Năm 2020, trong bối cảnh hoạt động nuôi thủy sản nước lợ gặp nhiều khó khăn, hoạt động nuôi biển của nước ta vẫn có bước tăng trưởng ấn tượng.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, nuôi biển nước ta tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Diện tích nuôi biển đạt 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong đó, cá biển 8,7 nghìn ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 54,5 nghìn ha, sản lượng 375 nghìn tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, sản lượng 2,1 nghìn tấn; rong biển 10.150 ha, sản lượng 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác.
Tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2020, triển khai công tác năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trong năm 2021 cũng như giai đoạn tới, chủ trương của ngành thủy sản Việt Nam là từng bước chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng và giảm số lượng tàu; tăng cường số tàu xa bờ và giảm tàu gần bờ để bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời tăng cường được bảo tồn cả khu sinh thái và cả số lượng loài…
Theo đó, định hướng sẽ giảm khai thác thủy hải sản từ 3,9 triệu tấn/năm xuống 2,8 triệu tấn, đồng thời tăng cường nuôi biển. Để phục vụ cho chiến lược này, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nuôi biển, nhất là thu hút đầu tư nuôi biển công nghệ cao, Bộ NN-PTNT sẽ có những chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc củng cố, xây dựng mới hệ thống hạ tầng phục vụ cho nuôi biển…
Trong năm 2021, Tổng cục Thủy sản sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến từ đó tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị, hình thành các chuỗi liên kết, bảo toàn về chất lượng và phục vụ chế biến sâu…