| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nấm sạch, không lo đầu ra

Thứ Hai 03/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Hiện các sản phẩm nấm của HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã được công nhận OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao.

Anh Nguyễn Văn Thành (áo hồng) giới thiệu về mô hình trồng nấm của HTX. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Nguyễn Văn Thành (áo hồng) giới thiệu về mô hình trồng nấm của HTX. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Nguyễn Văn Thành (SN 1978, xã Hải Chính) là người đầu tiên đưa nghề trồng nấm về địa phương phát triển; giúp bà con có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Bởi thế, đến đầu làng hỏi thăm anh Thành, không ai là không biết. Từ lâu, anh được bà con thôn Đông Sơn đặt cho cái tên mới là “Thành nấm” hay “Vua nấm Hải Chính”.

Sản phẩm chủ lực

Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Linh Phát cho biết, năm 1998, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh tiếp tục ở nhà phụ giúp gia đình đánh bắt hải sản và sản xuất muối biển.

Đến năm 2010, thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản bấp bênh, hiệu quả đánh bắt không cao, nên anh dừng lại.

“Do có quen biết một số bạn bè ở các địa phương có nghề trồng nấm nên tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật chăm sóc. Mô hình đầu tiên tôi tham quan là ở Hải Phòng”, anh Thành bật mí.

Để thực hiện được ý tưởng, anh Thành đăng ký học 1 khóa đào tạo về trồng nấm, sản xuất nấm tại Viện Di truyền Nông nghiệp.

Sau khi có trong tay vốn kiến thức, tháng 3/2011, anh Thành quyết định xây dựng trang trại trồng nấm với quy mô khoảng 1.000m2; tập trung sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm mỡ. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đã xảy ra hiện tượng bịch phôi nấm bị chết giống.

Anh Thành phân trần: "Thời điểm đó, tôi trồng 50.000 bịch phôi giống, song do chưa nắm chắc được kĩ thuật sấy, hấp phôi nấm nên giống bị chết dần, chết mòn; thiệt hại khoảng 30 - 40%".

Sau thiệt hại ban đầu, anh Thành dành nhiều thời gian vào việc đi tham quan các mô hình trồng nấm khác để học hỏi thêm kĩ thuật. Nhờ đó, những bịch phôi nấm còn lại sống và phát triển với tỉ lệ sống cao.

Năm 2019, HTX xuất bán ra thị trường 50 tấn nấm bào ngư. Ảnh: Mai Chiến.

Năm 2019, HTX xuất bán ra thị trường 50 tấn nấm bào ngư. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Thành bảo, trong quá trình sản xuất nấm, nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả, nên năm 2014 anh đã đứng lên thành lập HTX Dịch vụ Linh Phát hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 8 thành viên tham gia và 25 lao động kĩ thuật sản xuất.

Từ năm 2014 đến nay, HTX phát triển kinh tế ổn định. Hiện, HTX đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư Linh Phát.

“HTX đã xác định được sản phẩm chủ lực của mình là sản phẩm của cây nấm linh chi, ngoài ra còn có sản phẩm nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ, rượu nấm linh chi. Đặc biệt, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất trà nấm linh chi hòa tan, đây là sản phẩm thế mạnh của HTX”, anh Thành nhấn mạnh.

Đầu ra ổn định

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Thành chia sẻ, hằng năm, HTX liên kết với Viện Di truyền Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua con giống về sản xuất tại xưởng của HTX, đồng thời xuất bán sản phẩm đã sấy khô cho Viện và Học viện.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT Nam Định tham quan HTX. Ảnh: Mai Chiến.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT Nam Định tham quan HTX. Ảnh: Mai Chiến.

Anh nhấn mạnh: “Mọi quy trình sản xuất từ làm bịch phôi, chọn giống, nguồn nước tưới… đều được áp dụng theo quy trình VietGAP.

Do vậy, cây nấm không những cho năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất đến đâu đều được HTX tiêu thụ ra thị trường hết đến đó”.

Hiện nay, sản phẩm của HTX Dịch vụ Linh Phát đã có mặt tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn là thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và thường xuyên sản xuất ổn định cho 12 đại lý và 5 công ty.

Theo tính toán của anh Thành, sản lượng nấm của HTX tăng qua từng năm. Năm 2019, nấm linh chi thương phẩm (đã sấy khô) đạt 5 tấn, nấm bào ngư đạt 50 tấn, mộc nhĩ đạt 10 tấn, nấm mỡ đạt 10 tấn. Ngoài ra, đã xuất ra thị trường 500 lít rượu nấm linh chi…

“Với giá bán 600.000đ/kg nấm linh chi đã sấy khô; 30.000đ/kg nấm bào ngư (tươi); 130.000đ/kg mộc nhĩ đã sấy khô…, năm 2019 tổng doanh thu của HTX đạt 5,7 tỷ đồng”, anh Thành nói.

Nấm linh chi cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Mai Chiến.

Nấm linh chi cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Mai Chiến.

Được biết, trong những năm qua, nhờ kết quả hoạt động tốt nên hằng năm HTX đều được UBND các cấp tặng bằng khen. Ngoài ra, anh Thành còn được nhận giải thưởng Lương Đình Của (năm 2012), Sinh ra từ làng (năm 2013), Sao Thần Nông (2014).

Năm 2019, HTX vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả năm 2018-2019.

“Đây là một trong những HTX hoạt động rất hiệu quả. HTX đã sản xuất ra được những sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao”, ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định đánh giá.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.