Sau hai lần tổ chức, Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội, đồng thời là nơi hội tụ trí tuệ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi và kết nối của của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về các vấn đề kinh tế.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn phát biểu như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay tại Hà Nội.
Ông Ngô Văn Tuấn phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí |
Theo ông Tuấn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng về mặt quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự và nâng tầm về chất lượng thảo luận, đặc biệt với sự xuất hiện của các phiên Đối thoại chính sách cấp cao với sự chủ trì của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nếu như hai Diễn đàn lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt thu hút khoảng 850 và 1.500 đại biểu tham dự, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên Hội thảo chuyên đề và Đối thoại chính sách.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, năm 2018 Việt Nam đã đạt nhiều tựu phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực: Hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, xuất siêu đạt kỷ lục (hơn 7 tỷ USD).
Tăng trưởng GDP đạt 7,08% vượt chỉ tiêu 6,7%; năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế tăng lên; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân được nâng cao. Ba đột phá chiến lược đạt kết quả thực chất hơn; cơ cấu lại nền kinh tế có chuyển biến rõ nét.
Năm 2019 và trong trung hạn, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; nhìn chung tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại, rủi ro tài chính gia tăng. Do đó, bên cạnh những thời cơ, các yếu tố thuận lợi nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức từ bên ngoài như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường... và những hạn chế, yếu kém trong nội tại.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước.