| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất cá Koi giống, thu lãi 300 triệu đồng/năm

Thứ Hai 03/10/2016 , 08:26 (GMT+7)

So với mô hình nuôi cá thịt truyền thống, nuôi cá Koi lai đem lại nguồn thu gấp nhiều lần. Một số hộ nông dân ở Nam Định đang khấm khá nhờ chuyển đổi mô hình thuỷ sản này.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1965) ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc là một trong những người đầu tiên ở đây đưa cá Koi về nuôi. Sau 5 năm vừa học, vừa làm, anh Dũng đã có trong tay một cơ ngơi khang trang, bề thế. Xung qoanh ngôi biệt thự là 3 ao cá cảnh. Anh đã lai ghép thành công cá Koi Nhật và cá Koi Trung Quốc, tạo giống mới phù hợp với thời tiết nuôi ở miền Bắc.

Anh Dũng cho hay, từ năm 2011, biết giống cá Koi có giá trị cao, anh đã đặt mua một số lượng lớn con giống ở TP.HCM để nuôi thử nghiệm. Lúc ấy, cả tỉnh chưa có ai nuôi và chăm sóc loại cá này. Anh tìm đủ thứ sách để học về tập tính, cách chăm sóc và phòng bệnh cho cá. Nhưng, gặp cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông, đàn cá xuất xứ Nhật Bản không lớn, còi cọc và chết nhiều. Số ít còn sót lại, màu sắc đẹp nhưng khó tiêu thụ.

Nhấp một ngụm trà, anh Dũng giải thích: Cá Koi Nhật Bản được nhập từ miền Nam về có giá hơn 100 USD/con trưởng thành. Mức giá này, một mặt khẳng định giá trị của Koi, mặt khác cũng hạn chế lượng người mua, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, khiến lượng cá được tiêu thụ hạn chế.

Đầu ra lúc này trở thành một bài toán khó. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Dũng quyết định thử “ghép đôi” cá Koi Nhật Bản và cá Koi Trung Quốc nhằm tạo ra giống lai mới phù hợp với khí hậu Bắc bộ. Nghĩ là làm, năm 2013, anh bắt tay vào vai người "đỡ đẻ" cho cá Koi. Anh ghép 2 cặp cá bố mẹ, mỗi cặp cho vào một bể riêng biệt để tạo màu cá theo ý muốn. Tuy trứng nhiều nhưng nở ra không có màu.

Thất bại lần đầu, anh Dũng không nản lòng. Tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi, anh cho 10 cặp cá bố mẹ của 2 loại vào chung một bể. Kết quả việc lai tự nhiên cho tỷ lệ cá có màu sắc đẹp cao. Anh Dũng cho biết: “Cá Koi Nhật đẻ cho tỷ lệ 5 - 10% cá có màu sắc đẹp. Với việc lai cá koi Nhật và cá Koi Trung Quốc, tỷ lệ này đạt đến 30%”.

Anh cũng cho biết thêm, giống cá Koi lai này thích nghi tốt với khí hậu miền Bắc. Cá phàm ăn, chịu được rét và phát triển tốt trong mùa đông. Hơn nữa, giá không quá cao như cá koi Nhật nên thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt.

Cá khỏe mạnh, không dị tật, màu sắc đẹp sẽ được lựa chọn làm con bố mẹ. Nuôi sau 1,5 năm thì bắt đầu cho cá sinh sản. Theo kinh nghiệm của anh Dũng, cá đực phải khỏe mạnh, mập mạp, lỗ sinh dục lồi, vây có gai ram ráp. Với cá cái, lựa chọn con bụng to, chửa vừa tầm. Cá già có chửa sẽ không tốt, trứng dễ phân hủy.

08-07-44_nh-2
Hiện 3 ao nhà anh Dũng đều nuôi cá Koi lai

 

Khi cá 20 - 25 ngày tuổi, anh Dũng đóng gói hàng xuất bán khắp các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… Đến nay, toàn bộ diện tích hơn 2.000m2 mặt nước, anh Dũng đầu tư nuôi cá Koi giống để phục vụ nhu cầu lớn của thị trường. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng, gấp 5 - 7 lần so với việc nuôi cá thịt trước đây.

Ngoài ra, muốn cá con có màu sắc đẹp, cá bố mẹ phải lựa chọn cẩn thận. Cá phải rõ màu, hoặc đỏ đậm hoặc trắng sáng. Với cá 3 màu phải có từng khoang rõ ràng. Việc lựa chọn bố mẹ chất lượng tốt sẽ giúp cá con sinh ra đạt tỷ lệ sống cao, cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, màu sắc đẹp.

Quy trình đưa cá lên bể đẻ cũng phải được tiến hành nghiêm ngặt. Bể được thiết kế thông thoáng, nhiều ánh sáng. Ngoài ra, cần chuẩn bị bèo lục bình nuôi trên bể nước sạch từ 1 - 1,5 tháng để rễ dài, trắng rồi chuyển xuống bể đẻ của cá, làm giá thể cho trứng cá bám vào.

Với 1 bể rộng 10m2, anh Dũng thả 10 cặp bố mẹ, ước chừng 20kg. Với kinh nghiệm 4 năm làm cá giống, anh Dũng chia sẻ, cá cái khối lượng lớn thì tăng đực, cá cái bé thì không cần nhiều đực. Anh cũng cho biết, nhu cầu oxy của cá bố mẹ tăng gấp 2 lần bình thường nên hệ thống sục khí và máy bơm nhỏ được vận hành 24/24h nhằm cung cấp oxy, tạo dòng chảy để kích thích cho cá đẻ.

Cá bố mẹ được đưa lên bể đẻ vào buổi chiều. Khi cá đực cắn vây con cá cái, cá cái uốn cong người lên thì quá trình thụ tinh bắt đầu. Quá trình này diễn ra từ 3 - 4h và kết thúc 7 - 8h. Ước tính 10kg cá cái, cho 2kg trứng.

Trứng ấp từ 5 - 7 ngày sẽ nở thành cá bột, đạt 50 - 60 vạn cá bột. Dùng gạo nghiền nấu bột làm thức ăn cho cá trong vòng 10 ngày, theo tỷ lệ 30 vạn cho ăn 1,5kg bột gạo nghiền. Khi cá lớn và khỏe mạnh, sẽ cho ăn lần lượt cám mảnh, cám viên hạt cải.

Thoăn thoắt đảo tay chọn cá giống chuẩn bị xuất bán, anh Dũng cho biết: Đến giai đoạn cá được khoảng ngoài 15 ngày tuổi, bà con nên lựa tuyển những cá thể có màu sắc đậm nét, các khoang màu phân biệt rõ ràng để giữ lại nuôi vì đây là loại cá cho giá trị lớn. Các cá thể còn lại nên loại bỏ. Sau khi thực hiện khâu này, từ 50 - 60 vạn cá bột ban đầu sẽ chỉ còn lại 30 - 40 vạn. Tuy vậy, giá bán các cá thể được tuyển chọn kỹ lại khá cao, gấp nhiều lần so với cá thịt đơn thuần.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.