| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất tập trung hướng đi tất yếu: [Bài 1] Trang trại bò tuần hoàn khép kín

Thứ Hai 18/04/2022 , 20:10 (GMT+7)

Nhiều trang trại chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín tại Tây Ninh đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua.

Đến thăm trang trại bò kết hợp nuôi trùn quế của bà Võ Thị Lấn tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh chúng tôi ngỡ ngàng trước một trang trại quy hoạch bài bàn, quy mô và hiện đại.

Khuôn viên bên trong trang trại chăn nuôi bò kết hợp trùn quế tuần hoàn khép kín của bà Lấn tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Trần Trung.

Khuôn viên bên trong trang trại chăn nuôi bò kết hợp trùn quế tuần hoàn khép kín của bà Lấn tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh những chuồng bò thẳng tắp được phân chia rõ ràng dành cho bò giống, bò sinh sản, bò con… là những cung đường được nhựa hóa với những hàng cây kiểng các loại tỏa bóng xanh mát. Mới 6h sáng, những chiếc máy cày của trang trại đã kéo từng xe cỏ đầy ắp nối đuôi nhau từ khu vườn gần đó để cung cấp cho trang trại, tạo nên bức tranh sôi động không khác gì một nông trường thu nhỏ.

Cơ giới hóa được đưa vào sử dụng nhằm giảm nhân công, tăng hiệu suất công việc. Ảnh: Trần Trung.

Cơ giới hóa được đưa vào sử dụng nhằm giảm nhân công, tăng hiệu suất công việc. Ảnh: Trần Trung.

Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, bà Lấn tâm sự, sinh ra và trưởng thành nơi miền quê nghèo của Tây Ninh trong một gia đình làm nghề lúa nước và trồng cây thuốc nam chữa bệnh cho bà con trong vùng, có thể nói, cuộc đời bà là một hành trình lắm gian truân.

Thuở  thiếu niên, bà là chị cả trong gia đình đông anh em, một tay bà chăm sóc đàn em nheo nhóc. Đến lúc lấy chồng, khi có với nhau cả thảy 10 mặt con thì người chồng đột ngột qua đời. Cảnh khổ không than thở được cùng ai trở thành sức mạnh giúp người mẹ trẻ dầm mưa dãi nắng, không chỉ vượt lên nghịch cảnh, chăm lo cho cả đàn con ăn học đỗ đạt thành tài, mà bà còn trở thành nữ doanh nhân thành đạt, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3 vì những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Đàn bò đực giống 3B được bà Lấn chăm sóc cẩn thận không chỉ phục vụ cho gia đình bà còn hỗ trợ phối giống cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Đàn bò đực giống 3B được bà Lấn chăm sóc cẩn thận không chỉ phục vụ cho gia đình bà còn hỗ trợ phối giống cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi thăm quan đàn bò giống lên đến gần trăm con, mỗi con nặng hơn nửa tấn, bà Lấn cho biết thêm, xuất phát từ việc muốn có nguồn phân bón sạch, đảm bảo phục vụ cho vùng nguyên liệu canh tác 50 ha trà, hơn 10 năm trước, bà bắt tay vào nuôi bò nhằm tận dụng nguồn phân để bón cho vườn cây.

Tuy nhiên, thời điểm đó, bà chủ yếu nuôi các giống bò địa phương nên sản lượng phân thu được ít, ngoài ra, phân chưa qua xử lý ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển vườn cây. Để nâng cao hiệu quả, bà dành thời gian tìm hiểu mô hình nuôi trùn quế, đồng thời tìm kiếm những giống bò mới, trong đó, bò 3B là một trong những giống bà ưu tiên phát triển, bởi cùng một lượng thức ăn nhưng bò 3B to hơn nhiều bò thông thường, ít bệnh tật, tỷ lệ thịt và phân nhiều.

Đàn bò cái vừa cung cấp lượng phân phục vụ mục đích nuôi trùn quế còn đem lại nguồn thu lớn từ xuất bán giống và thịt. Ảnh: Trần Trung.

Đàn bò cái vừa cung cấp lượng phân phục vụ mục đích nuôi trùn quế còn đem lại nguồn thu lớn từ xuất bán giống và thịt. Ảnh: Trần Trung.

Đối với nuôi trùn quế, theo bà Lấn, nuôi không khó, điều quan trọng là đúng kỹ thuật, hệ thống chuồng trại đảm bảo và cho ăn đúng cách, trùn quế sẽ sinh sản nhanh. Mô hình còn có ưu điểm là chỉ đầu tư mua giống một lần, sau đó trùn tự sinh sản và phát triển không ngừng nên không tốn chi phí con giống cho vụ tiếp theo.

Để triển khai hiệu quả mô hình, khu vực chăn nuôi trùn cần được thiết kế khoa học, nằm cạnh chuồng bò nên thuận lợi cho việc thu gom phân. Chuồng được xây dựng bằng gạch, lợp tole để che nắng, che mưa, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để trùn sinh trưởng, phát triển. Thức ăn cho trùn quế là phân bò, được xử lý qua men vi sinh nên hạn chế mùi hôi.

Trang trại trùn quế được xây dựng phía sau khu vực chăn nuôi để kịp thời xử lý lượng phân từ bò. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trang trại trùn quế được xây dựng phía sau khu vực chăn nuôi để kịp thời xử lý lượng phân từ bò. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Trùn quế rất dễ nuôi, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nuôi trùn quế rất nhẹ công, thời gian cho ăn không cố định, quan sát thấy phân trên lớp mặt khô là có thể tiếp tục cho ăn. Phân trùn quế hàm lượng dinh dưỡng cao và có tác dụng ngăn ngừa sâu bệnh. Dùng phân trùn quế trộn với đất sẽ bảo đảm cho cây phát triển trong 3 tháng mà không cần bất cứ phân nào khác”, bà Lấn chia sẻ.

Bốc lên tay từng vốc phân trùn quế bà Lấn phấn khởi nói: “Với quy trình khép kín từ trồng cỏ nuôi bò, đến tận dụng phân bò nuôi trùn quế, vừa bón ngược lại cho đồng cỏ vừa cung cấp cho vườn trà. Vì thế, hầu như trong quá trình sản xuất tôi không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, diện tích trà mở rộng đến đâu là trang trại bò mở rộng đến đó, hiện với 50 ha trà nguyên liệu cùng đàn bò hàng trăm con, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền phân bón tôi tiết kiệm cả tỷ đồng.

Theo bà Lấn, trùn quế dễ nuôi, ít công chăm sóc, chỉ cần bỏ vốn mua giống ban đầu, chúng tự sinh sôi nảy nở và phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo bà Lấn, trùn quế dễ nuôi, ít công chăm sóc, chỉ cần bỏ vốn mua giống ban đầu, chúng tự sinh sôi nảy nở và phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh là một trong những tỉnh khu vực phía Nam có số lượng bò nhiều và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò như đất đai, đồng cỏ chăn thả rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, địa hình cao, ít mưa bão, lũ lụt.

Theo tính toán, một ha đất trồng cỏ có năng suất 250 tấn, nuôi được 14 con bò, tạo việc làm thêm cho 2 lao động. Do vậy, phát triển chăn nuôi bò thịt thực sự góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, mô hình của bà Lấn là một trong những mô hình tiêu biểu trong gần 500 trang trại tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, mô hình của bà Lấn là một trong những mô hình tiêu biểu trong gần 500 trang trại tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện tổng đàn bò thịt tại địa phương lên đến gần 100.000 con. Tuy nhiên, việc chăn nuôi phần lớn là chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ từ 4-6 con chiếm tỷ lệ cao trên 90% nên đạt hiệu quả kinh tế không cao.

Những năm gần đây, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã không ít hộ mạnh dạn chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang hình thức trang trại tuần hoàn khép kín. Mô hình của bà Lấn là một trong những mô hình tiêu biểu trong gần 500 trang trại tại địa phương.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tổng đàn bò của Tây Ninh đạt 125.000 con và 150.000 nghìn con vào năm 2030. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tổng đàn bò của Tây Ninh đạt 125.000 con và 150.000 nghìn con vào năm 2030. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình, địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch Phát triển ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò thịt nói riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, địa phương sẽ thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi đồng bộ các nội dung: từ cơ cấu lại sử dụng các nguồn lực, cơ cấu lại công nghệ sản xuất, cơ cấu lại về hình thức tổ chức sản xuất và đặc biệt là cơ cấu lại về các chủ thể sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng về hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng...

Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo phương thức tập trung, trang trại quy mô lớn, có kiểm soát, đảm bảo đúng quy định của Luật Chăn nuôi. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tổng đàn bò của Tây Ninh đạt 125.000 con và 150.000 nghìn con vào năm 2030. 

 “Chúng ta cần xây dựng các mô hình  theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào chăn nuôi để làm sao tăng được chất lượng sản phẩm, giảm được giá thành, giảm bớt lao động thủ công và tiến tới chiếm lĩnh được thị trường, đầu tiên là trong nước, sau đó là thế giới.

Để làm được việc này cần có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội, trong đó nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt nông dân cùng phát triển”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...