Hội thảo được tổ chức quy mô toàn quốc, có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT như: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số đơn vị liên quan.
Về phía các địa phương, có đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông cùng các hợp tác xã và nông dân điển hình của Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Kiên Giang, TP.HCM, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Nghệ An, Phú Thọ, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề nông thôn, nông nghiệp và nông dân của địa phương mình, các doanh nghiệp chia sẻ về thành tựu, khó khăn cũng như những kinh nghiệm trong sản xuất; trao đổi, thảo luận về việc tổ chức kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng chia sẻ, những năm qua, kinh tế Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu, trong đó nông nghiệp có nhiều đóng góp, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Trong sự phát triển chung đó, Khuyến nông Hải Phòng có đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Cảng, góp phần đưa sản xuất phát triển theo quy mô lớn, hình thành 1 khu nônng nghiệp công nghệ cao hơn 200ha ở Vĩnh Bảo, hình thành 500 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và hơn 500 trang trại quy mô lớn…, thu hút được 18 doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng nhân dân đề xuất với chính quyền đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đến nay, hệ thống khuyến nông Hải Phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi thực hiện được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua nhiều dự án khuyến nông, lồng ghép công tác chuyên môn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
“Thời gian qua, những người làm khuyến nông Hải Phòng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ những người làm công tác khuyến nông luôn đồng hành, sát cánh với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong chỉ đạo sản xuất, xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, ông Tuấn cho hay.
Bàn về nội dung cuốn sách “Khuyến nông trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, các đại biểu bày tỏ tâm đắc và đánh giá cao các nội dung được đưa ra trong đề cương với 4 phần, gồm: Lược sử khuyến nông, dấu ấn khuyến nông Việt Nam, sự kiện và nhân vật, khuyến nông trong tôi.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, vào tháng 3/1993, Chính phủ ra Nghị định để hình thành nên hệ thống khuyến nông, lúc đó là Cục Khuyến nông. Liên tục trong 30 năm phát triển và trưởng thành, đến nay, hệ thống khuyến nông đã phát triển mạnh mẽ.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đồng ý về mặt chủ trương để tổ chức các hoạt động hướng đến 30 năm khuyến nông Việt Nam, trong đó có việc biên soạn và xuất bản cuốn sách nói trên.
Theo ông Lê Quốc Thanh, việc xây dựng cuốn sách cần nói lên được kết quả hoạt động của toàn hệ thống khuyến nông cả nước, toàn hệ thống chứ không chỉ là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhìn với góc độ khuyến nông đóng góp gì trong 30 năm vừa qua với hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung. Cuốn sách sẽ kể quá trình lịch sử hình thành và phát triển theo những dấu ấn khuyến nông gắn với sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Hội thảo hôm nay có đầy đủ sự tham dự của cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, có doanh nghiệp, có cơ quan là trung tâm nằm trong hệ thống khuyến nông để chúng ta nhìn khuyến nông ở quy mô toàn quốc, chúng ta sẽ nói câu chuyện khuyến nông chứ không kể chuyện, không liệt kê những kết quả của khuyến nông mà sẽ nói câu chuyện khuyến nông trong vòng 30 năm, đóng góp của khuyến nông với sự phát triển của nông nghiệp chung toàn quốc”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo đề cương, cuốn sách “Khuyến nông trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” sẽ thể hiện quá trình hình thành, phát triển và xây dựng nên thương hiệu Khuyến nông Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ nêu bật những dấu ấn khuyến nông trong sự nghiệp phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thể hiện ở các họat động, chương trình, dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực sản xuất cũng như những mô hình khuyến nông, sản phẩm khuyến nông nổi bật, những nhân vật tiêu biểu…, có phân tích, so sánh thời kỳ đầu mới hoạt động và hiện nay.
Đáng lưu ý, trong phần dấu ấn khuyến nông là những dấu ấn của công tác khuyến nông Việt Nam gắn với quá trình đổi mới và ngành nông nghiệp, thể hiện theo các nội dung hoạt động, các đối tượng cây trồng, vật nuôi từng vùng sinh thái, khẳng định được vai trò của khuyến nông đối với sự nghiệp "tam nông" suốt 30 năm qua.
Trong giai đoạn đổi mới, khuyến nông gắn với các phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu, khuyến nông gắn với các nhóm sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cà phê, chè, cây ăn quả, hồ tiêu, rau, cao su, chăn nuôi, thủy sản… và phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.
Phần nhân vật và sự kiện, những nhân vật tiêu biểu có vai trò dẫn dắt, khởi xướng, đóng góp nhiều cho công tác khuyến nông sẽ được ghi nhận, ví dụ như hiệp sỹ khuyến nông ở Hải Dương, hay cán bộ khuyến nông dám nghĩ dám làm ở Hải Phòng… sẽ được ghi nhận.