Kể từ khi con tôm và con cá tra tham gia mạnh vào thị trường XK, hầu như năm nào cũng tái diễn tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu. Đã có rất nhiều giải pháp đưa ra, song cán cân cung-cầu vẫn chòng chành, chưa được giải quyết triệt để.
Đỉnh điểm là từ giữa đến cuối năm ngoái, tình trạng cá tra nguyên liệu dư thừa, tôm sú giảm giá diễn ra tới mức căng thẳng. Vậy mà bước sang đầu năm 2009, cả cá tra và tôm sú đều thiếu nguyên liệu, giá đang lên. Nhưng tình hình thị trường năm 2009 có tiếp tục đảo chiều như năm 2008 hay không thì vẫn là câu hỏi lớn.
Ngày 12/2, tại hội nghị Bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL do Bộ NN- PTNT tổ chức các địa phương đã bộc bạch hết những lo âu, trăn trở quanh vấn đề này. Hiện nay ngay những địa phương từng là nơi “mỏ tôm, túi cá” cũng nảy sinh không ít vấn đề. Ông Nguyễn Thông Nhận, PGĐ Sở NN- PTNT Cà Mau bày tỏ lo âu: “Năm 2009 báo động suy thoái kinh tế thế giới, XK tôm sẽ giảm 30% so với 2008. Cuộc họp mới đây các DNXK thủy sản Cà Mau cam kết duy trì kim ngạch 665 triệu USD. Song giá tôm đang tăng cao (có thể do thiếu nguyên liệu), giá thức ăn tôm sú 24.000đ/kg, thức ăn cho tôm chân trắng 19.000đkg, giá thuốc thú y thủy sản cũng không giảm. Tính ra giá thành nuôi tôm ngang bằng giá bán ra, nếu sơ suất một chút là lỗ ngay”.
Ở vùng nuôi cá tra nước ngọt người nuôi cũng chưa vội lạc quan. Dù nghe tin giá cá tra lên nhưng đa số dân vẫn treo ao. Tại Đồng Tháp, qua khảo sát thực tế của ngành chức năng địa phương thì có tới 60% diện tích ao nuôi không thả cá tiếp. Dân nói chừng nào thấy đầu ra chưa ổn định, chưa có lãi thì chưa dám nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám: “Trong khủng hoảng kinh tế thế giới sản phẩm cá tra, tôm Việt Nam có vẫn cơ hội cạnh tranh nếu chúng ta làm tốt việc hạ giá thành và thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường XK. Do đó, các cơ quan thuộc Bộ NN- PTNT cần rà soát lại các văn bản, chính sách hiện hành, xem xét bổ sung các giải pháp nhằm tổ chức nuôi theo qui hoạch, quản lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; thực hiện các giải pháp kỹ thuật giúp người nuôi hạ giá thành sản xuất, thống kê dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK…”
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang nói: “Gần đây có thông tin thiếu cá nguyên liệu, giá tăng lên 16.000đ/kg. Tôi cho rằng thông tin này giống như xúi người nuôi đâm đầu vào nuôi cá, rất nguy hiểm. Chúng ta không nên vội vã tái nuôi mà cần tổ chức lại chiến lược sản xuất và XK. Đó là nâng cao chất lượng, giá trị, chứ không thể xuất một ký cá 2 đôla mấy như hiện nay…”
Để thoát khỏi điệp khúc "thừa- thiếu", vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là làm sao giải quyết mối quan hệ giữa DN và người nuôi cá. Cục Kinh tế hợp tác- PTNT phân tích khá kỹ việc ký kết hợp đồng giữa DN và người nuôi cá đa số còn lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc, chưa thật sự đảm bảo mối liên kết cùng tồn tại và phát triển.
Trước năm 2002, ở ĐBSCL nuôi cá có hợp đồng chỉ chiếm chỉ có 2-3% sản lượng. Từ sau năm 2002 tỉ lệ này mới nâng lên 10-30%. Do vậy, ông Năng đề xuất, hiện tại người dân không nên tái nuôi cho đến chừng nào các DN chưa hưởng ứng thực hiện lời kêu gọi của Bộ NN- PTNT, của VASEP là DN cần phải ký kết hợp đồng tiêu thụ với người nuôi cá.