Khu vực nuôi tôm trọng điểm ngập trong nước
Xã Hải Lạng là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung trọng điểm của Tiên Yên có tổng diện tích 934ha với hơn 400 hộ tham gia, trong đó có gần 90ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp.
Tuy nhiên, trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, đã khiến mực nước dâng cao. Nước ngập các ao, đầm nuôi tôm khiến người dân nơi đây “khóc ròng” vì mất trắng tiền tỷ.
Ông Lê Đăng Vũ (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng) cho biết, cách đây 2 năm, ông đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho khu nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, nhưng chỉ sau mấy tiếng buổi sáng bị ngập nước, toàn bộ số tôm thẻ chân trắng ông nuôi được 90 ngày tuổi đã “không cánh mà bay”.
“Tất cả máy móc do ngập nước nên đã cháy, hỏng, 16 ao bạt tròn nuôi tôm công nghệ cao của tôi hiện đã bị mất trắng. Thiệt hại khoảng vài tỉ đồng”, vừa nói, ông Vũ vừa đưa ánh nhìn buồn bã về phía đầm tôm.
Được biết, trước đây ông Vũ nuôi tôm thẻ tại TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Đến năm 2020, ông quyết định huy động vốn của gia đình, bạn bè và cả vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Thế nhưng, giờ đây ông đang phải lo lắng, không biết sẽ xoay xở như thế nào với số tiền lãi ngân hàng mỗi tháng.
"Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa thấy lực lượng chức năng hay chính quyền địa phương đến hỏi thăm, đánh giá tình hình để đưa ra phương án xử lý cho sự việc", ông Vũ cho biết.
Cùng chung hoàn cảnh như ông Vũ, ông Trịnh Văn Phóng (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng) ngậm ngùi khi chứng kiến 3 ao nuôi tôm rộng gần 1ha bị ngập trong nước. “Tôi hiện có 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi ao có diện tích 2000m2 và cũng đầu tư gần 5 tỷ, nhưng đến sáng 26/8 vừa qua, nước ngập cao đến đầu gối khiến cho hàng tấn tôm đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch bị thất thoát, thiệt hại cả tỷ đồng”.
Được biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều ngày 25/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 19h ngày 25/8 đến 6h sáng ngày 26/8 tại huyện Tiên Yên là 189,8mm, cao thứ 2 toàn tỉnh. Theo đó, đã xuất hiện lũ trên các sông, suối khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh, trong đó có huyện Tiên Yên.
Cần làm rõ nguyên nhân khiến cho nước ngập
Năm 2019, dự án đầu tư cấp nhà nước cho khu vực nuôi tôm tại xã Hải Lạng đã được triển khai với hệ thống điện, đường và kênh thoát nước dọc theo các thôn. Đến đầu năm 2022 đã hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, để người dân an tâm sản xuất trong khu vực nuôi tôm tập trung, tại các cửa sông đều có hệ thống cống thủy lợi đóng mở để bảo đảm lượng nước ở mức an toàn, đặc biệt là vào khoảng thời gian bão lũ, việc kiểm tra mức nước để điều chỉnh đóng mở cửa cống là hết sức quan trọng.
Theo người dân phản ánh, thôn Bình Minh nằm sát sông Cái Đản (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên), tại khu vực cửa sông đổ ra biển là cống Cái Đản để điều chỉnh lưu lượng nước ra vào. Tuy nhiên, đến chiều ngày 25/8 (thời điểm trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền), trời đã xuất hiện mưa lớn, nhưng hệ thống cống thủy lợi tại đây vẫn mở, khiến cho nước biển tràn vào bên trong.
“Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã gọi điện báo cáo sự việc với ông Tô Văn Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Lạng và trình bày về vấn đề mực nước sông Cái Đản khi ấy không đảm bảo nếu như mưa lớn, có thể gây ngập úng cục bộ, thì nhận được câu trả lời là sẽ cho người xuống kiểm tra”, ông Lê Đăng Vũ chia sẻ.
“Đến 6h sáng ngày 26/8, nước có dấu hiệu dâng cao, tôi đã gọi điện cho ông Trần Văn Ninh, Phó Chủ tịch thường trực xã Hải Lạng, nhưng không nghe máy. Tôi liền lên xã để báo cáo tình hình thì có gặp ông Ninh đang đi trên đường. Lúc ấy, ông Ninh có nói với tôi là đang xuống xử lý sự việc. Sau đó, tôi trở về đầm tôm và cũng yên tâm phần nào”, ông Vũ cho biết thêm.
Tuy nhiên, đến 10 giờ sáng cùng ngày, khu nuôi tôm của ông Vũ, ông Phóng và một số hộ dân khác bị ngập nước. Nhận thấy có điều bất thường, người dân đã ra cống Cái Đản kiểm tra thì phát hiện cống vẫn chắn túi và cánh phai cống mở rất bé, không đáp ứng điều kiện xả lũ, đặc biệt khi nước đã dâng cao. “Chúng tôi đã quay video và live stream trực tiếp trên mạng Facebook, có đầy đủ bằng chứng để chứng minh sự việc”, ông Vũ khẳng định.
Được biết, các cống thủy lợi khu vực hạ lưu sông ở xã Hải Lạng bao gồm cống Cái Đản, cống Hà Dong, cống Hà Thụ đều có nhà thầu phụ trách quản lý. Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, người dân cảm thấy bức xúc và cho rằng bên quản lý cống mặc dù biết mức nước dâng cao quá giới hạn nhưng vẫn chắn túi và không mở hết mức cống thoát nước, đến khi người dân ra quay video mới quay cống lên?
Cũng theo người dân tại thôn Bình Minh, nếu do thiên tai thì tại sao khu vực nuôi tôm gần hai cống Hà Thụ và Hà Dong (gần khu vực cống Cái Đản) lại không có vấn đề gì, không bị ngập nước? "Đặc biệt khi cống Hà Dong có đập trên xả xuống rất nhiều nước vẫn không sao, hệ thống đóng mở cống vẫn sử dụng rất tốt. So với các đợt mưa trước thì lần này mưa cũng không lâu, sao lụt thế được?", ông Vũ bức xúc nói.
“Chúng tôi thiết nghĩ, nếu đơn vị quản lý cống thiếu trách nhiệm cũng như kinh nghiệm xử lý mỗi lần mưa bão thì thiệt hại là rất lớn. Hàng chục tỉ đồng tiền đầu tư của người dân và hàng nghìn tỉ được nhà nước quan tâm, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu nuôi tôm tập trung này không còn phát huy được giá trị”, ông Vũ bộc bạch.
Một người dân buồn bã chia sẻ: “Nếu cứ lụt thế này sẽ không ai dám đầu tư để nuôi tôm công nghiệp ở nơi đây nữa, về lâu dài chúng tôi sẽ kiệt quệ cả về sức người và tiền bạc”.
Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm và nguyên nhân chính xác dẫn đến sự việc hàng chục hộ dân bị thiệt hại nặng nề do nước dâng, gây thất thoát tài sản, đang cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Báo Nông nghiệp sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến độc giả.
Huyện Tiên Yên đã và đang thực hiện chủ trương phát triển “2 cây, 1 con”, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển nuôi tôm - một trong những thế mạnh của địa phương. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi tôm, huyện Tiên Yên cũng đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm: Hệ thống điện, đường giao thông, kênh cấp nước ngọt và kênh tiêu… Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và áp dụng khoa học công nghệ cao trong nuôi tôm nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.