| Hotline: 0983.970.780

Lao vào trồng sắn, bất chấp bệnh khảm lá

Thứ Sáu 25/02/2022 , 07:32 (GMT+7)

THANH HÓA Vài năm nay, giá sắn tăng, dù bệnh khảm lá khiến năng suất sắn ngày càng tụt mạnh, nhưng người dân xứ Thanh vẫn dùng cả giống bị bệnh, lao vào trồng sắn.

Bất chấp khuyến cáo, dùng cả giống bị bệnh để trồng

Bài liên quan

Niên vụ 2021 - 2022, giá thu mua sắn của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giao động từ 1,9 - 2,3 triệu đồng/tấn. Về lý thuyết, với năng suất sắn từ 14 - 15 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, người trồng sắn có lãi từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào trồng sắn cũng có lợi nhuận như lý thuyết, nhất là trong bối cảnh bệnh khảm lá sắn đang hoành hành tại Thanh Hóa vài năm lại đây.

Bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Nguồn cung giống sắn sạch bệnh thiếu khiến nhiều hộ dân sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh để trồng. Điều này đặt ra cho chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp bài toán nan giải.

Sắn được giá, người dân 'xé rào', bất chấp khuyến cáo để mở rộng diện tích trồng sắn. Ảnh: VD.

Sắn được giá, người dân "xé rào", bất chấp khuyến cáo để mở rộng diện tích trồng sắn. Ảnh: VD.

Bà Bùi Thị Nguyệt, hộ dân ở làng Bứa, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc cho biết, gia đình bà có 0,5ha đất trồng sắn, mía và các loại cây rau màu. Tuy nhiên, vài năm lại đây, khi giá thu mua của các nhà máy lên cao, gia đình bà chuyển gần như toàn bộ diện tích sang trồng sắn.

“Thời điểm này, giá sắn đang cao, nhà máy thu mua trên dưới 2 triệu đồng/tấn. Với giá này, nếu năng suất đạt 17 - 18 tấn/ha nông dân có lãi từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm. Nhưng thực tế, 0,5 ha sắn của nhà tôi cũng chỉ thu được 6 - 7 tấn củ, tính ra lời lãi chẳng bao nhiêu. Sở dĩ năng suất thấp là do gia đình tôi không tìm được giống sắn sạch bệnh mà sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh khảm lá của niên vụ trước”, bà Nguyệt cho hay.

Cũng theo bà Nguyệt, không chỉ bà mà các gia đình trong làng cũng chuyển diện tích các cây trồng khác sang trồng sắn. Nhiều hộ, nhờ trồng sắn mà xây được nhà lầu, nhưng cũng có những hộ trồng sắn chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nhất là những gia đình có diện tích ít, manh mún, không đầu tư thâm canh.

Dù nhiều diện tích sắn bị bệnh khảm lá nặng, còi cọc, năng suất thấp, nhưng người dân vẫn tăng diện tích do giá sắn đang tốt. Ảnh: VD.

Dù nhiều diện tích sắn bị bệnh khảm lá nặng, còi cọc, năng suất thấp, nhưng người dân vẫn tăng diện tích do giá sắn đang tốt. Ảnh: VD.

Điều đáng nói, tuy diện tích trồng sắn ở địa phương tăng nhưng năng suất lại giảm so với những năm trước. Nguyên nhân chính là do bệnh khảm lá sắn hoành hành vài năm lại đây.

Hai lô sắn của ông Lò Văn Xum ở thôn Nghịu và ông Hà Văn Hiệu thôn Giăng, xã Xuân Hòa (Như Xuân) chỉ cách nhau một con đường nhỏ nhưng năng suất lại khác nhau một trời một vực. Trong khi 3ha sắn của ông Xum dự kiến thu về 66 tấn thì 1,2ha sắn của ông Hiệu dự kiến chỉ thu về 8 tấn củ.

Ông Xum cho hay, có thời điểm năng suất sắn của gia đình ông đạt tới 25 - 26 tấn/ha, nhưng đó là câu chuyện của 3 - 4 năm về trước. Niên vụ này, ông đã đi mua giống sắn sạch bệnh về trồng nhưng vẫn nhiễm khảm nên năng suất giảm. Không mua được giống sắn sạch bệnh như ông Xum, nhiều hộ dân ở đây sử dụng lại giống sắn vụ trước, lại đầu tư không đủ phân bón nên năng suất thấp. Vì vậy, dù giá sắn cao, diện tích tăng nhưng không phải hộ nào cũng có lãi từ cây sắn.

Ông Nguyễn Đình Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho rằng, sắn là cây trồng dễ tính, ít công chăm sóc và đầu tư thấp. Cũng vì đặc tính này cộng với 2 năm lại đây giá thu mua sắn cao nên người dân đã chuyển một số diện tích mía sang trồng sắn. Tuy nhiên, do chưa đầu tư thâm canh, cộng với bệnh khảm lá sắn khiến năng suất tụt giảm, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Năng suất sắn tại Thanh Hóa hiện chỉ đạt 15 tấn/ha và liên tục tụt giảm do bệnh khảm lá. Ảnh: VD.

Năng suất sắn tại Thanh Hóa hiện chỉ đạt 15 tấn/ha và liên tục tụt giảm do bệnh khảm lá. Ảnh: VD.

“Niên vụ 2020 - 2021, toàn xã trồng 1,3 nghìn ha sắn, vượt kế hoạch giao khoảng 500ha. Xuân Hòa là vùng đất giàu tiềm năng về năng suất, chất lượng sắn nhưng năng suất hiện đang tụt thê thảm. Có thời điểm như năm 2018, năng suất đạt 25 tấn/ha nhưng nay cũng chỉ tầm 18 - 20 tấn/ha. Đây là giai đoạn phát triển nóng của cây sắn nhưng lại đang chịu áp lực lớn từ bệnh khảm lá sắn. Địa phương cũng đã định hướng người dân luân canh hoặc chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng để làm được điều đó cần nhiều thời gian”, ông Nguyễn Đình Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay.

Năng suất tụt, diện tích vẫn tăng mạnh

Chính quyền các địa phương thừa nhận, diện tích sắn trồng thực tế đang cao hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, đất đã được giao cho người dân, quy hoạch là thế nhưng khi giá sắn lên cao, người dân ồ ạt nhảy vào trồng, tiềm ẩn nhiều rủi ro thì chính quyền cũng bất lực.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ngọc Lặc, năng suất sắn trên địa bàn huyện 2 niên vụ gần đây đang giảm, còn diện tích thì luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch.

“Niên vụ 2020 - 2021, huyện giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã trồng 2,3 nghìn ha nhưng diện tích thực trồng là 2,6 nghìn ha. Niêm vụ 2021 - 2022 kế hoạch giao 2 nghìn ha nhưng thực tế trồng 2,4 nghìn ha. Niên vụ này, chúng tôi giao chỉ tiêu kế hoạch 1,8 nghìn ha nhưng với giá sắn như hiện nay, chắc chắn người dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.

Điều đáng lo ngại là trên những diện tích nhiễm khảm lá, người dân vẫn tiếp tục trồng sắn và sử dụng lại giống đã nhiễm bệnh do nguồn giống khan hiếm. Điều này không những khiến đất bị bạc màu mà còn khiến bệnh khảm lá tiếp tục lan rộng”, ông Lê Văn Thu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Lặc lo lắng.

Diện tích sắn thực trồng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch các huyện giao nhưng năng suất, sản lượng giảm. Ảnh: VD.

Diện tích sắn thực trồng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch các huyện giao nhưng năng suất, sản lượng giảm. Ảnh: VD.

Nhìn vào biểu đồ phát triển diện tích sắn của huyện Ngọc Lặc có thể thấy những điều trái ngược. Địa phương chủ trương giảm diện tích sắn để luân canh, tiêu diệt nguồn bệnh khảm lá, nhưng diện tích thực trồng luôn vượt kế hoạch trong khi năng suất trên đà giảm.

Điều tương tự cũng đang xẩy ra tại các địa phương trồng sắn khác của tỉnh Thanh Hóa. Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Như Xuân cho biết, hàng năm huyện giao chỉ tiêu trồng sắn giảm hơn so với năm trước. Mục đích là để luân canh, tiêu diệt nguồn bệnh và chuyển một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, thực tế diện tích thực trồng luôn cao hơn chỉ tiêu giao hàng năm và năng suất lại có chiều hướng giảm.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Như Xuân, những niên vụ trước, năng suất sắn ở Như Xuân thường trên 20 tấn/ha. Tuy nhiên, niên vụ 2020 - 2021, trong số 3.070ha sắn trên địa bàn thì có tới gần 1,5 nghìn ha nhiễm khảm lá sắn. Vì vậy, năng suất chỉ đạt 17,5 tấn/ha.

“Thực tế, cây sắn ở Như Xuân hiện nay hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với cây ăn quả. Nhưng trồng cây ăn quả đầu tư lớn, lâu cho thu nhập, chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và dày công hơn cây sắn. Đây chính là lý do khiến người dân ở đây vẫn lao vào trồng sắn bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp”, ông Lê Tiến Đạt, Phó phòng NN-PTNT huyện như Xuân chia sẻ.

Nhiều hộ trồng sắn không có lãi do bệnh khảm lá khiến năng suất ngày càng giảm. Ảnh: VD.

Nhiều hộ trồng sắn không có lãi do bệnh khảm lá khiến năng suất ngày càng giảm. Ảnh: VD.

Trong khi các địa phương đều cho rằng diện tích thực trồng cao hơn kế hoạch được giao thì theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, diện tích trồng sắn trên địa bàn chỉ nhích hơn chút ít so với kế hoạch giao hàng năm. Theo đó, niên vụ sắn 2021 - 2022, toàn tỉnh trồng được 13.680,8ha đạt 101,41% kế hoạch và bằng 91,47 % so cùng kỳ. Diện tích sắn tập trung tại các huyện Như Xuân 3.070,1ha, Ngọc Lặc 2.432ha, Bá Thước 1.060,3ha, Thường Xuân 1.154,2ha, Như Thanh 1.025,8ha, Thọ Xuân 901,9ha,...

Báo cáo cũng thừa nhận, năng suất bình quân toàn vùng dự kiến chỉ đạt 15 tấn/ha (97,4 % kế hoạch), giảm 2,68 tấn/ha. Tuy diện tích theo thống kê tăng so với kế hoạch nhưng tổng sản lượng sắn dự kiến của tỉnh Thanh Hóa chỉ đạt 98,8% kế hoạch, giảm 59,27 nghìn tấn so cùng kỳ.

3,7 nghìn ha nhiễm bệnh khảm lá

Bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Thanh Hóa từ cuối năm 2019 khiến năng suất giảm từ 17 tấn/ha xuống còn 15 tấn/ha. Đến niên vụ 2020 - 2021, diện tích sắn nhiễm khảm lá lên tới trên 3,7 nghìn ha. Mặc dù chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nhưng do giá sắn tăng, nguồn giống khan hiếm, trong khi diện tích thực trồng tại các địa phương cao hơn chỉ tiêu kế hoạch giao nên nhiều hộ sử dụng cả giống nhiễm bệnh để trồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của sắn nguyên liệu tại Thanh Hóa.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất