| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt quản lý, đảm bảo lợi ích người dân

Thứ Ba 17/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Khác những kỳ họp trước, kỳ họp thứ 10 này của Quốc hội, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện với tất cả các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ có 75 phút báo cáo và trả lời chất vấn trước Quốc hội.

* Chống tham nhũng chưa quyết liệt

Trồng bù rừng lại lỡ hẹn!

Phát biểu trong ngày hôm qua, các ĐBQH đều có chung nhận định: Bên cạnh những thành tựu nổi bật của KT – XH, QP – AN mà đất nước gặt hái được như báo cáo Chính phủ trình bày đầu kỳ họp thì nhiều vấn đề đang nổi cộm chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, thấu đáo. Điều đó, khiến cử tri và ĐBQH thấy bức xúc.

Đáng chú ý là trong chỉ đạo thực hiện ở từng ngành, từng cấp vẫn chưa sát sao, chưa thực sự đeo bám đến cùng và chưa đồng bộ nên một số lĩnh vực chuyển biến chậm chưa đạt yêu cầu, thể hiện việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm.

Trong khi đó nội dung báo cáo Chính phủ, bộ, ngành liên quan vẫn chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu ở từng cấp, từng ngành, giải pháp, thời gian cụ thể để khắc phục tình trạng nói chưa đi đôi với làm hoặc không làm cũng không sao trong giai đoạn vừa qua.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) bày tỏ thái độ bất bình trước thực trạng trên bảo dưới không nghe, trên nói một đằng, dưới triển khai một nẻo và quốc nạn tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong đời sống. ĐB đề nghị Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ hơn để giải quyết căn cơ những vấn nạn trên.

Các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn về tình trạng trồng bù diện tích rừng đối với các dự án thủy điện đang lỡ hẹn với Quốc hội.

Theo ĐB Tám, kết quả trồng rừng thay thế hiện đạt còn rất thấp, đến 20/10 mới trồng được 21.971 ha, đạt 32%. ĐB Tám nêu câu hỏi: Tại sao đã có chủ trương, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, đã bố trí cơ bản các nguồn lực mà tiến độ triển khai trồng rừng thay thế không đạt như mong đợi? Trách nhiệm này thuộc về ai, xử lý đến đâu?

Đồng nhất vấn đề ĐB Tám nêu lên, ĐB Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT và Bộ trưởng Công thương xác định rõ trách nhiệm trước số liệu còn chênh lệch lớn về diện tích.

Bởi số liệu của Bộ NN-PTNT thì diện tích trồng rừng bù thay thế dự án thủy điện là 21.000 ha, trong khi Bộ Công thương xác định là gần 18.000 ha.

Đặc biệt là đã lỡ hẹn với Quốc hội về thời gian hoàn thành trồng bù diện tích rừng năm 2015 nhưng vẫn chưa cam kết tiến độ thực hiện vào năm 2016.

Làm rõ các băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Những giai đoạn trước chúng ta thực hiện duyệt dự án thủy điện, sau khi Quốc hội nhắc nhở mới rà soát lại để siết chặt trồng rừng thay thế. Lúc đó mới duyệt nên đúng là có sự vênh nhau trong xét duyệt về dự án thủy điện và trồng rừng. Hiện Bộ đang khắc phục vấn đề này và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng, nghiêm túc.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương thống nhất là nếu doanh nghiệp nào theo thời hạn không thực hiện sẽ rút giấy phép hoạt động.

Đề cập đến biện pháp giải quyết các trường hợp chưa thực hiện các phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hôm 12/10 gồm 3 phương án, trong đó đáng chú ý là đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện do trách nhiệm và khuyết điểm của chủ dự án sẽ xử lý bằng cách tạm thời ngừng và rút giấy phép hoạt động điện lực cho đến khi khắc phục được tình trạng này.

Hai năm nay khi được Quốc hội quan tâm, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì đã có chuyển biến tích cực rất nhiều. Hết năm 2015 việc trồng thay thế rừng đã lấy làm thủy điện có thể đạt được kế hoạch đặt ra.

“Một lần nữa báo cáo với Quốc hội thực hiện tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, các địa phương, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc quyết liệt hơn, làm nghiêm túc hơn và tôi tin là tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn.

Bên cạnh rừng thay thế cho thủy điện còn phải trồng 20.715 ha mà các doanh nghiệp đã lấy để phục vụ các mục đích khác không phải thủy điện, ngoài ra lấy rừng để làm cơ sở hạ tầng 25.872 ha, giờ ngân sách cũng phải bỏ tiền ra để trồng bù” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Xin QH được siết chặt quản lý thuốc BVTV

Nhận thấy trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chưa hài lòng nên tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát về trách nhiệm quản lý ngành đối với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

ĐB Tuyết cho rằng, đại đa số doanh nghiệp thuốc BVTV đề nghị bỏ Mục b Khoản 5 Điều 5 của Thông tư 21 quy định chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV.

Về băn khoăn này, người đứng đầu ngành NN-PTNT báo cáo, trước khi Thông tư 21 được ban hành thì ở Việt Nam đã cho lưu hành 4.100 tên thuốc BVTV với 1.700 hoạt chất.

18-11-04_db-nguyen-vn-tuyet-don-b-ri-vung-tu
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Vũng Tàu) đề nghị bỏ Mục b Khoản 5 Điều 5 của Thông tư 21 quy định chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV

“Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá, bà con nông dân gặp khó khăn, cán bộ quản lý cũng gặp khó khăn khi chọn thuốc phòng trừ bệnh hại.

Con số 4.100 này cũng có nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng có rất nhiều loại thuốc khác nhau và nhiều khi thì hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút.

Tên thì đặt không phải là tiếng Việt, phần lớn tên ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ. Vì thế để chấn chỉnh lại, chúng tôi chủ trương phải siết chặt và trong siết chặt có việc quy định về việc đăng ký những tên thuốc” – Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trong thông tư này quy định mỗi một tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất thuốc kỹ thuật và thuốc thành phẩm.

Điều đó cũng có nghĩa có nhiều doanh nghiệp có thể đăng ký nhiều tên cho cùng một loại hoạt chất và một loại thuốc, như thế đã nhiều. Bây giờ thoải mái chỉ sợ làm rối loạn và khó khăn cho nông dân và khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Cũng có tình trạng các doanh nghiệp chỉ thay đổi một chút, có khi cùng một hoạt chất, hàm lượng nhưng thay thêm cái này, cái kia vào lại đổi tên. Có trường hợp thuốc bị xuống cấp lại đổi tên.

Dĩ nhiên, trước khi ban hành theo đúng quy định của luật pháp, Bộ NN-PTNT đã thảo luận lấy ý kiến, bây giờ cũng còn biên bản của các cuộc họp, nên những ý kiến phản hồi như đại biểu đã nêu và 40 doanh nghiệp cũng chưa phải là đa số.

“Báo cáo ĐB Tuyết và Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, xem xét kỹ ý kiến của các doanh nghiệp. Nhưng siết chặt quản lý thuốc BVTV chính là đảm bảo lợi ích của người dân, nhất là hàng triệu bà con nông dân. Điều này có liên quan rất lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người dân gặp khó khăn trong việc chọn lựa thuốc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngay cả cho phép rồi cũng phải sử dụng 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”.

Ngày 17/11, Quốc hội tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...