| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp trong đại dịch: Kinh nghiệm của Bắc Giang, Hải Dương

Thứ Năm 19/08/2021 , 09:41 (GMT+7)

Trong dịch Covid-19, nhờ ứng dụng công nghệ và phân tích sớm trong việc xúc tiến tiêu thụ nông sản, Bắc Giang và Hải Dương đã vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục.

Nhờ nhận định sớm thị trường, Hải Dương đã mở rộng diện tích cây vụ đông từ cuối năm 2020, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhờ nhận định sớm thị trường, Hải Dương đã mở rộng diện tích cây vụ đông từ cuối năm 2020, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã có những chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, 2 tỉnh này đã vượt qua giai đoạn khó khăn trên bằng nhiều giải pháp đa dạng, linh hoạt, trong đó tập trung lên kịch bản chi tiết, khai thác các tiến bộ của công nghệ và chủ động kết nối, mở rộng thị trường.

Lên nhiều kịch bản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết, tháng 5 vừa qua, đợt dịch Covid-19 với biến chủng Delta xuất hiện tại địa phương. Vượt qua sự lúng túng ban đầu, Bắc Giang đã có những giải pháp hiệu quả để khống chế dịch và phát triển kinh tế song song.

Sau dịch, Bắc Giang đã tái sản xuất công nghiệp với hơn 400 doanh nghiệp FDI với trên 200.000 công nhân hoạt động trở lại bình thường. Đến nay, thu ngân sách của tỉnh đã đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020. “Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dù có thời điểm 8/10 huyện, thành phố của tỉnh phải cách ly nhưng nhờ nhận định sớm được tình hình, chúng tôi đã đưa ra được kịch bản sản xuất phù hợp, ứng phó với tình hình dịch”, ông Pích nói.

Chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trong thời gian dịch bệnh, ông Pích cho biết, ngay từ khi dịch bắt đầu diễn biến phức tạp, yêu cầu đầu tiên được đưa ra với ngành nông nghiệp là sản xuất các sản phẩm an toàn, cả về chất lượng vẫn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. "Chúng tôi cho rà soát toàn bộ diện tích, sản lượng và thời gian thu hoạch dự kiến của các loại nông sản. Sau đó đánh giá về các thị trường tiêu thụ, kênh phân phối cho từng loại sản phẩm. Từ đó đưa ra được các giải pháp nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ để đảm bảo tiêu thụ tốt nông sản”, ông Pích chia sẻ thêm.

Không chỉ quả vải, nhiều nông sản khác của Bắc Giang cũng có thời điểm thu hoạch trùng với lúc xảy ra dịch Covid-19. Với khối lượng nông sản khổng lồ như vậy, Bắc Giang đã lên 3 kịch bản để tiêu thụ, tương ứng với 3 khả năng của dịch: Kiểm soát hoàn toàn, kiểm soát một phần và không kiểm soát được.

Để đẩy mạnh tiêu thụ, tỉnh đã chủ động mời các tập đoàn bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong nước và quốc tế tiếp cận nguồn hàng. Bên cạnh đó, đại diện các chợ đầu mối lớn trên cả nước cùng nhiều nhà xuất khẩu cũng hợp tác, ký biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm cho Bắc Giang. Riêng về vải thiều, từ nhận định sớm các thương gia Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi nhập cảnh nếu dịch diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã bằng mọi cách, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ như Ngoại giao, NN-PTNT, Công an… để phối hợp, tạo điều kiện cho họ có thể sang thu mua. 

“Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng nhờ có sự chủ động, 215.000 tấn vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu sang Trung Quốc được đến 80.000 tấn”, ông Pích chia sẻ. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đa dạng hóa các hình thức xúc tiến tiêu thụ nông sản. Trong đó, có thể kể đến hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia.

Ngoài ra, các nông sản của Bắc Giang còn được đưa lên các nền tảng thương mại điện từ cả trong lẫn ngoài nước, tổ chức bán trực tuyến qua hình thức livestream của các nghệ sỹ, người nổi tiếng.

Vụ vải năm 2021 của Bắc Giang thành công nhờ ứng dụng nhiều loại hình xúc tiến tiêu thụ mới. Ảnh: Tùng Đinh.

Vụ vải năm 2021 của Bắc Giang thành công nhờ ứng dụng nhiều loại hình xúc tiến tiêu thụ mới. Ảnh: Tùng Đinh.

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực. Vụ đông xuân được mùa toàn diện, sản lượng rau các loại đạt 344.000 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ, sản lượng vải thiều đạt 215 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi, thủy sản vẫn duy trì sự ổn định trong dịch bệnh và tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 3,03%, tăng gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra (0,9%).

Dự báo thị trường

Với Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân chia sẻ, từ giữa năm 2020, tỉnh đã nhận định, đánh giá dựa trên tình hình dịch bệnh và thiên tai lũ lụt ở Trung Quốc, kết luận đưa ra là nguồn cung lương thực, rau củ quả từ nước bạn sẽ giảm.

Do đó, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông. Dự kiến tình hình hàng nông sản Trung Quốc sẽ bị hạn chế vào Việt Nam do nước bạn bị ảnh hưởng lũ lụt, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng cây vụ đông tăng thêm từ 7- 8%. Bên cạnh đó, với sự ủng hộ của thời tiết, nông sản của tỉnh trong các vụ cuối 2020, đầu 2021 đều đạt sản lượng rất tốt.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hải Dương tăng trưởng 7,3%, đây mức tăng trưởng vượt trội số kết quả 3,82% của ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, vải được mùa, tổng sản lượng ước đạt 55.000 tấn, tăng 20,9% so với năm trước. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tốt, được bán qua nhiều kênh khác nhau và giá bán cao so với vải quả ở các tỉnh khác.

Về rau, Hải Dương hiện có 6.500ha rau màu và thu hoạch liên tục, sản lượng trung bình 50.000 tấn/tháng. Kế hoạch gieo trồng cây vụ đông đạt 21.000ha, thu hoạch từ tháng 10/2021đến tháng 3/2022 và sản lượng chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.

Nhận định tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài và tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội chung, trong đó có ngành nông nghiệp ông Trần Văn Quân đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh muốn được cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới.

Ngoài vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản, một số khó khăn hiện nay của Hải Dương là nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ miền Nam không vận chuyển ra Bắc được và nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để tránh lây lan dịch bệnh. 

Cụ thể, nhu cầu phân bón từ nay đến hết năm cần khoảng 85.000 tấn; trong đó, lượng tồn và khả năng cung ứng của các đơn vị trong tỉnh đáp ứng khoảng 70%, còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh. Nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật từ nay đến hết năm, tỉnh cần khoảng 160 tấn; trong đó, lượng tồn trong tỉnh chỉ còn khoảng 30%.

Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các loại rau vụ đông trong năm 2021 để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và các địa phương lân cận. Ảnh: Tùng Đinh.

Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các loại rau vụ đông trong năm 2021 để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và các địa phương lân cận. Ảnh: Tùng Đinh.

Do đó, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương kiến nghị nghị Bộ NN-PTNT làm việc với các ngành chức năng tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được qua các chốt kiểm soát Covid-19 đảm bảo theo nguyên tắc phòng dịch một cách thuận lợi. Ngoài ra, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ các địa phương hệ thống kho lạnh trong chuỗi logistic và công nghệ tồn trữ nông sản, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.

Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Hải Dương để khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kinh nghiệm của Bắc Giang có thể chuẩn hóa áp dụng cho nhiều địa phương 

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong chống dịch Covid-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành tích hơn 1 tháng vừa qua, tỉnh Bắc Giang không có ca F0 trong cộng đồng, trạng thái bình thường mới đã được thiết lập trên 1 địa bàn đã từng có tình trạng lây nhiễm cao. Chủ tịch nước cho rằng, từ mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, địa phương đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, đảm bảo đa mục tiêu.

“Thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang là đã đưa các ca F0, F1 vào điều trị kịp thời, phong tỏa nhanh. Hệ thống chính trị vào cuộc hiệu quả. Tỉnh đã có nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử,… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác”, Chủ tịch nước khẳng định.

Từ chỗ là tâm dịch lớn nhất của cả nước, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương, tỉnh Bắc Giang không phát hiện F0 trong cộng đồng trong thời gian qua. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội đã trở lại bình thường trong tình hình mới.

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.