Tôi lên Cao Bằng. Anh Hoàng Anh – Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Bí thư Tỉnh ủy) giới thiệu cho tôi gặp một doanh nhân người Hồng Kông. Ông này tới Cao Bằng để xin lập nhà máy chế biến thạch từ cây thạch đen.
Ông nói được tiếng Việt và rất hào hứng giới thiệu các ý định của ông. Ông cho biết, ở huyện Thạch An (của Cao Bằng) ông thấy cây thạch đen mọc rất tốt. Đây là loại cây có thể dùng thân và lá để nấu ra thạch (như ta vẫn dùng tảo biển để làm thạch).
Ông mong muốn, bà con ở Cao Bằng sẽ trồng nhiều thạch đen và ông sẽ mua hết để làm ra thạch. Thạch đó sẽ bán cho Hồng Kông, cho Trung Quốc và cho nhiều nước khác. Ông tính rằng, làm bằng cách này sẽ có được thành phẩm rẻ hơn làm từ tảo biển; bà con vùng cao lại có thêm việc làm và tăng được thu nhập…
Tôi láng máng nhớ rằng, ngay ở chợ Lạng Sơn người ta cũng bán loại cây này. Tôi điện ngay cho KS Hoàng Lê Minh. Ông nguyên là Giám đốc Cty Giống cây lâm nghiệp vùng Đông Bắc. Ông rất hiểu về cây thạch đen.
Ông cho biết, ở Lạng Sơn cũng có nhiều lắm! Đặc biệt, ở huyện Tràng Định, bà con trồng rất nhiều. Sau khi thu hoạch, họ phơi khô rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Có bao nhiêu họ cũng mua hết…
Té ra, trong lúc có rất nhiều mặt hàng nông nghiệp bị ế thừa thì vẫn có những sản phẩm được thương lái tranh nhau mua. Thạch là một mặt hàng dùng trong giải khát. Ở Việt Nam, ở Trung Quốc và ở nhiều nơi khác, hầu như quán giải khát nào cũng dùng thạch. Thạch có tác dụng giải nhiệt tốt. Nó còn có thể dùng làm thuốc để chữa cảm nắng, cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan và các bệnh xương khớp. Người già và trẻ em đều thích dùng thạch.
Cây thạch đen là loại thân thảo, cao từ 40-60 cm, nó thường bò lan trên mặt đất. Trên thân của nó có lông thô rậm và khi già chuyển sang màu đỏ – hồng, nếu phơi khô sẽ chuyển sang màu xám đen. Nó là cây ưa sáng và ẩm nhưng không chịu được điều kiện ứ nước.
Nó thích đất cát pha ven sông, suối hoặc đất bồi tụ dưới chân đồi. Nó được trồng nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn và ở các tỉnh phía Nam như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang)...
Nhiều gia đình ở Lạng Sơn thu được hàng chục triệu nhờ trồng cây thạch đen. Bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao và cả người Kinh ở đây đều muốn trồng nhiều thạch đen vì nó dễ trồng mà lại bán cũng tốt.
Nếu chăm bón tốt, một năm có thể thu được 2 lứa. Khi thu, người ta cắt sát gốc rồi đưa cả thân, lá ra phơi. Chỉ cần 2 nắng là chúng khô kiệt. Cứ 10 kg tươi ta thu được 1 kg khô. Một sào Bắc bộ (360 m2) cũng có thể thu được 150 kg khô.
Để chế biến chúng thành thạch rất dễ dàng. Bà con ở vùng này có kinh nghiệm, cứ 3 lạng lá và thân khô của cây thạch đen với 1-2 bò bột gạo là có thể làm được 6-7 kg thạch ăn (càng ít bột thì thạch càng ngon).
Cách làm thật đơn giản: Rửa sạch lá và thân khô để loại bỏ hết đất cát, sau đó cho vào nồi nấu nhừ, ta để nguội rồi vắt bỏ bã và lọc chúng qua túi vải để thu lấy nước. Lúc này cho bột gạo vào và quấy đều trên bếp lửa. Tới lúc chúng quánh lại thì bắc ra, đổ vào chậu, để nguội là ta có thạch để ăn. Công nghệ này chả cần chữ nghĩa gì cũng làm được. Nếu SX theo kiểu công nghiệp thì càng dễ dàng. Ta cho vào máy ly tâm thì chỉ một vài phút là vắt sạch…
Người ta hay nghĩ tới những việc cao xa, làm ăn lớn là phải đầu tư hàng trăm tỷ. Vậy, sao không nghĩ tới việc SX thạch?! Có khi chỉ cần đầu tư 1 tỷ đồng làm… mệt nghỉ! Các DN nên hướng tới các hoạt động này. Ta vừa dễ thu lợi mà bà con nông dân lại có việc làm. Miền núi thì thiếu gì đất! Ai muốn xây nhà máy hãy lên đó. Tỉnh sẽ mở tiệc đón các anh…