Hồ đập cạn kiệt
Theo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến 9/3, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn 51,12 triệu m3/194,49 triệu m3, chiếm 26,3% dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 104,43 triệu m3/165 triệu m3, đạt 63,3% so với dung tích thiết kế.
Do thời tiết nắng hạn gay gắt, lượng nước bốc hơi nhanh nên một số hồ chứa nước có nguy cơ cạn kiệt như: Phước Trung, Phước Nhơn, Suối Lớn, Tà Ranh, Ông Kinh...
Ngoài ra, dòng chảy một số sông suối nhỏ xa đầu nguồn có hiện tượng giảm lưu lượng, nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất cây trồng.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, vụ ĐX toàn tỉnh SX hơn 19.599 ha, trong đó lúa hơn 10.716 ha, màu 8.797 ha, thủy sản 85,78ha, đạt 98,7% so với kế hoạch.
Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ ĐX 2019 - 2020, Cty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận - Đa Mi trong quá trình điều tiết nguồn nước của nhà máy thủy điện Đa Nhim theo kế hoạch đã được thống nhất tại biên bản họp ngày 20/1/2020.
Đồng thời, kịp thời tham mưu cho Sở NN-PTNT, theo dõi chặt chẽ lưu lượng chạy máy phát điện của Nhà máy thủy điện Đa Nhim và nhu cầu nguồn nước ở hạ du để chủ động điều tiết nước bổ sung từ hồ chứa nước Sông Sắt, Trà Co đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nguồn nước tại đập Lâm Cấm cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm.
Đối với các hệ thống đập dâng trên Sông Cái hưởng lợi trực tiếp từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, tỉnh đang tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh chính.
Đồng thời mở 2 cống tại đập dâng Sông Pha và giảm độ mở cống lấy nước đầu kênh Nam tại đập dâng Nha Trinh để ưu tiên đưa nước về kênh Bắc và đập Lâm Cấm; duy trì tối thiểu mực nước tại para Thái Hòa tối thiểu 0,9m, để đảm bảo điều tiết tưới luân phiên đưa nước về vùng 4 cuối kênh Bắc….
Ông Lê Phạm Hòa Bình, PGĐ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, đến nay các trà lúa đã được 60-70 ngày tuổi. Việc cấp nước tưới phục sản xuất vừa qua, Cty đã đáp ứng theo yêu cầu kế hoạch đề ra. Hiện vụ lúa vụ ĐX cần từ 4-5 phiên nước nữa, Cty sẽ điều tiết nước hợp lý, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt…
Kịch bản cho vụ hè thu
Để chuẩn bị cho sản xuất vụ HT tới, sau khi kết thúc vụ ĐX, Cty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận sẽ tập trung ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tiếp đến sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ HT.
Ông Lê Phạm Hòa Bình cho biết, đối với hệ thống các đập Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm, Cty chuẩn bị 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, nếu kết thúc vụ ĐX, dung tích hồ Đơn Dương dưới 50 triệu m3 nước và dự kiến lưu lượng đến hồ trong vụ HT năm 2020 nhỏ nhất trung bình nhiều năm là 10 m3/s. Trong đó, có xét đến lưu lượng trung bình tối thiểu xả về hạ du sông Đa Nhim là 2,1 m3/s thì trong vụ HT, Cty dự kiến sẽ điều tiết nước tưới cho sản xuất hơn 9.185 ha bao gồm cả diện tích lúa, màu, thủy sản.
Phương án 2, kết thúc vụ ĐX dung tích hồ Đơn Dương đạt từ 50- 65 triệu m3 nước, Cty dự kiến sản xuất vụ HT hơn 14.100 ha bao gồm cả diện tích lúa, màu, thủy sản. Phương án 3 kết thúc vụ ĐX, dung tích hồ Đơn Dương đạt 85 triệu m3 nước, Cty dự kiến sản xuất vụ HT hơn 17.868 ha bao gồm cả diện tích lúa, màu, thủy sản.
Đối với hệ thống hồ chứa nước trong điều kiện vụ ĐX không có mưa, các hồ không được bổ sung nguồn nước. Trong vụ HT tới, Cty dự kiến tổ chức điều tiết nước sản xuất ở 5/21 hồ chứa để phục vụ tưới cho cho hơn 2.578 ha.
Ngược lại trong điều kiện vụ ĐX có mưa trên diện rộng, căn cứ tình hình thực tế, Cty sẽ tự điều chỉnh diện tích gieo trồng cho phù hợp theo kế hoạch UBND tỉnh giao.
Theo lãnh đạo Cty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, trong trường hợp lượng nước chạy máy phát điện của nhà máy Đa Nhim thấp, khu tưới của đập dâng Nha Trinh và Lâm Cấm bị thiếu hụt nước, Cty sẽ chủ động điều tiết nước từ đập dâng Tân Mỹ, nhằm chủ động đưa nước cấp cho một số khu vực có khả năng bị thiếu nước như Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn, vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống đập dâng Nha Trinh…