| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở bất thường, ngư dân mất đường ra biển

Thứ Hai 14/11/2022 , 08:51 (GMT+7)

Biển động ngoạm vào bờ làm sạt mất cả tuyến đường bến cá, hàng trăm ngư dân lo ngay ngáy vì không ra biển được…

Ông Nguyễn Thanh Thuyên,Trưởng thôn Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) ngước mặt nhìn lên động cát với mép lở do sóng biển đánh vào như bức tường dựng đứng rồi bảo: “Toàn bộ thuyền, bơ nan của ngư dân chúng tôi đang mắc cạn trên đó, chưa có cách nào đưa xuống biển được. Vậy là gần tháng nay, người dân trong thôn chỉ biết ngồi bờ nhìn ra thôi chứ không đi biển được vì không có cách nào đưa thuyền xuống bến”.

1

Tuyến đường bến cá ở xã Hải Ninh bị cắt đứt do sạt lở. Ảnh: T.P

Hơn 50 năm nay chưa thấy sạt lở khiếp như vậy

Mấy năm trước, ngư dân thôn Tân Định vui mừng vì có con đường đổ bê tông mở ra biển. Cuối con đường gọi là bến cá có cột điện sáng mỗi đêm. Bà con thuận tiện khi đưa thuyền máy, ngư lưới cụ  ra biển đánh bắt. Khi có mưa bão thì thuyền được kéo lên cồn cát cao theo con đường này.

Tháng trước,do ảnh hưởng của bão số 6, sóng triều cường ngày đêm lừng lững đập vào bờ. Sóng ngoạm hết chân đồi cát rồi cứ vậy ăn nhanh và sâu vào. Con đường bê tông bến cá cũng bị biển nuốt mất, hai cây cột điện cũng bị sóng bẻ gãy ngang. Cả tuyến bờ biển dài gần 200m bị sạt lở, bờ cát dựng đứng cao hơn chục mét. Con đường bến cá ra biển cũng bị cắt ngang tựa như có chiếc xẻng khổng lồ cắm phập xuống cắt ngang rồi hất tất thảy ra biển. Chiều chiều, mấy ngư dân kéo nhau ra mỏm cụt con đường bê tông ngồi bó gối nhìn ra biển. Sau lưng họ là hàng chục con thuyền máy được phủ bạt nằm chờ…đường ra biển.

2

Sạt lở làm khoảng cách từ con đường xuống bãi biển chênh nhau đến cả chục mét. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Thanh Thuyên, Trưởng thôn Tân Định cho hay: “ Vùng biển bãi ngang nên chủ yếu là thuyền máy, bơ nan đánh bắt gần bờ. Cả thôn có chừng 80 thuyền máy. Trước bão, bà con hỗ trợ nhau kéo thuyền lên đồi cát cao để cho an toàn. Bây giờ, biển làm sạt mất đường, làm đồi cát dựng đứng nên khó có cách kéo được thuyền xuống biển để ra khơi. Nếu kéo theo đường bến cá thì từ độ cao hơn chục mét, thuyền chỉ có nước vỡ tan thôi”- ông Thuyên phân trần.

Đứng trên đồi cát, ông Trương Văn Hằng (gần 70 tuổi) đi quanh mấy con thuyền để thắt chặt thêm mấy nút dây buộc chằng cho chắc chắn. Ông Hằng ngước mắt nhìn ra biển. “Chưa bao giờ tui thấy biển giận đập sóng ăn vô bờ như năm nay. Hơn 50 năm qua, chưa có lúc nào bị như vầy. Tính ra, biển ăn vào động cát gần hai chục mét đó chớ. Nếu cứ đà này thì sau khi ăn hết nửa cái đồi cát này là biển sẽ ăn hết làng, hết nhà cửa cho coi. Cái khổ nhất bây giờ là bà con không đưa được thuyền xuống biển để ra lộng”.

Ở đoạn cuối con dốc cát có thoai thoải hơn, hai anh em Trương Văn Hải đang dùng máy tời để kéo thuyền xuống bến. Chiếc máy nổ rung dây kéo căng sợi cáp buộc với con thuyền, nhưng cũng chỉ được hai bước chân là máy rồ lên rồi lịm đi vì quá tải. Sau vài lần nổ máy, chết máy, anh Hải đành tặc lưỡi…chịu thua. Ông Thuyên trưởng thôn  nói: “Chúng tôi rất mong cấp trên cho máy ủi lớn, ủi mở con đường tạm cho bà con đưa thuyền xuống biển, ra khơi đánh bắt. Chứ như vầy là đáng lo lắm vì không ra biển đánh bắt được là nguy cơ đói trước mắt rồi”.

3

Đường bến cá tại xã Ngư Thủy cũng đã bị cắt đứt. Ảnh: T.P

Tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), khu vực sạt lở dài hơn 50m đã đánh sập đoạn cuối con đường dẫn ra bến cá.

Ông Ngô Văn Huyên, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hiển đưa chúng tôi ra điểm bị sạt lở. Tại đó, ngổn ngang  những tấm bê tông lớn bị sóng đánh vỡ. Theo ông Huyên, khoảng 10 năm trước, Nhà nước đầu tư bến cá này cho người dân thuận tiện trong việc sản xuất. Ở đoạn cuối, hàng chục ống bi lớn được chôn sâu để ngăn sóng đánh hỏng đường. “Không biết làm sao mà đận này sóng dữ quá. Chỉ mấy hôm thôi là sóng đánh sập tuyến đường. Hàng ống bi cũng bị sóng đạp, kéo lên lăn đi ra xa. Phần còn lại cũng bị xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Bây chờ bà con cũng không có đường để đưa thuyền xuống biển ra khơi”- ông Huyên nói thở ra.

Sở Nông nghiệp - PTNT Quảng Bình đã cử các đoàn công tác ghi nhận hiện trường và đề xuất phương án xử lý. Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở cho biết, phương án tối ưu được đưa ra là xây dựng kè chống sạt lở, với nguồn kinh phí từ trung ương hoặc các nguồn khác. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình, các đơn vị, địa phương sẽ có phương án di dời phù hợp đối với các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân.  “Các phương án đã được tính đến nhằm hạn chế tình trạng sạt lở. Trước mắt, đề nghị địa phương  dùng bao cát để bao chân khu vực bị xâm thực mạnh. Có bao cát chặn thì tình trạng cát bị rút sẽ được giảm thiểu. Về phía hỗ trợ người dân, chúng tôi sẽ lựa chọn khu vực bến thoải khác để tạm thời sử dụng như bến thuyền, để người dân cất, đặt thuyền và thuận lợi di chuyển thuyền ra biển”- ông Trần Hoài Nam cho hay.

4

Ống bi bê tong kè chân đường cũng bị song đánh  sập. Ảnh: T.P

Biển lấn sát sân nhà…

Tại khu vực ven biển ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), bờ biển ăn sâu gần vào khu dân cư. Chiều dài đoạn sạt lở là 2km, khiến cả hàng cây phi lao phòng hộ bị gãy đổ, dồn cát tràn vào tuyến đường ven biển, phương tiện không thể qua lại được.

Trước đây, bờ biển của tổ dân phố Tân Mỹ (phường Quảng Phúc), cách xa khu dân cư khoảng 500 mét. Trong vài năm trở lại đây, tình trạng xâm thực và xói lở đã đưa biển lấn sâu vào đất liền. Từ năm 2020 đến nay, mà đặc biệt là do ảnh hưởng của cơn bão số 6 năm 2022 và gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường đã làm cho tình trạng xâm thực, xói lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Hiện tượng sạt lở tại địa phương này đã ảnh hưởng đến đời sống của 10 hộ dân với 40 nhân khẩu.

5

Ngư dân vùng biển chờ con đường để đưa thuyền xuống biển. Ảnh: T.P

Bà Nguyễn Thị Mai (tổ dân phố Tân Mỹ), trước đây biển ngoài kia, đi bộ mỏi chân mới đến mép sóng. Ở bãi biển, ông bà trồng hơn 300 cây phi lao lớn. Mấy năm gần đây, sóng biển cứ vỗ dần vào làm bãi cây phi lao cứ bị mấ dần. Mấy bữa nay thì biển đã ăn dần vô sát với sân nhà. “Không khéo đà này là sang năm nhà tôi bị sóng cuốn mất thôi. Giờ chỉ ngồi lo chứ không biết làm sao cả. Đêm nằm không ngủ được, vì cứ nghe sóng biển cứ đập ầm ầm trước nhà. Có đêm nghe sóng đập mạnh quá là phải thức, phải theo dõi để chuẩn bị mà chạy cho kịp”- bà Mai than thở.

Theo ghi nhận thì tình trạng sạt lở biển ở đây diễn ra nghiêm trọng. Sóng biển đã phá hỏng đường giao thông ven biển và gần tiến sát vào hàng rào của hàng chục hộ dân sống ở khu vực này. Hàng chục cây phi lao lớn của rừng phòng hộ đã bị sống xói gốc bật lên gãy, đổ ngổn ngang. Bà con trong tổ dân phố cứ tranh thủ sóng lặng là ra chặt, cắt dọn cây  để có đường đi lại.

6

Sạt lở ở Quảng Phúc sát đến nhà dân làm bà con thật sự lo lắng. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, cho hay từ cơn bão số 6 thì bờ biển bị sạt lở như thế này và diễn ra rất nhanh. Đến nay, phần sạt lở chỉ cách nhà bà con một khoảng cách ngắn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì vài đợt gió mùa tới biển sẽ ăn sâu vào nữa bà con mất nhà là có thể xảy ra.

“Chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư xây dựng một tuyến kè biển vững chắc để đảm bảo an toàn khi có thiên tai, bão lũ xảy ra và ngăn được sạt lở bờ biển. Địa phương cũng tuyên truyền, động viên bà con và chủ động phương án di dời dân khi có tình huống bất lợi”- ông Thành nói thêm.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cảnh báo tình trạng xả nước thải ao tôm ra môi trường

Bạc Liêu cảnh báo tình trạng xả nước thải liên tục từ các ao nuôi tôm ra môi trường, nhất là các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm