| Hotline: 0983.970.780

Sao Ta cùng làn sóng mới đầu tư vào nông nghiệp

Thứ Ba 05/01/2021 , 09:46 (GMT+7)

Sao Ta (Fimex-VN) trở thành điểm sáng đầu tư phát triển chuỗi ngành hàng tôm thành công. Khí thế đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở ĐBSCL sẽ còn bùng nổ trong năm mới.

Đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.

Đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HĐ.

Sóc Trăng nổi lên dãy hình tròn sống động

Bên bờ biển Đông xanh thẳm, nắng ấm, gió lộng. Nhìn từ trên cao trại nuôi tôm Tân Nam của công ty Sao Ta trải rộng cả một hệ thống dãy ao nuôi tôm liên hoàn, trùng điệp trông đẹp như tranh. Khí thế mới một vùng nuôi tôm công nghiệp đã định hình nhờ đầu tư bài bản theo qui trình nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế ASE, BAP… Nơi đây được xem là một trong những dự án đầu tư qui mô lớn điển hình của tỉnh Sóc Trăng vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao.

Sau 9 năm trại tôm Tân Nam định hình 270ha hoàn chỉnh hệ thống 400 ao nuôi được cấp mã số, định vị vùng nuôi đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Mỗi vụ nuôi đạt năng suất cao ổn định, sản lượng 2 vụ/năm đạt khoảng 3.000 tấn, góp phần đáng kể vào nguồn cung tôm nguyên liệu (đạt 30% trong tổng công suất chế biến) về các nhà máy chế biến của Sao Ta.

Trên nền tảng vững vàng trong công nghệ chế biến, tạo dựng thương hiệu tôm giá trị cao thương hiệu Fimex-VN, Sao Ta đang thực hiện kế hoạch đầu tư mới, chuyên sâu theo chuỗi giá trị nuôi tôm - tôm sạch “từ vùng nuôi đến bàn ăn”. Cập nhật ứng dụng kỹ thuật mới, TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho hay: Nuôi tôm trong ao nổi là mô hình công nghệ cao mới nhất do Cty CP Chăn nuôi CP (CP) đưa ra. Sắp tới Sao Ta đang tìm thêm đất mới để áp dụng nuôi tôm theo mô hình này. Đây là mô hình nuôi nhiều giai đoạn với diện tích nuôi chỉ chiếm 10% tổng diện tích đất và có thể nuôi được 4 - 5 vụ/năm cho năng suất cao.

Theo TS Lực, CP coi trọng thêm yếu tố kỹ thuật, nghĩa là họ mang tới cho người nuôi tôm giải pháp kỹ thuật cụ thể để tăng tỉ lệ thành công cho ao nuôi thông qua quy trình nuôi của chính họ tạo nên là CPF Combine Model. Mô hình nuôi này hình thành năm 2016, tập trung chú trọng yếu tố sạch như sạch giống, sạch nước, sạch dụng cụ, sạch người trong đó coi trọng sạch nước không kém sạch giống. Năm 2018 mô hình nuôi này có thêm phiên bản 2: Chú trọng nuôi ao tròn, nổi nhằm tăng tính tự chủ kiểm soát, nâng cao tỉ lệ thành công trên 90%. Đến nay CP thật sự đã thành công, đã tổ chức được 12.000 ao nuôi theo mô hình này.

Bên cạnh đó, hạt nhân các khu vực ao nuôi là các nhà đại lý cung ứng giống, thức ăn CP. Mô hình mới nuôi tôm công nghệ cao còn cho thấy đang chuyển giao mở rộng cho số đông hộ nuôi tôm nhỏ có điều kiện đầu tư hoặc biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn. Bằng cách người nuôi tôm được hướng dẫn thế chấp giấy chủ quyền đất ở ngân hàng liên kết là HDBank để có mức thế chấp cao hơn. Kỹ thuật viên CP được cử hỗ trợ ở các đại lý giúp người nuôi giải pháp làm ao phù hợp quy trình nuôi mới. Thiếu vật tư đầu vào, các đại lý sẽ cung ứng trước.

Nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi của Vina Clearnfood (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ.

Nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi của Vina Clearnfood (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ.

Hiện nay tỷ lệ thành công của mô hình thu hút ngân hàng thương mại đồng hành, HDBank đã cho vay 300 tỷ với người nuôi theo mô hình ở hai tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre, hứa hẹn sẽ lan tỏa cả vùng nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL. Riêng các đại lý chấp nhận là điểm mô hình mẫu sẽ được CP tài trợ 500 triệu đồng và từ các điểm đại lý mẫu, các năm qua CP đã tổ chức được 15.000 lượt hội thảo đầu bờ. TS Lực nói: Con số này thực đáng kinh ngạc.

Bùng nổ làn sóng đầu tư mới

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sụt giảm. Tuy nhiên xuất khẩu tôm vẫn khởi sắc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), diễn biến xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm ước giảm 4% đạt gần 6 tỷ USD. Song, xuất khẩu tôm đã giữ được đà tăng trưởng liên tục từ tháng 2 đến tháng 9/2020, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 2,7 tỷ USD. Qua những tháng cuối năm lượng tôm nguyên liệu giảm dần nên giá mua tăng mạnh để kịp thời giao hàng thị trường Noel cuối năm và đón tết DL 2021.

Vượt qua một năm đầy khó khăn, TS Hồ Quốc Lực cho rằng: Nhờ sự quyết đoán trong chương trình phòng chống dịch Civid-19 của Chính phủ đúng đắn và hiệu quả, tạo tâm lý cho các doanh nghiệp an tâm chăm lo sản xuất. Hơn nữa, qua theo dõi diễn biến tình hình các thị trường kịp thời nên Sao Ta không bị ùn ứ sản phẩm tồn kho. Năm nay sản lượng nuôi, sản lượng chế biến, kim ngạch xuất khẩu của Sao Ta đều tăng trưởng trên 20% so năm 2019. Sao Ta tiếp tục thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 trên nền tảng “thấy cơ trong nguy”: Thành lập một doanh nghiệp mới - Công ty CP Thực phẩm Khang An (Khang An Foods), chuyên lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, gieo trồng, chế biến nông sản nhằm thu hút thêm hệ thống khách hàng và phát triển nông sản, đồng thời xây dựng thêm hai nhà máy mới.

Trại nuôi tôm Tân Nam với 270 ha ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: HĐ.

Trại nuôi tôm Tân Nam với 270 ha ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: HĐ.

Trải qua 9 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành vùng nuôi tôm chuẩn mực, hiệu quả, TS Lực chia sẻ: Nuôi tôm như nuôi con mọn, phải cưng chiều mọi mặt. Phải đầu tư cho tới và đúng, kịp thời. Ngoài ra còn yếu tố nhạy bén rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình nuôi phù hợp diễn biến thực tế: Khí hậu, thời tiết, dịch bệnh… Bước vào năm 2021, Sao Ta vẫn xem nuôi tôm là một mảng kinh doanh chính song hành và hỗ trợ hoạt động chế biến, tiêu thụ. Hiện nay Sao Ta tìm “đất sạch” 30 - 50 ha trở lên, mở rộng đầu tư vùng nuôi tôm mới.

Hòa cùng làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tích cực, thị trường thủy sản sẽ hồi phục, hiện thời 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đầu tư vào nuôi tôm qui mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đây là cách kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả, giá trị tôm nuôi.

Tính trong 3 năm qua, mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ở Sóc Trăng chiếm khoảng 30% tổng diện tích. Nhờ tăng năng suất, sản lượng tôm thu hoạch nâng lên gấp 2 - 3 lần. Trong khi đó chỉ sau 2 năm, Công ty CP Thủy sản sạch VN (Vina Clearnfood - Sóc Trăng) đầu tư trên 350 tỷ đồng đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp trên 140 ha, với hàng trăm ao nuôi hình tròn nổi (trên mặt đất). Suất đầu tư mỗi ao hàng trăm triệu đồng, được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ và lót bạt đáy. Một năm có thể thả nuôi 3 vụ, năng suất đạt từ 8 - 12 tấn/ha.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, năm 2021 triển vọng lạc quan nền kinh tế thời giới phục hồi. Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm sẽ là cuộc “cách mạng xanh" lần thứ 2. Tuy vậy muốn tháo gỡ trở ngại, cần có chính sách điều chỉnh mức hạn điền để có diện tích “đất sạch” cho nhà đầu tư, hình thành trang trại nuôi tôm công nghiệp, truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Việt Nam có thế mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Thế mạnh nổi trội hơn nữa là trình độ chế biến sâu, chế biến cao, giá tiêu thụ tốt hơn. Ngành tôm có tiềm năng phát triển lâu dài. Từ đó nhiều cường quốc nuôi tôm đã chú tâm thúc đẩy phát triển, khởi đầu từ tăng trưởng nuôi tôm. Muốn có lợi nhuận từ ngành tôm, buộc các cường quốc tôm phải tập trung tìm ra quy trình nuôi tôm an toàn hơn, bền vững hơn, có giá thành thấp hơn. Đồng thời nâng cao trình độ chế biến ở các DN.

Tỷ lệ thu hồi tôm nuôi ở nước ta còn thấp khiến giá thành tôm nuôi còn cao hơn so các nước. Trong khi chờ đợi chuyển biến khu vực nuôi tôm, khu vực DN chế biến nên tăng tốc, nâng cao lợi thế, ưu điểm của mình, ít nhiều bù đắp cho giá cả tiêu thụ tôm Việt luôn có xu hướng cao hơn sản phẩm tương đồng các nước khác.

 (TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta)

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.