| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cứng và mềm đưa nuôi trồng, khai thác thủy sản vào quy củ

Thứ Ba 23/08/2022 , 09:25 (GMT+7)

Huyện Vân Đồn và Chi cục Thủy sản Quảng Ninh phối hợp triển khai đồng loạt các giải pháp cứng và mềm đưa hoạt động nuôi trồng và khai thác vào quy củ.

Hiện đã có 61 hộ nuôi cá nhân và một doanh nghiệp với 532 lồng bè quy mô 336ha tại Vân Đồn đã được cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Hiện có 61 hộ nuôi cá nhân và một doanh nghiệp với 532 lồng bè, quy mô 336ha tại Vân Đồn được cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Minh Phúc.

Ra quân rà soát cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè

Vân Đồn là địa phương có diện tích mặt nước biển lớn với gần 160.000ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 3.600ha. Huyện đảo hiện có khoảng 1.000 hộ nuôi, đối tượng chủ lực là các loại nhuyễn thể và cá lồng bè.

Tính đến tháng 8/2022, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh mới chỉ thực hiện cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè cho 62 cơ sở trên địa bàn huyện. Bao gồm Công ty TNHH Quan Minh và 61 hộ nuôi cá nhân, tổng số 532 lồng bè, diện tích nuôi trên 336ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Bản Sen, Đông Xá và Hạ Long.

Nguyên nhân dẫn đến việc cấp mã số vùng nuôi đạt thấp là do hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đều không đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Cụ thể, để được cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, các hộ nuôi phải có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất, mặt nước. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi trên địa bàn Vân Đồn đều không có loại giấy tờ này, khiến việc cấp mã số vùng nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử như tại xã Bản Sen hiện có 150 hộ nuôi trồng thủy sản, để thực hiện việc cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực cho các hộ nuôi trên địa bàn, xã đã chủ động tuyên truyền cho các hộ nuôi và phối hợp với Chi cục Thủy sản thực hiện hỗ trợ đăng ký, cấp giấy xác nhận được cho 16 hộ nuôi trên tổng số 22 hộ đăng ký.

Số hộ nuôi còn lại đều không đủ điều kiện cấp mã số. Nhiều hộ cũng có nguyện vọng được thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản, qua đó đủ điều kiện đăng ký cấp mã số, nhưng do việc xác định đường ranh giới ngoài đối với vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền mới chỉ được Bộ TN-MT công bố cuối tháng 4/2022 nên xã chưa thể triển khai việc cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi trên địa bàn.

Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cho biết, sau khi tỉnh xây dựng xong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, trên cơ sở đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý mới được Bộ TN-MT công bố, huyện Vân Đồn sẽ tiến hành các thủ tục cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi cho các hộ trên địa bàn.

Có thể nói, việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng giống như cấp “giấy khai sinh” cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu.

Do đó, các sở, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, phối hợp với huyện Vân Đồn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

z3228418053563_d6324db6304294c8a8de570f04a453f8

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh làm việc với đoàn công tác Hoa Kỳ tại cảng Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đưa khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá sớm đi vào hoạt động

Bên cạnh các giải pháp mềm trong cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè và cấp mã số vùng nuôi, với hạng mục phần cứng xây dựng, Vân Đồn cũng đang vận dụng mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đưa Dự án neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại huyện sớm đi vào hoạt động.

Mặc dù đã hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng từ cuối năm 2021, song hiện nay, Dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn vẫn chưa đi vào vận hành, khai thác. Việc nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư của dự án đang được ngư dân, thương lái trên địa bàn huyện Vân Đồn rất mong chờ. 

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư với diện tích 96,4ha.

Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu có công suất đến 1.000CV neo đậu và đầu tư xây dựng khu bến cập tàu giai đoạn 1 gồm khu cảng cá trên diện tích 2,2ha. Trong đó, khu dịch vụ hậu cần sau bến có diện tích 0,85ha, phần diện tích còn lại được xây kè và san lấp mặt bằng.

Tháng 4/2021, dự án hoàn tất thẩm định, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tiến hành bàn giao cho Sở NN-PTNT và UBND huyện Vân Đồn quản lý, vận hành, khai thác sử dụng.

Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện các hạng mục đã được các cơ quan chức năng của tỉnh nghiệm thu.

Đơn vị đã bàn giao cho Sở NN-PTNT phần cảng, bến neo đậu. Bàn giao cho huyện Vân Đồn phần diện tích đất quản lý 1,35ha sau cảng để làm khu hậu cần nghề cá và một số hạng mục liên quan. Như vậy, giai đoạn I của Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn đã được hoàn thành và bàn giao.

Đối với phần diện tích đất 1,35ha sau cảng do huyện Vân Đồn tiếp nhận, địa phương đã và đang triển khai các công việc, hoạt động nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư. Còn các hạng mục công trình được bàn giao cho Sở NN-PTNT, do những vướng mắc trong việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở để tổ chức, quản lý vận hành, quản lý tài sản sau đầu tư dẫn đến có nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.

Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng gặp khó trong chủ động triển khai điều phối, ứng phó sự cố thiên tai tại khu neo đậu tránh trú bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

z3228420639859_705da6bf781075cea8a98f9201f8ed36

Cảng cá Vân Đồn, Quảng Ninh đang dần hoàn thiện để đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, người dân, nhất là ngư dân, người đánh bắt, nuôi trồng, buôn bán hải sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đang mong mỏi công trình, nhất là khu vực bến cảng sớm đưa vào khai thác, vận hành.

Anh Phạm Văn Thường, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết, người dân nơi đây mong muốn cảng cá sớm đưa vào khai thác, sử dụng, để hoạt động buôn bán được tốt hơn, đảm bảo an toàn sản xuất.

Để phát huy hiệu quả sau đầu tư công trình, Sở NN-PTNT đã nghiên cứu, khảo sát tại nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời phối hợp cùng các sở, ngành và huyện Vân Đồn trong việc đề xuất với UBND tỉnh giao cho UBND huyện Vân Đồn thành lập Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền nghề cá giai đoạn I tại huyện Vân Đồn. Qua đó, sớm đưa cảng cá vào hoạt động góp phần hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá đồng bộ và hiện đại, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại Vân Đồn là dự án quy mô cấp vùng đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, nằm trong Quy hoạch về hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015.

Với quy mô cấp vùng, dự án giúp Quảng Ninh và các tỉnh, thành lân cận thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão. Từ đó, từng bước gỡ cảnh báo của Uỷ ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất chủ trương đầu tư Dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng giai đoạn II gửi Sở KH-ĐT thẩm định, từ đó báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất