Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ (SCLN), một số diện tích bị cháy. Nhiều đối tượng sâu bệnh khác cũng phát sinh gây hại...
Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, gây hại trên lúa hè thu |
Vụ hè thu năm nay, gia đình ông Đinh Trọng Tuấn ở xã Thanh Phong (huyện Thanh Chương) gieo cấy 2 sào lúa. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đều bị nhiễm nặng SCLN. Theo ông Tuấn, dù đã 2 lần phun trừ nhưng đều không hiệu quả do thời tiết diễn biến phức tạp.
“Có thể lần đầu gia đình tôi phun muộn 1 - 2 ngày so với khuyến cáo nên sâu không chết. Lần 2 phun sau bão số 4, lúc này sâu đã đóng kén, làm tổ rồi nên không hiệu quả. Giờ lại thêm bệnh khô vằn xuất hiện, lúa đã trỗ le te, chắc vụ này năng suất sẽ giảm”.
Theo quan sát của PV, không chỉ Thanh Phong mà các xã khác như Ngọc Sơn, Thanh Hương, Thanh Tường, Thanh Giang… đều bị SCLN tấn công. Nhiều diện tích đang trỗ bị cháy, nguy cơ ảnh hưởng năng suất rất lớn. Điều đáng nói, dù ngành nông nghiệp địa phương đã nhiều lần khuyến cáo nhưng không ít hộ dân vẫn phun trừ ngay cả khi sâu đã làm tổ, đóng kén.
Phun trừ khi SCLN đã làm tổ, hóa nhộng không hiệu quả |
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Thanh Chương cho biết, toàn huyện hiện có 1.800ha nhiễm SCLN, trong đó có 300ha nhiễm nặng, mật độ 100 - 200 con/m2. Lý do chính là thời điểm phun trừ thích hợp nhất SCLN lứa 4 - 5 lại đúng vào giữa cơn bão số 2, sau đó là hoàn lưu bão số 2, số 4 nên công tác phun trừ gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
“Ngoài lý do thời tiết thì một nguyên nhân nữa là do một số hộ dân cũng chưa thực sự quyết liệt phun trừ. Vì thế, bên cạnh những thửa cháy khô lá vẫn có những thửa xanh mướt, phát triển tốt. Hay như thời điểm sâu đã vào nhộng rồi mà một số hộ vẫn phun trừ, như thế là không hiệu quả, nhất là những trà bị trắng lá rồi thì thuốc lưu dẫn cũng bó tay”, bà Phượng cho biết.
Cũng theo bà Phượng, đối với trà trỗ sau 10/8 thì có thể sẽ gặp SCLN lứa 6. Hiện tại, những trà đang trỗ gặp SCLN nhất định sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất. Ngoài SCLN, toàn huyện còn có 500ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ phổ biến 2.000 con/m2, 400ha đã được phun trừ. Trong đó có vài chục ha nhiễm nặng, mật độ 5.000 con/m2.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, tính đến cuối tháng 7, Nghệ An có 5.699,2ha bị nhiễm SCLN, mật độ phổ biến 10 - 20 con/m2, nơi cao 30 - 50 con/m2, cá biệt trên 80 con/m2, sâu chủ yếu tuổi 4,5, nhộng. Các địa phương đã tổ chức phòng trừ 1.922,3ha. Toàn tỉnh hiện có trên 771,6ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích nhiễm tập trung tại các huyện Thanh Chương, Quế Phong, Con Cuông, Nam Đàn .. với mật độ nơi cao 800 - 1.500 con/m2, cục bộ 3.000 - 4.000 con/m2. Bệnh lùn sọc đen 375,45ha, tập trung tại các huyện Yên Thành (338ha), Quỳnh Lưu (21,5ha), Diễn Châu (15,95ha) với tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 10%, nơi cao 50 - 60%, cá biệt 80 - 100% khóm bị bệnh. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại 8.968,2ha lúa thời kỳ làm đòng - trỗ tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên... với tỷ lệ bệnh nơi cao 20 - 30%, cục bộ 50 - 70%...
Nông dân Nghệ An tích cực phun trừ sâu bệnh hại lúa |
Theo dự báo của ngành nông nghiệp địa phương, SCLN non lứa 5 tiếp tục gây hại trên lúa hè thu - mùa thời kỳ đẻ nhánh - làm đòng. Rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại và tích lũy mật độ, cục bộ một số diện tích có mật độ cao sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Nguồn bệnh lùn sọc đen đã có sẵn trên đồng ruộng, nguồn rầy môi giới đang gây hại với mật độ độ phổ biến 50 - 100 con/m2, có nơi mật độ rầy lên trên 1.000 con/m2. Do đó, nguy cơ bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng là rất lớn, đặc biệt trên diện tích lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại gia tăng trên lúa thời kỳ làm đòng, đặc biệt gây hại nặng trên những ruộng cấy dày, bón thừa đạm.
+ Trước nguy cơ sâu bệnh phát sinh, gây hại ảnh hưởng đến năng suất, ngành nông nghiệp địa phương phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, phân vùng, phân trà theo dõi sát sao diễn biến của sâu trên đồng ruộng để dự tính dự báo và phát hiện, kịp thời, chính xác thời gian xuất hiện rộ trưởng thành lứa 5 và sâu non tuổi 1 - 2 lứa 6; tập trung theo dõi sự phát sinh gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng, hướng dẫn phun trừ trên những diện tích nơi có mật độ rầy gây hại cao (trên 1.000 con/m2) bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Dinotefuran, Lambda-cyhalothrin + Thiamethoxam… Đối với bệnh lùn sọc đen, Chi cục chỉ đạo cán bộ tăng cường điều tra phát hiện, rà soát và xác định những diện tích lúa bị bệnh, diện tích có nguy cơ bị bệnh cao để chỉ đạo phòng trừ. + Những diện tích lúa nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ từ 5 - 10% trở lên, nông dân cần giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất Validamycin (Jinggang meizu 5 - 10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP…); Hexaconazole (Anvil 5SC)… pha theo liều hướng dẫn và phun đều vào phần thân và gốc lúa, ruộng bị bệnh nặng nên phun kép 2 lần, lần hai cách lần một 5 - 7 ngày. |