Năm 2011, cùng với thành tích ấn tượng của toàn ngành thủy sản là sự đóng góp không nhỏ của mặt hàng tôm. Vẫn là sản phẩm thủy sản được thế giới ưa chuộng, xuất khẩu tôm tiếp tục đem về giá trị lớn và là mặt hàng chủ lực, chiến lược trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đối mặt những “khắc tinh”
Vượt qua bao thăng trầm của một năm đầy khó khăn và biến động, tôm vẫn giữ được thế “thượng phong” và tiếp tục chào đón những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2012.
Trở ngại lớn đối với xuất khẩu tôm là vấn đề chất lượng. Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản trong năm qua vẫn tiếp tục bị cảnh báo về chloramphenicol và trifluralin, đồng thời “cuộc chiến” với tôm chứa tạp chất vẫn còn đầy cam go, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều khi cũng “bó tay” với chất lượng đầu ra của mình.
Nhật Bản - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam có số lô hàng thủy sản bị cảnh báo thấp nhất trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo ngại thị trường Nhật Bản vì cơ quan quản lý của nước này đang siết chặt kiểm soát hàng thủy sản từ Việt Nam.
Thời gian qua, các lô tôm Việt Nam vẫn liên tục bị phát hiện có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đa số các lô này khi bị kiểm tra đều có chứa các chất kháng sinh như chloramphenicol, trifluralin, enrofloxacin… Điều này đã và đang gây ra những khó khăn rất lớn cho DN trong việc XK tôm vào thị trường Nhật và các thị trường khác trên thế giới trong 5 tháng đầu năm 2011.
Một trong những “khắc tinh” khác của xuất khẩu tôm là tình trạng dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại trầm trọng. Nhiều tỉnh “chữa cháy” bằng cách tăng cường nuôi tôm thẻ để cung ứng cho các nhà máy. Tại Cà Mau, trước đây tôm thẻ chỉ chiếm khoảng 7-10% sản lượng chế biến xuất khẩu, nay tăng lên trên 30%. Thuận lợi là nhu cầu các nước trên thế giới đang chuyển sang ăn tôm loại nhỏ khá mạnh nên tôm thẻ cũng dễ tiêu thụ. Tuy nhiên cũng mở ra một vấn đề gây tranh cãi.
Trong thế khó của việc thiếu tôm nguyên liệu, thì tôm thẻ đang được một số nơi nuôi rất trúng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và bổ sung nguồn nguyên liệu cần thiết.
Tiếp tục tỏa sáng
Tôm đang đem về giá trị xuất khẩu số 1 trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Mặc dù đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, tổn thất do dịch bệnh gây ra, các rào cản thương mại khi các thị trường nhập khẩu tăng cường kiểm soát chất lượng hay các vấn đề gây tranh cãi về đối tượng nuôi và những mối nguy hại… xuất khẩu tôm vẫn đạt những thành quả ngoạn mục: Tính đến cuối năm 2011, giá trị xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo FAO, từ nay đến năm 2015, tiêu thụ thủy sản tính theo đầu người trên toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản sẽ tăng khoảng 2,1%/năm. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu thủy sản thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục tăng so với năm nay, đó là một điều kiện thuận lợi để các DN thủy sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh XK trong năm tới, nhất là với các thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra...
Theo các nhà chuyên môn, năm 2012 dự báo sẽ nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm từ nuôi trồng sẽ chiếm trên 50% lượng thủy sản tiêu thụ của thế giới (báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc- FAO). Mặt khác, lũ lụt tại Thái Lan đang là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng đầu năm nay.
Hiện nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang cố gẳng “đẩy” hàng sang Mỹ càng sớm càng tốt nhưng phía Mỹ lại vừa tăng gấp 5 lần việc kiểm tra chất lượng tôm Thái Lan vì lo ngại lũ lụt làm gia tăng sự mất an toàn thực phẩm, mầm mống dịch bệnh. Một số nước xuất khẩu tôm lớn khác cũng đang gặp khó khăn như Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giá lạnh làm ảnh hưởng sản lượng tôm. Indonesia đang phải đối mặt với dịch bệnh. Trong khi đó, ở những thị trường lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản, nguồn cung tôm nội địa cũng được dự báo là sẽ thấp.
Đây hoàn toàn là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu bên cạnh việc tăng cường liên kết sản xuất để chủ động nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.