Ngày 11/11, tại Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT TP Hải Phòng tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề “Khuyến nông trong vai trò kết nối sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị”.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, những năm qua, đơn vị đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trong đó một số mô hình gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp.
Dù vậy, hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường.
Bên cạnh đó, một số mô hình chưa có nhà sơ chế đảm bảo điều kiện kỹ thuật để phân loại, sơ chế, đóng gói trước khi đưa vào hệ thống phân phối.
Do đó, thời gian tới, để hoạt động khuyến nông đạt hiệu quả và đi vào chất lượng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các mô hình khuyến nông theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, mở rộng các mô hình khuyến nông hợp tác với doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp cũng như xây dựng các mô hình về tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hình thành các nhóm, tổ thu mua.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, từ năm 2017 đến năm 2022, Trung tâm đã triển khai xây dựng 109 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho trên 70 sản phẩm.
Các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất an toàn, chứng nhận VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
“Nhờ vào liên kết, nông dân có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho hay.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và là giải pháp tối ưu đem lại hiệu quả lớn, lợi nhuận tối đa cho tất cả các bên tham gia.
Hiện nay, với quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, đã làm cho chuỗi giá trị vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, vùng lãnh thổ và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã quan tâm, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị nông sản thông qua chủ trương, chính sách phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, cả nước có gần 7.000 chuỗi liên kết nông nghiệp với hơn 3.200 chuỗi liên kết do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện từ trước khi có Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 1.644 chuỗi liên kết có chứng nhận an toàn thực phẩm và 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định tại Nghị định 98.
“Chúng tôi đang có những kế hoạch để nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông, người làm khuyến nông phải chuyên nghiệp hơn, tiếp cận đa dạng hơn, không chỉ về kỹ thuật mà còn tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau của vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân...
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án kiện toàn lại các tổ khuyến nông cộng đồng để nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông cơ sở.
Thông qua đó, đã cung cấp cho đội ngũ khuyến nông cơ sở đầy đủ thông tin, kiến thức để họ trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, giúp người dân chủ động tham gia vào các hợp tác xã, giúp cho các hợp tác xã kết nối được các doanh nghiệp, thị trường để nâng cao giá trị nông sản", ông Lê Quốc Thanh cho biết.