| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa 2 vụ, giải pháp cho vùng khô hạn

Thứ Hai 06/04/2020 , 08:38 (GMT+7)

Những năm qua, Ninh Thuận luôn thiếu nước sản xuất nhất là nước cho sản xuất lúa. Để có thể sống chung với khô hạn cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Sản xuất lúa 3 vụ/năm, thiếu nước, năng suất lúa của Ninh Thuận còn thấp. Ảnh: Ngọc Thăng.

Sản xuất lúa 3 vụ/năm, thiếu nước, năng suất lúa của Ninh Thuận còn thấp. Ảnh: Ngọc Thăng.

Luôn căng thẳng nước tưới

Tỉnh Ninh Thuận còn có một cái tên khác là “vùng đất lửa”, bởi khô hạn thường xuyên xảy ra. Đất đai ở đây nghèo dinh dưỡng, lớp đất canh tác mỏng, nghèo chất hữu cơ.

Địa hình đặc thù của Ninh Thuận là nhiều đồi núi; núi cao, dốc đứng, chiều dài sườn dốc ngắn nên dễ gây lũ quét vào mùa mưa làm rửa trôi đất canh tác và “gây khó” cho SXNN.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn Ninh Thuận cũng khá nghèo nàn. Hiện Ninh Thuận có 21 hồ chứa, tưới cho khoảng 31.227ha/năm, 2 hệ thống đập dâng tưới cho khoảng 4.264 ha/năm, 20 trạm bơm tưới 3.350ha/năm. So với thực tế SX, hệ thống thủy lợi ở Ninh Thuận chỉ có thể đáp ứng được 60% diện tích.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Thuận, diện tích gieo trồng lúa bình quân hàng năm của tỉnh là 42.859ha.

Trong đó, vụ ĐX chiếm tỷ lệ 36,6% tổng diện tích lúa gieo trồng cả năm; vụ HT chiếm tỷ lệ 32,7% và vụ mùa chiếm tỷ lệ 30,7%. Có những năm do thiếu nước tưới nên diện tích SX lúa giảm sâu. Ví như năm 2015, diện tích lúa cả năm ở Ninh Thuận đạt thấp nhất so với mọi năm, chỉ 37.258ha, nguyên nhân do ảnh hưởng của hạn hán nên diện tích gieo trồng trong cả 3 vụ đều giảm.

Càng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, Ninh Thuận càng bộc lộ rõ mình là “vùng đất lửa”. Như trong vụ HT năm 2020 này, lượng nước chứa trong các hồ ở Ninh Thuận chỉ đạt bình quân khoảng 28% so dung tích thiết kế. Đến cả hồ Sông Sắt là hồ chứa lớn nhất tỉnh mà dung tích chứa chỉ đạt 48%; một số hồ chứa vừa và nhỏ khác hiện chỉ đạt dưới 10%.

“Ví như hồ Sông Trâu hiện chỉ đạt 8%, hồ Sông Biêu đạt 7%, hồ Lanh Ra đạt 7%. Theo đánh giá chung, trong năm 2020, dung tích chứa trong các hồ thấp hơn năm 2019 là 57%, thấp hơn năm 2018 là 50% và tương đương năm hạn lịch sử 2016. Đến đầu vụ HT 2020, hầu hết các hồ chứa nhỏ đều về mực nước chết, thậm chí nhiều hồ cạn kiệt”, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho hay.

Sông, suối ở Ninh Thuận cũng ngắn và dốc nên không giữ được nước. Mực nước trong mùa khô thường hạ thấp, thậm chí có nhiều vùng tất cả các sông, suối đều trơ đáy.

Trước tình hình nguồn nước “nghèo nàn” là vậy mà hiện Ninh Thuận vẫn còn canh tác 3 vụ lúa/năm là một bất cập lớn.

Đặc biệt là vụ mùa (vụ 3), thời vụ gieo sạ tập trung rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 8 và trong tháng 9, như vậy thời điểm cây lúa làm đòng, trổ bông nằm trong tháng 11 là mùa mưa lũ chính. Nhiều năm lúa vụ 3 chín chưa kịp thu hoạch đã bị mưa lũ “nuốt” mất.

Hồ chứa ở Ninh Thuận luôn trong tình trạng hết nước vì khô hạn. Ảnh: Ngọc Thăng.

Hồ chứa ở Ninh Thuận luôn trong tình trạng hết nước vì khô hạn. Ảnh: Ngọc Thăng.

Hiệu quả thấp

Bất cập nhãn tiền là vậy nhưng nhận thức của việc chuyển đổi mùa vụ tại Ninh Thuận trong những năm qua còn rất kém.

Việc chuyển đổi từ SX 3 vụ lúa/năm sang còn làm 2 vụ ở Ninh Thuận trong thời gian qua cũng đã được một bộ phận nhỏ nông dân thực hiện, tuy nhiên chưa được lan tỏa diện rộng.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Thuận cho biết: Canh tác 3 vụ lúa/năm ắt nhiên nông dân phải chọn những giống lúa ngắn ngày, tiềm năng năng suất không cao. Thêm vào đó, thời gian lúa đứng trên đồng chiếm gần hết thời gian trong năm, đó là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển, lây truyền từ vụ này sang vụ khác dẫn tới nguy cơ phát triển thành dịch.

Thêm vào đó, đất canh tác lúa ở Ninh Thuận không màu mỡ, các thành phần dinh dưỡng trong đất như chất hữu cơ, đạm, lân, kali đều kém. Do đó, dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa hoàn toàn dựa vào nguồn phân bón, làm tăng chi phí SX, giảm sức cạnh tranh của nông dân.

“Canh tác lúa 3 vụ/năm làm cho nông dân không có thời gian để cày ải phơi đất. Đất bị ẩm ướt hầu như quanh năm và luôn ở trạng thái khử, tạo ra chất phenol trong đất ngăn cản sự phát triển của cây trồng. Thậm chí ngăn cản sự hấp thụ dưỡng chất của cây lúa và khả năng tích lũy khoáng N của đất bị giảm, từ đó dẫn đến hạn chế năng suất cây lúa”, ông Phạm Dũng khẳng định.

Ông Dũng phân tích thêm, riêng lúa vụ mùa do canh tác trong điều kiện tự nhiên rất bất lợi để cây lúa phát triển như: Mây nhiều, thiếu nắng làm quang hợp giảm, thiếu tinh bột làm hạt lửng. Mưa nhiều làm lúa thụ phấn kém làm hạt lép nhiều. Gió nhiều làm lúa đổ ngã, giảm năng suất. Sâu bệnh nhiều nên nông dân phải sử dụng nhiều thuốc BVTV. Năng suất lúa vụ mùa luôn thấp, chi phí tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận thống kê từ năm 2015 - 2019, năng suất lúa vụ mùa bình quân chỉ đạt 42,7 tạ/ha. Có năm như 2016 năng suất lúa mùa 28,1 tạ/ha.

“Với thực trạng về diện tích, năng suất, sản lượng lúa của cả tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua cho thấy rằng, cây lúa chỉ mới được chú trọng về diện tích; việc thâm canh tăng năng suất và bố trí thời vụ chưa được chú trọng đúng mức. Năng suất bình quân cả năm chỉ đạt 57,5 tạ/ha/vụ.

Với mức năng suất trên, nông dân SX lúa có lãi rất ít, chủ yếu lấy công làm lãi. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng năng suất lúa thấp và không ổn định là do những hạn chế của chế độ canh tác 3 vụ lúa/năm”, ông Thựu thừa nhận.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp Ninh Thuận xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Việc chuyển đổi nhắm tới mục đích vừa tiết kiệm nước vừa gắn liền với mở rộng vùng tưới, tăng giá trị trên đơn vị diện tích và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Sử dụng các loại cây trồng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, có khả năng chịu hạn, nhu cầu sử dụng nước ít và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.

“Trong thời gian qua, Ninh Thuận đã quan tâm đến việc chuyển đổi SX từ 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ lúa/năm ở những vùng thường bị ngập úng trong mùa mưa, phải bỏ SX lúa trong vụ mùa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này còn trong diện hẹp. Việc chuyển đổi cần được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, gắn với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Do vậy, cuối năm vừa qua chúng tôi đã xây dựng xong đề án chuyển đổi dựa vào thực tế từng địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất chủ trương từ tỉnh đến cơ sở, sau đó hoạch định kế hoạch và các giải pháp thực hiện cụ thể”, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Theo tính toán, một ha lúa cả vụ cần khoảng 10.000m3 nước. Như vậy tại Ninh Thuận mỗi vụ sản xuất khoảng 14.000 – 15.000ha lúa thì lượng nước cần hoảng 150 triệu m3. Nếu chuyển sang 2 vụ lúa/năm thì tiết kiệm được một lượng nước rất lớn để phục vụ phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...