| Hotline: 0983.970.780

Si Ma Cai không yên bình

Thứ Năm 01/04/2021 , 08:50 (GMT+7)

Những quyết định khó hiểu từ chính quyền đã châm ngòi cho những kiện tụng kéo dài suốt nhiều năm qua ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Trường THPT số II Si Ma Cai. Ảnh: HA.

Trường THPT số II Si Ma Cai. Ảnh: HA.

Chỉ một phần diện tích đất thu hồi được phục vụ cho mục đích xây trường thực sự. Số còn lại, UBND huyện Si Ma Cai - địa phương khó khăn bậc nhất của tỉnh Lào Cai, lập thêm một dự án mới tên là “sắp xếp cư dân” rồi đem phân lô, bán nền.

Thu hồi một đằng, làm một nẻo

Dẫn chúng tôi đi thăm bản làng của người Mông, ông Giàng A Vẩu từng có 20 năm làm trưởng thôn Sản Sín Pao, xã Sín Chéng cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây đã bị xáo trộn đáng kể từ khi UBND huyện Si Ma Cai lần lượt thực hiện 3 dự án trên địa bàn. Gồm: Trường THPT số II Si Ma Cai (năm 2005), dự án Sắp xếp dân cư xã Sín Chéng (năm 2006) và dự án đường Hóa Chư Phùng (năm 2011).

Trong tập đơn thư, giấy tờ ngày càng thêm dày, các hộ dân bị thu hồi đất ở Sín Chéng nêu: Năm 2005, UBND huyện Si Ma Cai tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của hơn 40 hộ dân để xây Trường THPT số II Si Ma Cai. Một trong những hộ bị thu hồi nhiều đất nhất là gia đình bà Sùng Thị Pàng (sinh năm 1949), với gần 3.000 m2. Giữa khu đất khi đó có sẵn một con đường nhỏ nay đã bê tông hóa.

Khi san núi lấy mặt bằng, toàn bộ số đất thải được đưa từ khu vực cốt cao (bên này đường) sang khu vực cốt thấp (bên kia đường) khiến cả khu bằng phẳng hơn. Một phần đất được đổ nhờ lên diện tích đất chưa bị thu hồi của bà Sùng Thị Pàng.

Đến năm 2006, Ban quản lý Các công trình xây dựng cơ bản (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai) bàn giao một phần diện tích đất kể trên trên cho UBND huyện Si Ma Cai để thực hiện dự án Sắp xếp dân cư trung tâm cụm xã Sín Chéng. Khu đất đổ thải phía đối diện trường học phía bên kia đường được gom chung vào dự án mới này rồi được chia lô và và đấu giá.

Kể từ từ đó, xã nghèo biên giới liên tiếp xảy ra kiện tụng, tranh chấp với cùng tình trạng là các hộ dân bị thu hồi đất không biết việc bị thu hồi nên vẫn tiếp tục sinh sống. Còn các hộ trúng đấu giá lại không ở ngay. Đến khi có nhu cầu thì phát sinh mâu thuẫn.

Nhiều người dân khẳng định, họ không hề nhận được bất cứ thông báo hay quyết định nào về việc thu hồi đất để thực hiện dự án sắp xếp khu dân cư. Anh Giàng A Páo (sinh năm 1983, con trai bà Sùng Thị Pàng) là một trường hợp như vậy.

Anh Páo kể, năm 2002, anh được bà Pàng chia cho khu đất nằm cả 2 bên đường. Khi chính quyền thu hồi đất làm trường năm 2005, dù không được thông báo cụ thể nhưng thấy việc có ích, anh cùng tất cả các hộ dân tự nguyện chấp hành.

Tuy nhiên khi trường thành hình chỉ nằm hoàn toàn một bên đường. Trong khi số đất thu hồi thừa bên này đường lại không trả về cho dân mà đem ghép vào một dự án khác rồi phân lô bán nền, khiến người dân hết sức bất bình

“Năm 2006, tôi được gọi lên xã ký nhận tiền đền bù mức 3 triệu đồng. Thấy vô lý tôi không nhận, không ký tên và ra về sinh sống ổn định trên đất cũ. Nhiều năm sau, các hộ dân trúng đấu giá bắt đầu tranh chấp với tôi. Tôi nói sổ đỏ tôi vẫn cầm đây, đã bị thu hồi đâu?

Khi thấy tôi không chịu rời đi, chính quyền lại cấp cho tôi một thửa đất số 30 rộng 105m2. Nội dung ghi “trúng đấu giá” nhưng tôi không hề tham dự bất cứ cuộc đấu giá nào cả. Hiện tại, tôi vẫn đang tranh chấp thửa đất sát cạnh, số 29”, anh Páo bức xúc.

Một minh chứng khác cho những nghịch lý đất đai tại huyện nghèo nhất tỉnh Lào Cai là việc thu hồi đất phục vụ dự án đường Hóa Chư Phùng - Sín Chéng - Nàn Sín.

Phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, 12 hộ dân có tên trong danh sách thu hồi khẳng định đều bị thu hồi diện tích đất vượt quá phần diện tích mở rộng đường. Trong đó đặc biệt có hộ ông Giàng Lao Sử đã bị thu hồi hơn 440 m2 đất nông nghiệp trong khi trên thực tế diện tích đất trên của ông Sử cách đường gần 200 m và sau khi thu hồi đã tiếp tục bị chia thành 5 lô đất để bán đấu giá…

Tại buổi làm việc với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng TN-MT huyện Si Ma Cai cho biết: Những vấn đề khiếu nại của một số hộ dân ở thôn Sản Sín Pao, xã Sín Chéng là việc nổi cộm đang được các cấp ngành quan tâm, giải quyết.

Theo ông Hiệp, khu vực này thu hồi 5-6 lần (thu hồi làm chợ, đường, trường tiểu học, phòng khám đa khoa huyện, trạm vật tư nông nghiệp). Trước đây nguồn gốc một số là đất nông nghiệp, một số là của các hộ gia đình làm canh tác nương rẫy, có cả đất thổ cư. Thời điểm ấy giao nhanh, đo bằng mắt, vẽ bằng tay nên có thể chưa được chính xác.

Về phản ánh khi thực hiện dự án Trường THPT số II Si Ma Cai đất thải đổ vào đất gia đình bà Pàng sau đó chính quyền tự chuyển đổi thành phân lô bán nền, ông Hiệp thông tin: “Khi làm trường khối lượng đất rất nhiều, giải phóng mặt bằng một khu vực để làm bãi đổ thải, chính là diện tích đất của bố mẹ anh A Páo, A Sừ. Đổ thải xong huyện muốn quy hoạch phần diện tích này thành Trung tâm của xã nên đã cho đấu giá. Huyện đã giải phóng mặt bằng và các hộ gia đình đều đồng thuận cho thu hồi. Tất cả thủ tục thu hồi còn nguyên, đủ. Giải phóng mặt bằng để đổ thải và sau này chỉnh trang đô thị theo quy hoạch từ năm 2000”. 

Người dân khiếu kiện kéo dài ở Sín Chéng. Ảnh: HA.

Người dân khiếu kiện kéo dài ở Sín Chéng. Ảnh: HA.

Tuy nhiên theo phản ánh của gia đình bà Pàng và những người liên quan, họ không nhận được bất cứ Thông báo hay Quyết định nào về việc: “Thu hồi diện tích đất thuộc quyền sử dụng của bà Sùng Thị Pàng để thực hiện dự án Sắp xếp khu dân cư” hay “Thu hồi diện tích đất thuộc quyền sử dụng của bà Sùng Thị Pàng để thực hiện việc đổ đất đá thải khi xây dựng trường THPT số II Si Ma Cai”. Trong khi đó, nếu thu hồi để thực hiện bất kỳ dự án nào cũng cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị công an điều tra sai phạm

Trước những khiếu kiện kéo dài, ngày 5/1/2021, các hộ dân thôn Sản Sín Pao, xã Sín Chéng tiếp tục đơn khẩn thiết đề nghị gửi tới các cơ quan Trung ương và địa phương. Một tuần sau, UBND tỉnh Lào Cai nhận được Văn bản của Ban Nội chính Tỉnh ủy về việc chuyển đơn đề nghị của công dân.

Đến ngày 18/1/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Công văn chỉ đạo: “UBND huyện Si Ma Cai kiểm tra, xem xét cụ thể nội dung đơn của các ông: Giàng A Lử, Giàng A Páo, Giàng A Sừ và giải quyết theo quy định của pháp luật. Trả lời công dân và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/2/2021”.

Đến ngày 27/1/2021, đại diện người dân tiếp tục có đơn đề nghị gửi Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai chỉ đạo xác minh, điều tra. Trong đơn, những hộ dân thôn Sản Sín Pao nêu: Diện tích đất của họ đang bị tranh chấp nằm trong quy hoạch sắp xếp dân cư trung tâm cụm xã Sín Chéng và được đền bù giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn xây dựng công trình trường THPT số II Si Ma Cai. Vậy đồng nghĩa với việc lấy tiền từ nguồn vốn xây dựng trường để đền bù giải phóng mặt bằng làm dự án sắp xếp dân cư.

Công an vào cuộc điều tra kỳ án ở Sín Chéng. Ảnh: HA.

Công an vào cuộc điều tra kỳ án ở Sín Chéng. Ảnh: HA.

Được biết, ngày 22/2/2021, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03 - Công an tỉnh Lào Cai) đã mời những nguời dân đứng tên trong đơn đến làm việc để phục vụ điều tra.

Đáng lưu ý, người dân thôn cũng cung cấp Bản án số 01/2020/DS-ST ngày 30/7/2020 của TAND huyện Si Ma Cai ghi nhận: “Diện tích đất tranh chấp trên nằm trong quy hoạch sắp xếp dân cư cụm xã Sín Chéng và được đền bù giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn xây dựng công trình Trường THPT số 2 Si Ma Cai năm 2005”.

Theo người dân địa phương, căn cứ trên đồng nghĩa với việc là chính quyền Lào Cai đã lấy tiền từ nguồn vốn xây dựng của dự án này để đền bù giải phóng mặt bằng làm dự án kia. Hành động này không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất