Hiện tại 121 quốc gia và vùng lãnh thổ đang cho phép sử dụng vacxin Astra Zeneca do trường đại học Oxford (Anh) hợp tác với hãng dược Astra Zeneca phát triển để phòng Covid-19, lý do là vì nó rất rẻ, chỉ có 3 USD/liều, trong khi giá của một số loại vacxin khác đều có giá rất cao, có loại tới 20 USD/liều.
Và nguyên nhân của giá rẻ đó là vì bà Sarah Gilbert, tác giả của loại vacxin đó, đã từ bỏ bản quyền, với mục đích giúp cho các quốc gia nghèo có điều kiện tiếp cận.
Tuy được gọi là vacxin “bình dân” vì giá rẻ, nhưng theo BBC, hiệu quả của Astra Zeneca là từ 94,5% đến 95%. Và theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Bahrain kết hợp với các chuyên gia tại đại học Columbia (New York, Mỹ) thì trong số những người đã tiêm loại vacxin này, tỉ lệ phải nhập viện do tái nhiễm chỉ có 1,52%, tỉ lệ tử vong là 0,03%, thấp nhất trong các loại vacxin đang được cấp phép dùng trên thế giới.
Hiện tại, chúng ta đã nhập và nhận viện trợ 6 loại vacxin với hàng chục triệu liều, trong đó vacxin Astra Zeneca chiếm số lượng nhiều nhất. Tuy vậy, lượng vacxin đó vẫn chưa đủ để chúng ta có thể tạo ra sự miễn dịch cộng đồng (theo Bộ Y tế, thì để có thể tạo ra sự miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần 150 triệu liều vacxin để tiêm cho ít nhất 70% dân số).
Việc sản xuất vacxin ở trong nước tuy đang được tiến hành rất khẩn trương, nhưng 2 loại là Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen và Covivac của Viện Vacxin và sinh phẩm Nha Trang vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Việc đàm phán để nhập khẩu vacxin của các đối tác nước ngoài vẫn đang hết sức khẩn trương.
Ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin phòng Covid-19. Theo đó, một doanh nghiệp trong nước đã đàm phán với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin phòng Covid-19 bằng công nghệ mRNA. Một nhà máy đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất này có công suất từ 100-200 triệu liều/năm, dự tính sẽ đi vào sản xuất từ quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Một vấn đề đặt ra là tác giả của vacxin Astra Zeneca đã từ bỏ bản quyền với mục đích giúp các nước nghèo có điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất vacxin đó, điều đó có nghĩa là bất cứ quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới cũng có thể tiếp cận công nghệ sản xuất mà không phải trả phí. Điều đó sẽ dẫn đến việc giá thành sản xuất vacxin Astra Zeneca thấp hơn rất nhiều so với việc tiếp cận công nghệ sản xuất các loại vacxin khác phải trả phí.
Vậy tại sao đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận với công nghệ này để sản xuất loại vacxin bình dân nhưng có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại vacxin khác đó?