| Hotline: 0983.970.780

Sắp làm bác sĩ nhưng không biết ruột thừa ở đâu

Thứ Năm 02/10/2014 , 15:20 (GMT+7)

GS-TS Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm Khoa Y ĐHQG TP.HCM: “Việc đào tạo tràn lan như hiện nay là không ổn!”.

Chưa bao giờ người học có thể dễ dàng trở thành dược sĩ, y sĩ… như thời điểm này. Thí sinh thi đại học có điểm thi thấp hơn điểm sàn, thậm chí… không cần thi cũng được gọi trúng tuyển vào các ngành khoa học liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Tha hồ “hốt” thí sinh

Mới đây, hàng chục học viên tốt nghiệp lớp TCCN Dược của ĐH Nguyễn Tất Thành dù không tham gia kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi liên thông nhưng vẫn được nhà trường cấp giấy báo trúng tuyển vào học liên thông lên ĐH ngành này. Trong đó, hơn mười người đã làm thủ tục nhập học. Dù nhà trường lý giải là do sơ suất của nhân viên tuyển sinh, nhưng sự việc trên cho thấy sự dễ dãi trong tuyển sinh ngành y dược, đặc biệt ở các trường ngoài công lập.


Trường Đại học Y Dược TP.HCM là trường có điểm đầu vào rất gắt gao

Gần đây, các trường ĐH, CĐ, TC ngoài công lập đua nhau tuyển sinh các ngành khoa học sức khỏe từ điều dưỡng, y sĩ đến dược sĩ với mức điểm bằng điểm sàn do Bộ GD - ĐT đưa ra, thậm chí thấp hơn; mặc cho các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo hệ quả của sự dễ dãi nói trên sẽ khiến nguồn nhân lực ngành y ngày càng xuống cấp. 

Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học ở khối B với điểm chuẩn bằng điểm sàn, riêng ngành dược khối A cũng lấy bằng điểm sàn là 13 điểm, khối B khá hơn với 16 điểm. Trường ĐH Võ Trường Toản ở tỉnh Hậu Giang đang thông báo tuyển sinh ngành dược khối A, B với mức điểm bằng điểm sàn. Ngành y đa khoa của Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển sinh khối B với điểm tuyển cũng chỉ bằng sàn… 

Thống kê cho thấy, tại TP.HCM có 27 cơ sở đào tạo nhóm ngành y dược, trong đó có tới 22 trường ngoài công lập. Có khoảng 70% sinh viên đến từ các tỉnh đang theo học nhóm ngành y dược. Trước số lượng ra trường ồ ạt với đủ thượng vàng hạ cám của nguồn nhân lực mới, sự cạnh tranh tìm chỗ làm trong ngành y tế trở nên căng thẳng.

Một chuyên viên tuyển sinh lý giải: “Cách đây vài năm, hễ trường nào có nhóm ngành y dược là trường đó dễ dàng tuyển sinh, kể cả bậc TC khó tuyển sinh thì chỉ cần có ngành điều dưỡng, cũng tha hồ “hốt” thí sinh. Vì vậy, đã xuất hiện “trào lưu” các trường đua nhau xin mở ngành y dược để đào tạo”.

Tại tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Lạc Hồng cũng tuyển sinh ngành dược ở khối A, B với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn. Năm 2014, nhanh chóng nắm bắt lợi thế tuyển sinh của ngành dược, một trường ĐH mới thành lập là Trường ĐH Công nghệ miền Đông, “hàng xóm” với Trường ĐH Lạc Hồng, cũng cấp tập tuyển sinh ngành này với mức xét tuyển gây “choáng”: chỉ từ 9,5 - 13 điểm, tùy theo khu vực và đối tượng ưu tiên.

Tương tự, Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ra thông báo xét tuyển bổ sung hai ngành dược, điều dưỡng với mức điểm nhận hồ sơ từ 11,5-13 điểm tùy khu vực. Ở bậc CĐ, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật miền Nam, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Bách Việt… cũng tuyển sinh ngành điều dưỡng, dược sĩ với mức điểm trúng tuyển chỉ bằng sàn, nếu có điểm ưu tiên khu vực, chỉ cần trung bình 3-4 điểm/môn đã đủ điều kiện vào học. Trong khi, điều kiện tối thiểu để một thí sinh đậu vào ngành dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2014 là phải từ 25 điểm trở lên.

Hỏi đến đâu ngơ ngác đến đó!

Các bác sĩ của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM vẫn than thở về tình trạng sinh viên ngành y khi thực tập không biết đặt nội khí quản cho người bệnh, có cả trường hợp không biết ruột thừa ở đâu, đo huyết áp năm bảy lần mới được, lấy ven cho bệnh nhân trật lên trật xuống...

Dược sĩ N.P.H.H. (chủ một công ty dược, có hai nhà thuốc tại Q.4 và Q. Bình Thạnh) cho biết, rất nhiều học viên TC ngành dược tới gặp bà xin việc làm thêm, nhưng khi được hỏi vài điều cơ bản về dược lý, vài tên gốc thuốc thông dụng thì họ ngơ ngác.


Một tiết thực hành của sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Trần Huy

Chị L.H.P. (ngụ đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú) kể, khi chị đi mua thuốc bổ dành cho bà bầu, được nhân viên bán thuốc trẻ của một tiệm thuốc tây ở chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) tư vấn cần phải uống viên đa sinh tố Obimin Plus. Chị P. cẩn thận hỏi thuốc uống trước hay sau ăn, sáng hay chiều, cô bán thuốc cho biết thuốc bổ nên uống lúc nào cũng được. Báo hại chị một lần ngất xỉu tại nơi làm việc vì những cơn đau bụng khủng khiếp như… đau đẻ. Sau trận đau bụng đó, chị P. tìm hiểu và phát hiện: loại thuốc này không được uống khi đang đói vì có thể gây xuất huyết dạ dày. 

GS-TS Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm Khoa Y ĐHQG TP.HCM kết luận ngắn gọn: “Việc đào tạo tràn lan như hiện nay là không ổn!”.

Trước tình trạng “thả nổi” đào tạo nhóm ngành y dược, một vị PGS-TS, từng là trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo: y dược là nhóm ngành đặc thù, do đó không thể đào tạo đại trà như các ngành nghề khác, nếu không sẽ để lại hậu quả nặng nề trong tương lai. Cần có quy trình đào tạo nghiêm ngặt, cơ sở vật chất đúng tầm và giảng viên có chuyên môn. Với đầu vào thấp như nhiều trường ngoài công lập đang tuyển sinh, rất khó để cho ra nhân lực lành nghề và đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, có rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ở các địa phương gửi về đào tạo, học hơn 10 năm vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp.

Tương tự, PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: chỉ cần nhìn “đầu vào” và cách thức tuyển sinh của một số trường thời gian qua có thể nhận thấy “đầu ra” ra sao. Y dược là một ngành đặc thù, nên khi tuyển sinh đại học thường ở các trường chính quy người ta lấy điểm đầu vào rất cao, phải là những người có học lực giỏi mới có khả năng trúng tuyển. Trong khi đó, một số trường thông báo tuyển sinh hệ TC, CĐ chỉ cần xét tuyển theo hồ sơ tốt nghiệp cấp III hoặc điểm sàn và gần như cứ nộp hồ sơ là đậu. Ngành y dược đã có thêm quy định về thâm niên khi liên thông, là ngoài việc thi tuyển thì điều kiện mà thí sinh muốn học liên thông cần phải có thâm niên làm việc. Tuy nhiên, hiện nay nhóm ngành y dược ở các trường ngoài công lập gần như không cần điều kiện này.

Không phải bây giờ các cơ quan quản lý mới nhìn thấy vấn đề này. Kết thúc mùa tuyển sinh 2013, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD - ĐT về thực tế có rất nhiều trường ngoài công lập, kể cả trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực ngành y tế. Bộ Y tế kiến nghị Bộ GD - ĐT giao chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành y dược cho các trường ngoài công lập cần căn cứ vào năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Bộ Y tế cũng khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với ngành điều dưỡng, dược sĩ và kiến nghị Bộ GD - ĐT hạn chế giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ngoài công lập. Thế nhưng, bức tranh tuyển sinh nhóm ngành y dược ở mùa tuyển sinh 2014 vẫn không mấy sáng sủa.

(phunuonline.com.vn)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm