| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

Chủ Nhật 16/04/2023 , 15:50 (GMT+7)

Nhằm giúp người nuôi cá bè trên hồ Trị An ổn định vùng nuôi, bảo vệ môi trường, tạo hiệu quả tối ưu, tỉnh Đồng Nai đang tập hợp nguồn lực hỗ trợ người dân...  

Tuyên truyền, vận động đến vùng quy hoạch

Theo nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An, tuy nuôi cá theo hình thức này hiệu quả kinh tế cao, nhưng mỗi năm khi mùa mưa lũ đến, mọi người luôn phải sống trong lo sợ cá chết hàng loạt.

Thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị bước vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm). Người nuôi cá trên sông La Ngà (nguồn nước đổ vào hồ Trị An, thuộc huyện Định Quán) lại ám ảnh bởi sự việc tháng 5/2021, khoảng 300 tấn cá bè bị chết khi những cơn mưa đầu mùa ập đến. Cùng kỳ tháng 5/2018, khu vực trên cũng xuất hiện mưa to khiến hơn 1.900 tấn cá của 132 hộ dân bị chết. Cá chết quá nhanh, người nuôi không kịp trở tay, nhiều gia đình ôm nợ vì phải gánh chi phí thức ăn, con giống mà không có nguồn chi trả.

Nhiều hộ nuôi cá lồng bè bước vào đợt thu hoạch cá Diêu hồng sớm để kịp di dời đến vùng neo đậu mới, trước khi hồ Trị An xả nước đón lũ. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều hộ nuôi cá lồng bè bước vào đợt thu hoạch cá Diêu hồng sớm để kịp di dời đến vùng neo đậu mới, trước khi hồ Trị An xả nước đón lũ. Ảnh: Lê Bình.

Thực tế, tình trạng cá nuôi trên các lồng, bè bị chết vào đầu mùa mưa đã xảy ra nhiều lần trong nhiều năm nay. Nguyên nhân chung là do: Mật độ nuôi quá dày, nước sông/hồ tồn đọng nhiều chất thải các loại nên khi thay đổi thời tiết, cá không đủ không gian và oxy để thở dẫn đến chết hàng loạt.

Sau sự cố cá chết năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An. Mục đích của đề án nhằm sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An cho phù hợp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm cục bộ, vừa đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tránh trường hợp xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian qua. Để tránh thiệt hại lặp lại, UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương đang tiến hành quy hoạch lại Làng Bè, di dời 168 hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đoạn qua huyện Định Quán đến khu vực quy hoạch.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Phòng NN-PTNT huyện Định Quán cho biết, hiện tại, khu vực này có hơn 210 hộ đang nuôi cá bè, trong đó có 168 hộ nuôi với hàng trăm lồng bè và gần 9 triệu con cá tại những vị trí không phù hợp. Chính quyền huyện Định Quán đã thông báo chủ trương di dời đến tất cả các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ di dời đến địa điểm nuôi theo quy hoạch. Nhiều hộ dân đồng tình với chủ trương trên và đã bắt đầu thực hiện di dời.

Với những hộ không tự nguyện di dời, cơ quan chức năng buộc phải có hình thức cưỡng chế. Hiện mực nước hồ Trị An đang xuống thấp, thời tiết giao mùa có nhiều thay đổi, các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà nếu không sớm di dời sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, khả năng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân và gây ô nhiễm môi trường.

“Danh chính ngôn thuận” sử dụng mặt nước

Đây là cái lợi lớn nhất mà người nuôi cá trên hồ Trị An có được khi di chuyển lồng bè nuôi đến nơi quy hoạch.

Cụ thể, năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An. Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đánh giá chất lượng môi trường và hiện trạng nghề nuôi cá lồng bè thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày ký quyết định phê duyệt đề cương. Giai đoạn 2 từ năm 2023-2025 sẽ thực hiện các nội dung: cắm mốc vùng nuôi, cấp mã số bè và cấp phép hoạt động. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thủy sản chấp hành sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè.

Thống kê, tổng số hộ nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An trên địa bàn huyện hiện là 367 hộ, 1.892 lồng nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Thống kê, tổng số hộ nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An trên địa bàn huyện hiện là 367 hộ, 1.892 lồng nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Dự án nhằm mục đích định hướng quy hoạch phát triển nghề nuôi thủy sản, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất. Qua đó, tận dụng được tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ Trị An nhằm tạo kinh kế và tăng thu nhập cho người dân. Việc quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An còn là giải pháp thiết thực, lâu dài để giải quyết tình trạng cá chết hàng loạt suốt thời gian qua. Đồng thời mở ra cơ hội mới cho người dân nuôi cá bè sẽ được cấp phép, “danh chính ngôn thuận” sử dụng mặt nước nuôi cá trên lòng hồ, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Theo đó, sau khi di dời sẽ triển khai sắp xếp và ký kết các hợp đồng sử dụng mặt nước, đảm bảo các điều kiện nuôi cá bè, đơn vị sẽ giám sát nguồn giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản; tổ chức, quản lý sản xuất, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường… đối với những hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An theo đúng quy định.

Theo UBND huyện Định Quán, tổng số hộ nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An trên địa bàn huyện hiện là 367 hộ, 1.892 lồng nuôi. Trong đó, số hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực phải di dời thuộc địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc trước khi có đề án là 236 hộ, 1.226 lồng nuôi. Sau khi đề án được triển khai và chính quyền địa phương vận động, có 101 hộ nuôi với 830 lồng nuôi đã di dời vào vùng quy hoạch, một số hộ chuyển sang ngành nghề khác, hiện vẫn còn 135 hộ với 396 lồng bè chưa thực hiện di dời ra vùng nuôi theo quy hoạch.

Hướng đến nuôi thủy sản bền vững

Trao đổi với PV Báo NNVN về việc khảo sát, xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết: Với nhiệm vụ được giao thẩm định đề cương đề án trên, Sở NN-PTNT đã tổ chức họp thẩm định đề án và dự toán kinh phí. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn chỉnh đề cương và dự toán kinh phí dự án sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời, giải tỏa số bè và lồng nuôi cá dôi dư trên hồ Trị An.

Các hộ nuôi cá lồng bè được tuyên truyền, hướng dẫn di dời và neo đậu tại các khu vực an toàn để tránh thiệt hại. Ảnh: Lê Bình.

Các hộ nuôi cá lồng bè được tuyên truyền, hướng dẫn di dời và neo đậu tại các khu vực an toàn để tránh thiệt hại. Ảnh: Lê Bình.

Căn cứ hồ sơ của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã chỉnh sửa, Sở NN-PTNT đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện dự án sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa lồng bè dôi dư trên hồ Trị An.

Theo đó, Dự án sẽ thực hiện lại việc khảo sát các vùng quy hoạch nuôi. Phạm vi khảo sát với số lượng hộ điều tra khoảng 200 hộ gồm 100 hộ khu vực nuôi cá lồng bè thuộc địa bàn các xã Phú Ngọc, La Ngà (huyện Định Quán), là những khu vực có mật độ nuôi cao và đã xảy ra các vấn đề về môi trường cần được khảo sát chi tiết.

Ngoài ra, việc khảo sát sẽ chọn 100 mẫu đại diện các hộ nuôi tại xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán); xã Mã Đà, Suối Tượng, TT.Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Trong đó vẫn giữ mục tiêu chung nhằm bố trí, sắp xếp lại vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, đảm bảo ổn định hoạt động nuôi, an toàn giảm rủi ro về môi trường và đạt hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu nuôi thủy sản bền vững trên lòng hồ Trị An.

Từ đó, đề xuất phương án tái sắp xếp vùng nuôi cá lồng bè, trên cơ sở kết quả đánh giá lại điều kiện môi trường và kinh tế - xã hội nông hộ, để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn về tình trạng cá nuôi chết ở những thời điểm giao mùa, đồng thời đảm bảo phù hợp những quy định của ngành giao thông thủy.

Ngoài ra, dự án sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu bản đồ số GIS, mô tả hiện trạng lồng bè tại vùng nuôi và bản đồ định vị lồng bè theo phương án tái sắp xếp; xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng bè phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng phương án hỗ trợ, di dời, giải tỏa và an sinh xã hội cho hộ nuôi, bao gồm định mức hỗ trợ để di dời và giải tỏa các lồng bè dôi dư và các đề xuất hỗ trợ an sinh xã hội cho hộ nuôi...               

Tại cuộc họp với các sở, ngành và địa phương liên quan về triển khai thực hiện Đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, UBND tỉnh chấp thuận việc điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đề án và yêu cần đơn vị chủ trì, các đơn vị liên quan cần tính toán, đề xuất thời gian gia hạn cho phù hợp. Các đơn vị liên quan cần phối hợp tốt hơn trong triển khai đề án; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị trong triển khai thực hiện. Đề xuất chính sách hỗ trợ phải xác định rõ, cụ thể đối tượng được hỗ trợ.

“Điều tôi quan tâm là việc sắp xếp nuôi cá bè phải đạt mục tiêu vừa không xảy ra tình trạng cá chết vừa không ảnh hưởng đến thủy điện Trị An. Điều quan trọng là cần thể hiện rõ vai trò quản lý Nhà nước ở 3 lĩnh vực gồm: quản lý về chăn nuôi, quản lý về môi trường và an ninh trật tự.

Trong đó, phải quản lý được hoạt động nuôi cá bè trên hồ Trị An, người nuôi phải được cấp phép chứ không để xảy ra tình trạng nuôi tràn lan. Người nuôi phải tuân thủ theo các quy định, sẽ được gia hạn thời gian để thực hiện đúng các chuẩn về vệ sinh môi trường, tiêu chuẩn lồng bè…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.