| Hotline: 0983.970.780

Sắn vừa trồng, bệnh khảm lá đã hoành hành

Thứ Hai 21/03/2022 , 08:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Tại Nghệ An, hiện đã có 2.000 ha trên tổng số hơn 9.700 ha sắn vừa trồng bị nhiễm bệnh khảm lá. Nhiều diện tích sắn vừa nhú chồi đã bị khảm lá tấn công.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Nghệ An đã có khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích trồng sắn ngoài diện tích đã quy hoạch 7.500 ha toàn tỉnh để đủ nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động trên địa bàn tỉnh. Việc không phát triển tràn lan cây sắn còn nhằm hạn chế sự xuất hiện và lây lan của bệnh khảm lá sắn.

Niên vụ 2021 - 2022, Nghệ An hiện đã trồng được 9.750 ha sắn, trong đó hiện đã có hơn 2.000 ha bị nhiễm bệnh khảm lá.

Mặc kệ bệnh dịch, dân vẫn ào ạt trồng sắn

Theo quy hoạch về vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương, Anh Sơn và Yên Thành được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt là 7.500 ha. Thế nhưng việc giá sắn trong hai năm vừa qua (2020 và 2021) liên tục tăng đã lôi cuốn người dân say mê với việc mở rộng diện tích trồng sắn một cách ồ ạt, bất chấp bệnh khảm lá đe dọa.

Một ruộng sắn mới nhú mầm ở huyện Tân Kỳ đã bị bệnh khảm lá tấn công. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Một ruộng sắn mới nhú mầm ở huyện Tân Kỳ đã bị bệnh khảm lá tấn công. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, vụ sắn năm 2021 toàn tỉnh trồng được 13.300 ha, vượt chỉ tiêu quy hoạch giao 5.800 ha, trong đó diện tích sắn bị bệnh khảm lá trên 3.000 ha. Vụ sắn năm 2022 này mới bắt đầu trồng và sơ bộ thống kê bước đầu ở một số huyện, diện tích sắn trồng đến thời điểm này đã khoảng 9.750 ha và đang tiếp tục trồng. Với diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá xấp xỉ 2.000 ha, hiện chiếm tỉ lệ 20,5% tổng diện tích đã trồng.

Một trong những điển hình nhất chạy đua mở rộng diện tích sắn hiện nay ở Nghệ An là huyện Tân Kỳ. Chỉ tiêu kế hoạch và quy hoạch được cả tỉnh và UBND huyện này giao chỉ có 400 ha, tối đa không quá 600 ha sắn nguyên liệu. Nhưng do giá sắn năm 2020 tăng từ mức 750 – 800 đồng/kg lên 1.050 – 1.100 đồng/kg nên đã đẩy diện tích sắn năm 2021 tăng lên tới 3.500 ha và giá sắn năm 2021 vừa qua tiếp tục tăng lên ở mức 1.900 – 2.000 đồng/kg, điều này càng khuyến khích nông dân các xã trong huyện tiếp tục mở rộng diện tích sắn.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ, vụ sắn năm 2021, diện tích sắn của huyện trồng vượt quy hoạch quá lớn. Nguy hiểm nhất là đã có 2.000/3.500 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, làm giảm năng suất khá nhiều.

Trước tình hình này, vụ sắn năm 2022, UBND huyện giao nhiệm vụ cho UBND các xã chỉ đạo bà con nông dân không mở rộng diện tích trồng sắn, nhất là trên diện tích sắn năm 2021 đã bị nhiễm bệnh khảm lá, thay vào đó gieo trồng các hoa màu khác để tránh bệnh lây lan.

Những cây sắn còn non đã bị bệnh khảm lá sẽ rất khó phát triển, nhiều diện tích không thể phát triển. Ảnh: BNA.

Những cây sắn còn non đã bị bệnh khảm lá sẽ rất khó phát triển, nhiều diện tích không thể phát triển. Ảnh: BNA.

Mặc dù chính quyền đã tăng cường khuyến cáo, tuy nhiên nông dân vẫn không dừng mở rộng diện tích trồng sắn trong năm 2022. Ông Nguyễn Công Trung cho biết thêm, toàn huyện xã nào cũng đua nhau trồng sắn và đến thời điểm này đã trồng được khoảng 2.400 ha, trong số này có hơn 1.700 ha sắn, cây mới lên khỏi mặt đất đã bị nhiễm bệnh khảm lá.

Được hỏi, vì sao sắn mới trồng đã bị nhiễm bệnh khảm lá nhiều như vậy, ông Trung trả lời: Do bà con nông dân lấy hom giống trên ruộng đã bị bệnh để trồng, và lại trồng ngay trên chính đất ấy thì cây sắn mới trồng sớm bị nhiễm bệnh tất nhiên không thể tránh khỏi.

Khẩn trương triển khai biện pháp phòng chống

Theo Cục BVTV, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLC MV). Môi giới truyền bệnh chủ yếu do bọ phấn trắng (Bemisia Tabaci Genn) gây ra. Cơ chế lan truyền bệnh qua 2 con đường: Qua hom giống đã bị bệnh và qua virus SLCMV lan truyền qua bọ phấn trắng chích hút từ cây đã bị bệnh sang cây chưa bị bệnh.

Để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ bệnh khảm lá, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã có thông báo xuống các địa phương về việc khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân, nhất là các huyện miền núi kịp thời triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa và phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn đang có nguy cơ bùng phát mạnh hiện nay, cụ thể như sau:

Năm 2021, nhiều diện tích sắn ở Nghệ An, nhất là tại huyện Tân Kỳ đã bị bệnh khảm lá nặng. Ảnh: Lam Giang.

Năm 2021, nhiều diện tích sắn ở Nghệ An, nhất là tại huyện Tân Kỳ đã bị bệnh khảm lá nặng. Ảnh: Lam Giang.

Một: Không nên trồng sắn liên tục nhiều năm trên một vùng đất và tuyệt đối càng không nên trồng lại sắn trên đất vừa qua sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá mà phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: Ngô lấy hạt (nếu còn thời vụ), ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi hoặc đậu, lạc, vừng càng tốt. Không nên trồng các cây trồng thuộc nhóm ký chủ của bọ phấn trắng như: Cây thuốc lá, thuốc lào, cà chua, ớt cay, khoai tây, bầu bí, bông, cà pháo…

Hai: Chọn và trồng những giống sắn không hoặc rất ít bị nhiễm bệnh khảm lá như: Giống sắn KM94, KM95… hiện đang được trồng nhiều ở một số vùng ở huyện Thanh Chương, Yên Thành. Không nên lấy hom giống của những giống sắn vừa qua đã bị bệnh khảm lá để trồng lại và cũng không nên trồng những giống sắn từ nơi khác nhập vào không rõ nguồn gốc.

Ba: Ở những vùng sắn chưa bị bệnh, nhưng cần đề phòng nguy cơ bệnh có thể lan truyền từ vùng đã bị bệnh đến vùng chưa bị bệnh, tốt nhất là chủ động phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng để đề phòng bệnh phát sinh bằng các loại thuốc như: Pymetrozine (Chess 50 WP, chesstar 50 WG, Sagametro 50WG, Schezgold 500WG…). Khi phun, làm theo hướng dẫn ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác gói thuốc. Phun thuốc có hiệu lực nhất vào giai đoạn ấu trùng của bọ phấn trắng.

Bốn: Phương pháp xử lý cây sắn, ruộng sắn, nương sắn khi đã bị bệnh khám lá tùy theo mức độ bệnh, thời kỳ cây sắn bị bệnh để xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn của Chi cục trồng trọt và BVTV. Trong đó cần lưu ý: Những nơi có tỉ lệ cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá 70% trở lên thì phải nhổ cả cây, cả ủ (nếu có), cả rễ và toàn bộ thân lá…, thu gom lại đốt cháy hết hoặc đào hố sâu bỏ vào, rắc vôi lên, xong lấp đất lại. Những ruộng sắn khác có tỉ lệ cây sắn bị bệnh ít hơn, nếu chưa có củ và đã có củ (thì tận dụng nhổ lấy củ) còn lại thân, lá, rễ của những cây đã bị bệnh nhổ thu gom lại để xử lý như nói ở trên.

Sở NN-PTNT Nghệ An khuyến cáo các địa phương trong tỉnh và nông dân đề phòng tư tưởng chủ quan, coi thường bệnh khảm lá sắn và chỉ thấy lợi ích từ giá cả thu mua cao mà chần chừ, do dự triển khai các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Vì vậy, yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân thực hiện tốt những biện pháp phòng chống bệnh khảm lá như đã nói trên.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.