Đây là tín hiệu tích cực để trái sầu riêng Bình Phước được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Người trồng sầu riêng nắm bắt lợi thế
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Bình Phước có diện tích đất đỏ Bazan rộng lớn, màu mỡ, phù hợp với canh tác sầu riêng. Với chất lượng thơm ngon không thua kém bất kỳ địa phương nào trong cả nước, sầu riêng được xem là loại “trái cây vua” đã và đang đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Nếu như trước đây, bà con chủ yếu sản xuất để cung cấp cho thị trường nội địa, thì nay nhiều HTX cùng bà con đã trồng sầu riêng để xuất khẩu.
Toàn bộ trang trại 10 hecta sầu riêng của ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long đều được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Với hy vọng đưa sản phẩm lợi thế xuất ngoại, không chỉ tuân thủ các quy định, ông Đảo và nhiều nhà vườn nơi đây còn đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tự động, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe và môi trường.
“Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các yêu cầu canh tác nghiêm ngặt từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến nguyên tắc 4 đúng. Mã số vùng trồng sẽ tạo động lực để nông dân sản xuất sạch, phục vụ xuất khẩu và đem lại giá bán ổn định hơn” ông Đảo chia sẻ.
Tương tự, tại huyện Phú Riềng, với 30 xã viên, tổng diện tích sầu riêng là 37,3 ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Nông Thành Phát đang là đầu tàu của địa phương trong việc đưa quả sầu riêng địa phương tiến gần hơn việc được cấp mã vùng trồng và nắm bắt cơ hội đưa quả sầu riêng địa phương tiếp tục vươn xa.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX Nông Thành Phát chia sẻ, với phương pháp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã được một doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu để xuất khẩu với giá thu mua luôn cao hơn thị trường trên 10%.
“Với sản lượng trung bình đạt khoảng 100 tấn/năm, trong niên vụ 2021 vừa qua, bình quân 1 ha cho doanh thu khoảng 800 triệu, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 50% cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Trước biến động của thị trường, HTX đang tiếp tục hướng đến xây dựng chuẩn GlobalGAP, đồng thời tích cực phối hợp với các ngành để được cấp mã vùng trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu”, ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng, trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn huyện có trên 500 ha sầu riêng được trồng mới nâng tổng số diện tích sầu riêng tại địa phương lên gần 1.000 ha. Đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm sầu riêng trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn sầu riêng chưa có thương hiệu, chưa được truy xuất nguồn gốc. “Mã số vùng trồng sẽ là điều kiện quyết định sự thành công của việc xuất khẩu trái sầu riêng ở địa phương”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tiến gần xuất khẩu chính ngạch
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có trên 12.300 ha cây ăn trái, trong đó hơn 3.000 ha sầu riêng. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, 2 loại trái cây là bưởi da xanh và sầu riêng hiện đã đàm phán xong, hiện đang chờ nghị định thư để được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
"Tiềm năng của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Nhưng muốn vào được thị trường Trung Quốc sản phẩm phải có thương hiệu, phải có mã vùng trồng, phải có mã cơ sở đóng gói... Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại địa phương đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân này và thay đổi tư duy, chuỗi sản xuất. Sở NN-PTNT sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc dễ dàng", bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu 10 tỷ USD trái cây, trong đó có 2,3 tỷ USD là họ mua sầu riêng. Hiện nay, mỗi năm chúng ta chỉ bán sang Trung Quốc có 11 triệu USD, chiếm 0,4%, như vậy thị phần còn lại rất lớn.
“Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại cây này, địa phương cần đẩy nhanh triển khai thực hiện hướng dẫn cấp mã số vùng trồng là tiền đề để xuất khẩu cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương cần xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh để phát triển các loại cây trồng phù hợp với từng khu vực cụ thể, đặc biệt việc hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân cũng phải được chú trọng”, TS. Trần Minh Hải chia sẻ .