hàng sale trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok shop,... đôi khi chi tới vài chục triệu chỉ trong một ngày.

Những hình ảnh lung linh trên màn hình khiến Trang không thể kìm lòng. Dẫu vậy, không phải món đồ nào Trang mua về cũng hữu dụng. Nhiều chiếc váy được quảng cáo "đẹp lung linh" trên màn hình lại hóa thành sản phẩm kém chất lượng, khác xa thực tế. Thay vì niềm vui khi nhận hàng, Trang đôi khi rơi vào cảm giác hụt hẫng, rồi lại tiếp tục "mua bù" để thỏa mãn.

Sở thích săn sale của nhiều phụ nữ khiến không ít gia đình mâu thuẫn, căng thẳng (Ảnh minh họa).

Sở thích săn sale của nhiều phụ nữ khiến không ít gia đình mâu thuẫn, căng thẳng (Ảnh minh họa).

Mâu thuẫn vợ chồng bùng nổ vào dịp Tết năm ngoái, khi Trang tiêu gần trăm triệu đồng tiền thưởng của hai vợ chồng vào mua sắm mà quên mất khoản tiền này còn dành để ra Tết sửa nhà cho bố mẹ ở quê. Khi chồng hỏi, Trang mới tá hỏa nhận ra tài khoản của mình gần như trống rỗng.

Chồng Trang, sau nhiều lần góp ý không thành đã phải “thắt chặt chi tiêu”. Từ chỗ giao toàn bộ lương cho vợ quản lý, giờ anh chỉ đưa vừa đủ để chi trả những khoản cần thiết. Điều này càng khiếnTrang khó chịu, thường xuyên trách móc chồng keo kiệt, không khí gia đình cũng vì thế mà căng thẳng, nặng nề.

Mua sắm thông minh để tránh bất hòa

Không chỉ riêng Trang, xu hướng săn sale bùng nổ tại Việt Nam đang khiến nhiều gia đình phải đau đầu vì áp lực tài chính. Theo các nghiên cứu thị trường tại Việt Nam gần đây, người tiêu dùng, nhất là tại các đô thị, bị thu hút mạnh mẽ bởi các sự kiện khuyến mãi trực tuyến như Black Friday hoặc các ngày đôi (10/10, 11/11, 12/12). Đây là yếu tố thúc đẩy mua sắm vượt dự kiến và gia tăng chi tiêu, với hơn 60% giao dịch thương mại diễn ra trên nền tảng trực tuyến trong các dịp này.

Săn sale không phải điều sai và cũng là cơ hội để bạn sở hữu những món đồ yêu thích với giá tốt, tuy nhiên, việc mua sắm quá đà có thể dẫn đến hệ lụy về tài chính và tâm lý gia đình. Theo các chuyên gia tài chính, tâm lý thích sở hữu những món đồ giá rẻ khiến nhiều người dễ dàng chi tiêu vượt quá ngân sách.

Cảm giác FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) có lẽ là một trong những nguyên do lớn nhất khiến nhiều phụ nữ luôn sợ rằng nếu bây giờ không mua món đồ với mức giá hời, sau này sẽ không còn cơ hội nữa. Tuy nhiên, việc tiêu tiền không kiểm soát không chỉ gây áp lực tài chính mà còn khiến các gia đình rơi vào tình trạng mất cân đối ưu tiên, dẫn đến mâu thuẫn và xung đột.

Săn hàng giảm giá cũng là cơ hội để bạn sở hữu những món đồ yêu thích với giá tốt. Tuy nhiên, việc mua sắm quá đà có thể dẫn đến hệ lụy về tài chính và tâm lý gia đình (Ảnh minh họa).

Săn hàng giảm giá cũng là cơ hội để bạn sở hữu những món đồ yêu thích với giá tốt. Tuy nhiên, việc mua sắm quá đà có thể dẫn đến hệ lụy về tài chính và tâm lý gia đình (Ảnh minh họa).

Để tránh những bất hòa không đáng có, thay vì chạy theo những chương trình giảm giá, mỗi người cần học cách mua sắm thông minh, cân nhắc kỹ lưỡng và ưu tiên sự hòa thuận trong gia đình theo một số gợi ý hữu ích như:

Lập kế hoạch trước khi mua sắm: Trước khi tham gia bất kỳ chương trình giảm giá nào, hãy lên danh sách cụ thể những món đồ cần mua và kiểm tra xem chúng có thực sự cần thiết không.

Đặt ngân sách chi tiêu rõ ràng: Xác định mức chi tiêu tối đa và nghiêm túc tuân thủ để tránh vượt khả năng tài chính. Hãy ưu tiên những nhu cầu thực sự thay vì mua theo cảm xúc.

Cảnh giác với giảm giá “ảo”: Nhiều cửa hàng nâng giá gốc lên cao rồi giảm xuống để tạo cảm giác giá hời. Hãy so sánh giá cả trên nhiều nền tảng trước khi quyết định.

Mua sắm có trách nhiệm: Nếu cảm thấy bị cám dỗ quá mức, hãy thử chờ 24-48 giờ trước khi quyết định mua món đồ nào đó. Thời gian này sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ hơn về mức độ cần thiết.

Dành thời gian chia sẻ với gia đình: Việc vợ chồng cùng nhau thảo luận ngân sách chi tiêu không chỉ giúp kiểm soát tài chính mà còn tăng cường sự thấu hiểu và gắn kết.

Mùa sale cuối năm đang đến gần, hãy để niềm vui mua sắm trở thành cầu nối gắn kết gia đình chứ không phải là nguồn cơn dẫn đến những căng thẳng không đáng có, phụ nữ nhé!

Xem thêm
Năm cũ để lại kỷ niệm, năm mới để tạo dựng!

Năm cũ khép lại, mở ra hành trình mới với hy vọng và ước mơ.Cùng với niềm vui chiến thắng, những thất bại đáng nhớ, năm cũ đã dạy tôi những bài học quý giá.

Sau ly hôn: Hành trình lớn lên từ những mảnh vỡ gia đình

Ly hôn - hai chữ tưởng như là sự giải thoát cho cha mẹ, nhưng lại là khởi đầu của vô vàn nỗi đau và xáo trộn trong cuộc sống của những đứa trẻ.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?