| Hotline: 0983.970.780

Sáng ngời như Phạm Công Đức

Thứ Tư 02/05/2018 , 09:15 (GMT+7)

Phạm Công Đức, một cậu bé 9 tuổi, người ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đã trở thành biểu tượng cao đẹp của thanh thiếu niên Việt Nam trong những năm chiến tranh chống quân Mỹ cứu nước. 

Anh là nhân vật độc đáo đã đi vào trong bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân” của tác giả Joris Ivens, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới.
 

"Đến em thơ cũng hóa những anh hùng"

“Cháu không sợ Mỹ, nhưng cháu sợ bom Mỹ. Chúng nó có bắt được cháu thì cháu một chết hai sống chứ cũng không khai. Nếu cháu khai ra thì chúng bắt các chú, thế còn nguy hiểm hơn vì các chú đang làm việc cho ta, vì vậy cháu không khai”.

Nụ cười hồn nhiên nhưng rất kiên cường của cậu bé Phạm Công Đức

Câu nói thể hiện khí phách anh hùng đó của cậu bé 9 tuổi trong bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân dân” cứ ám ảnh khôn nguôi vợ chồng ông Joris Ivens, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới, một người bạn của Bác Hồ.

Trước khi ông Joris Ivens qua đời đã nhắn nhủ với vợ mình, hãy trở lại Việt nam, về vĩ tuyến 17 để tìm gặp cậu bé nổi tiếng ngày xưa ấy. Vậy cậu bé 9 tuổi, một nhân vật ấn tượng trong bộ phim ấy giờ đang ở đâu? Tôi trở lại vùng đất đôi bờ sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 vào một cuối ngày tháng Tư lịch sử, gặp được cậu bé ấy mà bây giờ đã là một ông bố của gia đình có 3 người con trai và 1 người con gái. Anh có tên đầy đủ là Phạm Công Đức, năm nay 60 tuổi còn vợ anh là chị Lê Thị Tịnh, 58 tuổi. Gia đình anh hiện ở tại số 1 Lê Duẩn, thị trấn huyện Gio Linh.

Câu chuyện về cậu bé 9 tuổi cách đây hơn 50 năm của anh như mới diễn ra ngày hôm qua khi chúng tôi trò chuyện cùng nhau. Anh Đức thật lòng cũng không hiểu vì sao mà khi ấy mình ăn nói hùng hồn, khí phách đến vậy. Có lẽ nỗi đau chồng chất đã khiến cậu bé 9 tuổi có suy nghĩ rất chính chắn.

Làng An Nha, xã Gio An, quê hương anh là cơ sở cách mạng ở bờ Nam về phía thượng nguồn sông Bến Hải, bị bom đạn đối phương bán phá, cày nát tan hoang trên 200%. Cha đi tập kết, mẹ chết sớm vì đòn roi tra tấn của chính quyền miền Nam, năm 1964, cơ sở bố trí cho anh Đức ra miền Bắc để có điều kiện học hành và được gặp cha của mình. Nhưng lúc ấy anh Đức quyết định ở lại vừa tiếp tục tham gia du kích, vận chuyển thư từ, vũ khí cho cán bộ, vừa để cùng ông bà nội làm cơ sở cách mạng. Khi đất nước có chiến tranh mỗi người dân là một chiến sĩ, kể cả người già và trẻ con, ai cũng tham gia kháng chiến.

Trong thời gian này anh Đức nhận nhiệm vụ liên lạc giữa cán bộ du kích Gio An với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực ở miền Bắc vào tham gia chống càn, đánh đồn Cồn Tiên, Dốc Miếu, dẫn đường cho các chú bộ đội trinh sát hoặc tự mình trinh sát thăm dò tình hình địch... Với những chiến công lập được, năm 1966 anh Đức vinh dự được bầu là chiến sĩ thi đua tỉnh Quảng Trị và được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và huy hiệu Bác Hồ.

Đến đầu năm 1967, khi ông bà nội anh liên tiếp qua đời cũng là lúc chiến tranh càng quyết liệt hơn nên tổ chức quyết định đưa anh Đức ra Bắc, mà điểm dừng chân đầu tiên là xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, phía Bắc sông Bến Hải. Hai hôm sau anh được đưa đến Ty Nông nghiệp khu vực Vĩnh Linh để gặp cha đang công tác ở đó. Anh Đức bùi ngùi nhớ lại sau chục năm trời mới gặp được nhau, hai cha con quyến luyến không rời. Có lẽ đó là những ngày mà anh Đức cảm thấy hạnh phúc nhất của đời mình.

Thời gian này, vợ chồng ông Joris Ivens, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới người Pháp đến Việt Nam để thực hiện các bộ phim tài liệu. Được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chủ tịch, vợ chồng ông Joris Ivens và bà Marceline Loridan cùng trợ lý đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng đến Vĩnh Linh để làm bộ phim “Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân dân”. Đoàn đã ở lại mảnh đất này suốt 2 tháng để thực hiện bộ phim. Nội dung bộ phim vừa phản ánh những đau thương mất mát của chiến tranh vừa phải nói lên được đức tính kiên cường và niềm tự hào của những người con ở mảnh đất này, mà nhân vật nổi bật là cậu bé 9 tuổi, Phạm Công Đức.

08-57-25_duc_2
Thầy giáo Phạm Công Đức
Cuối năm 1967, anh Đức được đưa ra Ninh Bình tiếp tục học tập. Hình ảnh người học sinh ở Vĩ tuyến 17 đại diện cho hàng ngàn học sinh miền Nam hàng tuần được tổ chức đưa đến nói chuyện về chiến tranh và hòa bình với các bạn học sinh miền Bắc càng làm cho tên tuổi của anh được cả thế hệ học sinh miền Bắc thời đó biết đến với bao ngưỡng mộ. Những năm ở miền Bắc, anh luôn nhận thư và quà của cha gửi ra từ Vỹ tuyến 17. Nhưng rồi sau này anh mới biết khi anh vừa ra Bắc được một tháng thì cha hi sinh trong một chuyến đi công tác. Các đồng đội đã thay cha gửi thư và quà để động viên anh học tập. Những năm tháng đó anh có thêm nhiều bố mới như bố Toại, bố Vân, bố Tính... là những cán bộ người miền Nam, đồng chí trong cơ quan của cha anh đã cùng nhau chăm sóc, bảo ban anh như bố đẻ, nhờ đó anh vượt qua được đau thương, bớt đi sự cô đơn giúp anh học hành tiến bộ.

Cái tên Phạm Công Đức ngày đó đã trở thành niềm tự hào của bao lớp trẻ nên anh Đức được nhà làm phim chọn làm nhân vật chính trong bộ phim cũng không ngoài sự ngưỡng mộ các đạo diễn dành cho anh.

Anh Đức nói rằng không ai nhắc nhở, tư vấn cho anh một điều gì trước khi trả lời phỏng vấn.

Các chú, các bác để tự nhiên cho anh nói chuyện với các đạo diễn. Giờ nghe lại những câu nói đanh thép của mình ngày đó, anh Đức thật tự hào.
 

Dạy người, dạy chữ

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp khoa Vật Lý trường đại học sư phạm Huế, anh được bố trí về dạy học ở trường Quốc học Huế, một ngôi trường danh giá, nơi mà nhiều người mơ ước được học hành, công tác.

Nhưng không, anh xin được trở về quê hương Quảng Trị, trường THPT Cồn Tiên để dạy học.

Ngày đó cả thầy và trò đều rất khổ, buổi đi học buổi còn lại theo học sinh lên rừng lao động chặt củi, dọn bom mìn.

Trong một lần cùng các học sinh đi rừng lấy củi, khi giúp các em gánh một gánh củi nặng thì không may mất thế, thầy bị chấn thương cột sống nặng cho đến bây giờ.

Hai năm sau, thầy Phạm Công Đức được bố trí về nhận công tác ở Trường THPT Gio Linh để tiếp tục dạy học.

Ở đó thầy gặp và nên duyên với cô giáo Lê Thị Tịnh, giáo viên dạy văn ở một trường cấp 2. Thời bao cấp khốn khó, đồng lương của vợ chồng đều là nhà giáo không đủ nuôi con.

Vất vả là vậy nhưng thầy vẫn bền bỉ truyền lửa trong những tiết dạy học. Tiết học của thầy không chỉ có kiến thức, lồng ghép trong đó cả những bài học về đạo đức, về tình yêu quê hương và cả về cách ứng xử thường ngày trong cuộc sống.

Mỗi lời phê trong bài làm học sinh được thầy chắt chiu, gạn lọc để làm sao cho học sinh mình dễ hiểu, dễ tiếp thu bài nhất và luôn mang thông điệp như một bài học làm người .

Trong con mắt của bao thế hệ học sinh ở ngôi trường này, thầy Phạm Công Đức không chỉ là người thầy dạy chữ trong sách giáo khoa, mà còn là một thầy giáo luôn dạy đạo làm người. Suốt 38 năm dạy học thầy chưa bao giờ kể về những ngày tháng tuổi thơ “dữ dội” của mình, mà chỉ khiêm tốn, âm thầm làm công việc dạy làm người cho học trò càng tin yêu hơn cuộc sống.

08-57-25_duc_3
Vợ chồng thầy Phạm Công Đức bên ngôi nhà của mình tại thị trấn Gio Linh
Joris Ivens là nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới. Bộ phim "Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân dân" được trao Giải thưởng quốc tế Hòa bình Lê Nin năm 1968. Sau khi ông qua đời vào năm 1989, châu Âu đã vinh danh ông bằng cách thành lập Viện Joris Ivens tại châu Âu và tại Hà Lan. Ông là một trong những nhà làm phim hiếm hoi được vào Việt Nam ở thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chủ tịch, ông và vợ của mình đã đến Việt Nam và cùng Xưởng phim Thời sự và Tài liệu thực hiện các bộ phim về cuộc chiến tranh Việt Nam. Điều đặc biệt, ông và bà đã sang Việt Nam làm phim hoàn toàn bằng tiền riêng của mình. Tháng 10/2017, Viện Lưu trữ Joris Ivens (Hà Lan) và Uỷ ban Y tế Việt Nam - Hà Lan trao tặng bộ phim tài liệu này cho Việt Nam.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm