Ông Đặng Công Giảng ở ấp 1, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết toàn bộ 6 công dừa đang cho trái đã bị chết rụi sau 3 tháng bị sâu đầu đen tấn công. Giáp tết, lá dừa khô cháy, lan rất nhanh cây này sang cây khác, vườn này sang vườn khác.
"Dù được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phun xịt nhưng do cây quá cao nên phương pháp này không ăn thua. Chúng tôi mất cả vườn dừa", ông Giảng nói về vườn dừa đã đốn gần hết.
Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, từng gây hại cây dừa ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan... Chúng có thể tấn công nhiều bộ phận của cây dừa từ khi trồng cho đến khi có trái.
Bến Tre hiện có hơn 72.000 ha đất trồng dừa, sản lượng trên 600 triệu trái/năm. Đây là nguồn thu nhập chính của đại bộ phân nông dân. Vì vậy, từ khi phát hiện sâu này (giữa tháng 7/2020), Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre đã có tờ rơi hướng dẫn bà con dùng thuốc sinh học hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với Trường đại học Nông lâm TPHCM và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam nghiên cứu giải pháp tìm những loại ký sinh để kiểm soát sâu đầu đen này. Tuy nhiên, sau đó sâu vẫn tiếp tục xuất hiện tại một số vùng trồng dừa khác ở các huyện Châu Thành và Mỏ Cày Nam.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre, hiện nay Chi cục đã phát hiện nhiều loại thiện địch ngoài tự nhiên của sâu đầu đen. Trong đó, có ong ký sinh được phát hiện ở xã Phú Long, huyện Bình Đại.