Bên cạnh những khó khăn như liên kết lỏng lẻo, phát triển thiếu bền vững thì bệnh khảm lá đang là nỗi đau đầu với người dân trồng sắn. Không chỉ một địa phương mà nhiều vùng canh tác sắn trọng điểm của nước ta đều phải đang phải đối mặt với căn bệnh tương tự.
Trước tình hình đó, năm 2021, Bộ NN-PTNT giới thiệu hai giống sắn đầu tiên có khả năng kháng bệnh khảm lá và tương đối thích nghi với điều kiện canh tác ở Việt Nam. Những giống mới thích nghi hơn với giống ban đầu cũng liên tục được đưa ra. Bộ NN-PTNT kết hợp với các doanh nghiệp ở Tây Ninh, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh đã tiến hành khảo nghiệm để nhân được giống sắn hoàn hảo nhất.
Theo GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, một số biện pháp nhân giống sắn kháng bệnh đã được triển khai như hệ thống nhân giống bằng Tunel, nhân giống nuôi cấy mô nhưng đều không quá khả thi bởi mất nhiều thời gian chờ đợi, có giá thành quá cao. Đối với bà con trồng sắn, một giống cây tốt phải đạt đủ tiêu chí khỏe mạnh, kháng bệnh tốt nhưng giá thành hợp lý để giảm bớt gánh nặng.
GS.TS Lê Huy Hàm cho biết, hiện nay đã tìm được giống mới sạch 100% bệnh khảm lá nhưng việc nhân giống lại diễn ra rất chậm khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong canh tác. Nông dân muốn giống sạch bệnh thì phải nhập từ vùng ngoài, nếu năm tiếp theo lại sử dụng giống cũ thì căn bệnh này sẽ lại tiếp tục quay lại.
Trước việc người dân phải tự “bơi” và tìm kiếm giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh, các cơ quan đã tạo điều kiện để Tây Ninh phát triển trung tâm nhân giống để đáp ứng được nhu cầu của bà con. Tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian, trong khi đó nếu nhân giống bằng công nghệ Tunel hay nuôi cấy mô thì giá giống sắn sẽ rất đắt.
Trước khó khăn này, GS.TS Lê Huy Hàm cho rằng có một giải pháp trước mắt có thể dễ dàng triển khai hơn, đó là giải pháp nhân giống tự nhiên, lựa chọn giống sắn sạch bệnh để sản xuất và nhân giống ở miền Bắc, sau đó đưa giống vào miền Trung và miền Nam để phục vụ sản xuất.
Nguyên nhân là bởi ở phía Bắc có mùa đông rất lạnh, ví dụ như đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm nay sẽ khiến bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh khảm lá sắn) bị tiêu diệt, gần như không thể phát triển được nên việc lan truyền bệnh khảm lá ở phía Bắc sẽ được cắt đứt và kiểm soát tốt hơn (thay vì phía Nam nắng ấm quanh năm, bọ phấn trắng duy trì liên tục).
Với giải pháp này, sẽ đi đôi với việc những người trồng sắn ở phía Bắc cũng sẽ yên tâm vì tất cả nguồn giống đưa vào sản xuất là giống sạch bệnh. Sau khi thu hoạch, sắn củ nguyên liệu vẫn sẽ đáp ứng bình thường cho các nhà máy, trong khi đó nguồn hom sắn sau khi thu hoạch sẽ đảm bảo sạch bệnh để vừa cung cấp cho nhu cầu tại chỗ của người dân, vừa cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Đây sẽ là giải pháp "nhất cử lưỡng tiện" vì tốc độ nhân giống sẽ rất nhanh, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trước mắt trong khi chờ đợi nguồn giống sắn kháng bệnh được nhân rộng ra sản xuất.
Với giải pháp này, GS.TS Lê Huy Hàm cho rằng đây là phương pháp ít chi phí và dễ thực hiện. Hiệp hội sắn Việt Nam hiện đã tập hợp 70% doanh nghiệp chế biến sắn của cả nước, vì thế cần tạo liên kết vùng, có cơ chế điều phối giữa các vùng sản xuất để việc hợp tác giữa các địa phương trở nên dễ dàng hơn.