| Hotline: 0983.970.780

Sau cơn 'bão đất' Bắc Vân Phong: Người ôm đất cuối cùng như...'ôm nợ'!

Chủ Nhật 24/03/2019 , 13:00 (GMT+7)

Gần 1 năm trước khi có thông tin Bắc Vân Phong sẽ lên đặc khu hành chính-kinh tế, đất ở huyện Vạn Ninh, nhất là các xã ven biển sốt lên từng ngày giống như cơn “bão đất”.

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã bỏ hàng tỷ đồng “lướt sóng”, để rồi giống như mỗi cơn bão qua đi, mọi thứ đều trở lại bình thường, hết còn sốt đất và người ôm đất cuối cùng giống như...“ôm nợ”!

Đó là thực trạng đang diễn ra tại Bắc Vân Phong, sau gần 1 năm UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản cho tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cộng với Quốc hội đã tạm gác chuyện đặc khu.
 

Giao dịch dường như đóng băng

Chúng tôi trở lại Bắc Vân Phong những ngày này hỏi thăm người dân và các “cò đất” về việc giao dịch mua bán đất nơi đây, ai nấy đều có chung câu trả lời: “Hết sốt rồi”.

Như tại xã Vạn Thọ trước đây là một trong những vùng tâm điểm của cơn sốt đất. Anh Nguyễn Văn Thông, một người dân nơi đây cho biết, gần 1 năm trước, khi có thông tin Bắc Vân Phong sẽ lên đặc khu hành chính-kinh tế, đất ở Vạn Ninh cũng như xã sốt lên từng ngày. Đặc biệt, đất càng giá trị khi nằm gần biển.

Gần 1 năm trước đất đai ở Vạn Ninh càng gần biển càng có giá trị

“Khi chưa có thông tin về đặc khu, giá đất ở trong xã rẻ bèo, tính bằng mét ngang, dao động từ 8-10 triệu/1 mét ngang. Sau đó, giá đất cứ thổi lên khi qua tay từng người. Rồi giá trị lô đất cũng chuyển sang tính bằng m2, dao động từ 8-10 triệu/m2. Cho nên nhiều lô đất trước đây giá trị vài trăm triệu đồng, sau đó tăng lên hàng tỷ, thậm chí hơn chục tỷ đồng”, anh Thông nói.

Tuy nhiên theo anh Thông, giá đất bắt đầu đứng sững và dường như đóng băng sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản cho tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất vào tháng 5/2018.

Tương tự tại thị trấn Vạn Giã việc sốt đất giờ chỉ là câu chuyện trong quá khứ, vì chẳng còn ai quan tâm đến đất đai khi đặc khu đã được Quốc hội gác lại. Một “cò đất” tên Dũng, cũng nhìn nhận thức tế, khi anh rao đất Bắc Vân Phong vài tháng trời trên mạng nhưng chẳng ai hỏi mua.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay huyện Vạn Ninh đang giám giám sát chặt chẽ các hồ sơ chuyển nhượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Cụ thể, đất nông nghiệp tuyệt đối không có chuyển đổi, chuyển nhượng. Huyện chỉ giải quyết cho những hồ sơ chuyển nhượng có 100% diện tích đất thổ cư.

“Đúng là bây giờ rất ít khách hỏi mua đất Bắc Vân Phong. Mà họ có mua đất thì chủ yếu mua giá rẻ và giá trị lô đất dưới 1 tỷ trở lại thôi. Nhưng việc giao dịch này cũng khó thành công”, anh Dũng chia sẻ.

Theo ghi nhận NNVN tại các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thị trấn Vạn Giã hiện hầu hết đã đóng cửa im lìm. Trao đổi NNVN, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh xác nhận và biết: 40 sàn BĐS trên địa bàn dường như đã đóng băng, chỉ lẻ tẻ vài sàn làm môi giới đất ở đủ điều kiện.
 

Người ôm đất như “ôm nợ”!

“Cò đất” tên Dũng tiết lộ, việc giao dịch đất Bắc Vân Phong trong giai đoạn này phần nhỏ là người đầu tư dư giả tiền nên mua để đấy chờ thời, chứ không có nhà đầu tư lướt sóng. Còn về tình trạng chôn vốn tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng mua đất ở Bắc Vân Phong không bán được thì rất nhiều. 

Các sàn BĐS ở Vạn Ninh "mọc lên như nấm", nay hầu hết đã đóng cửa

“Tôi từng mô giới lô đất bán được có giá trị hàng chục tỷ đồng. Những lô này hiện cũng không thấy ai rao bán lại. Nhưng nếu có rao bán một là không ai mua, hai là các chính sách đều đóng cửa nên cũng không thể giao dịch”, anh Dũng khẳng định nhiều nhà đầu tư đã chôn vốn tiền tỷ ở Bắc Vân Phong và còn có giao dịch là những lô đất ở diện tích nhỏ người dân kẹt tiền nên bán giá rẻ.

Còn ông Lê Đình Vinh, Phó Chủ tịch thị trấn Vạn Giã cho biết, việc người đầu tư chôn tiền tỷ mua đất trên địa bàn chắc chắn là có, vì trước đó việc mua bán diễn ra rầm rộ. Ngay cả một số người dân trên địa bàn cũng “dính” khi tham gia đầu tư lướt sóng.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết, nguyên nhân trước đó giá đất ven biển ở Bắc Vân Phong tăng “khủng” là do thông tin hình thành đặc khu. Tuy nhiên đa phần giá đất đẩy mạnh là có nhóm đầu cơ hoạt động chuyên nghiệp, họ tạo kịch bản kích thích người mua, người bán. Cụ thể, họ khiến người bán được đất với giá cao nhưng vẫn tiếc nuối, vì giá đất tiếc tục đẩy giá cao hơn. Còn người mua thấy có lãi nên cũng muốn nhảy vào để lướt sóng. Và, khi giá đất được nhóm đầu cơ đẩy lên đỉnh điểm, họ thu lợi lớn thì rút lui và giá đất cũng từ đó đóng băng, nên người ôm đất cuối cùng có thể nói là “ôm nợ”!

Nhận định giá đất Bắc Vân Phong trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa sẽ tiếp tục giảm sâu và việc giao dịch cũng không có gì sáng sủa, trừ khi có những chính sách mới như Trung ương ban hành luật kinh tế hành chính hoặc tỉnh Khánh Hòa gỡ bỏ lệnh cấm việc “giao dịch đất đai”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.