| Hotline: 0983.970.780

Thôn bên bờ Hiền Lương

Thứ Ba 30/04/2024 , 09:26 (GMT+7)

Thôn Hiền Lương (xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) có 173 nóc nhà, với trên 700 nhân khẩu. Gần 100 năm đã qua, thôn chung tên với cây cầu bắc qua dòng sông Bến Hải.

Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải. Ảnh: Tùng Đinh.

Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải. Ảnh: Tùng Đinh.

"Để đi đến hai đầu cầu, chúng ta phải mất 21 năm đằng đẵng", lão nông Đinh Như Đăng buột miệng thốt ra câu nói ví von đầy hình tượng, bóng bẩy. Trong giây lát, chúng tôi đều im lặng. Ngoài kia, lúc này, có lẽ cây cầu Hiền Lương bóng đã đổ dài về phía biển, vì trời đã chuyển sang chiều. Sông Bến Hải, như hàng vạn con sông khác trên đất Việt, vẫn miệt mài đổ ra biển, tự ngàn năm...

21 năm, lịch sử mới đi hết một cây cầu

Khi bắt đầu chạm "đất thép" Vĩnh Linh, cửa ngõ Quảng Trị, những ca từ da diết của bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” bất chợt ngân lên trong tôi như từ trong sâu thẳm. Mà có lẽ, đã từ rất lâu, khi còn trên ghế nhà trường, những địa danh “cầu Hiền Lương”, “vĩ tuyến 17” đã ghim vào trong thẳm sâu mỗi người con đất Việt qua những trang sử, qua những bài hát, thước phim… Rồi theo năm tháng, nó lớn dần thành một sự hối thúc, ước mong một lần trong đời được đặt chân đến Vĩ tuyến 17, được tận tay chạm lên vạch sơn phân cách in trên thành cầu.

Để xóa được vạch sơn phân cách ấy, thời gian tính bằng hơn hai thập kỷ. 21 năm (1954 - 1975), nó dài bằng thanh xuân một đời người. Để giành được nó, chúng ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt. Cả dân tộc lên đường chống đế quốc Mỹ…

Lão nông Đinh Như Đăng đánh độc chiếc quần đùi, xoay trần cặm cụi gác những cây sào tre bánh tẻ chồng lên nhau làm giàn phơi mẻ miến gạo vừa ra lò. Nắng đầu hè nhưng đã nóng giòn, mảnh sân lát gạch nhà ông, đi chân đất thấy bỏng rát như đứng trên mẻ cát vừa rang giòn trong chảo gang bắc trên bếp củi, đợi nổ bỏng ngô. Những sào miến chạy dài, sợi miến quắt lại, rắn đanh, thơm lừng mùi nắng mới. Mẻ miến phơi từ sáng, no nắng, mới sang chiều mà đã được thu.

Lão nông Đinh Như Đăng, người giữ sử làng của thôn Hiền Lương bên cây cầu huyền thoại. Ảnh: Kiên Trung.

Lão nông Đinh Như Đăng, người giữ sử làng của thôn Hiền Lương bên cây cầu huyền thoại. Ảnh: Kiên Trung.

Dường như, bao nhiêu sự ẩm ướt của sợi miến đã chuyển hết sang người ông Đăng, thành những vạt mồ hôi chảy thành dòng, ướt sũng cạp quần ông đang mặc. Mấy cô gái thoăn thoắt ra thu miến vào hiên nhà, đóng gói chờ xuất xưởng…

Có khách tới thăm, ông lão 71 tuổi gác việc, vào nhà khoác vội chiếc áo kẻ cộc tay màu tím nhạt. Trùm lên người ông là làn da rắn rỏi ánh lên màu đồng, thứ màu của những dãi dầu, cần lao.

Thôn Hiền Lương (xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) có 173 nóc nhà, với trên 700 nhân khẩu. Gia đình ông Đăng là một trong số đó. Bao năm qua thôn có chung tên với cây cầu huyền thoại, nằm ở bờ Bắc sông Bến Hải. Phía bên kia, thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải, huyện Gio Linh), bờ Nam giới tuyến, theo Hiệp định Geneve ký kết tháng 7/1954, Vĩ tuyến 17 làm cột mốc phân chia, lấy nhịp giữa của cây cầu làm lằn ranh lịch sử.

“Cây cầu có chiều dài gần 200 thước, nếu đi bộ có chậm cũng hết chừng 10 phút, thế nhưng nó lại là cây cầu “dài” nhất lịch sử. Để đi đến hai đầu cầu chúng ta phải mất 21 năm đằng đẵng”, ông Đăng mở đầu câu chuyện bằng câu nói ví von đầy hình tượng. Lịch sử gói tròn trong câu nói của một lão nông. Thật thấm thía!

Cầu Hiền Lương - cây cầu mang tên Khát Vọng! Ảnh: Kiên Trung.

Cầu Hiền Lương - cây cầu mang tên Khát Vọng! Ảnh: Kiên Trung.

Hiền Lương - cái tên đẹp đẽ hướng người đời tới sự thiên lương, hướng thiện, là một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi nằm hiền lành bên bờ sông Bến Hải. Nó sẽ như bao làng quê khác ven sông, với những bãi bồi, nương dâu, hoa màu trù phú… Nhưng, lịch sử đã chọn Hiền Lương là một dấu mốc, chọn Vĩ tuyến 17 là một lằn ranh; chọn nhịp giữa của cây cầu bắc qua sông là vạch kẻ, và giao phó cho con sông Bến Hải một nhiệm vụ nặng nề.

Trên bản đồ hành chính, thôn Hiền Lương nằm ngay khúc cua ngã ba sông: dòng Bến Hải chụm với dòng Sa Lung thành một trước khi đổ ra biển, mạn Cửa Tùng.

“Trong hương ước, làng có tên Minh Lương. Đến thời vua Minh Mạng, vì phạm húy với tên vua nên làng phải cải “Minh” thành “Hiền”, nhưng tên nào cũng đẹp, cũng nhiều ý nghĩa và khát vọng. Dòng họ Đinh là một trong số những dòng họ đầu tiên đến khai khẩn, mở làng lập ấp”, ông Đăng chậm rãi giải thích.

Hai màu sơn xanh - vàng được tái dựng như thời kỳ cây cầu được chọn làm mốc giới...

Hai màu sơn xanh - vàng được tái dựng như thời kỳ cây cầu được chọn làm mốc giới...

... để phân chia hai miền Nam - Bắc hai bên giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

... để phân chia hai miền Nam - Bắc hai bên giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

Trong lịch sử, địa danh xã Hiền Thành có cây cầu Hiền Lương lịch sử đã nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới. Trước khi có Hiệp định Geneve ký kết vào tháng 7/1954 lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, không phải là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, hai bên tiến hành chuyển quân tập kết để sau 2 năm (tháng 7/1956) sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, Hiền Lương thuộc xã Vĩnh Hiền.

Thực hiện điều khoản của Hiệp định, xã Vĩnh Hiền tách ra thành ba xã, gồm Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa và Vĩnh Thành. Xã Vĩnh Thành được thành lập gồm 1/3 làng Công Liêm Tây, Tân Trại Thượng, Liêm Công Phương và Hiền Lương thuộc khu phi quân sự phía Bắc sông Bến Hải - cầu Hiền Lương.

Ngày 1/8/1954, tiếng súng chiến tranh ngừng nổ trên đất Vĩnh Linh. Ngày 25/8/1954, tên thực dân Pháp cuối cùng lủi thủi rút sang bên kia cầu Hiền Lương vào Nam trước khi cuốn gói về nước, thôn xóm Hiền Lương trở lại yên bình. Trong suốt kháng chiến chống Mỹ, Hiền Lương là điểm tiền đồn. Hòa bình lập lại, tên xã Vĩnh Hiền vẫn được giữ.

Chủ tịch xã Hiền Thành Lê Văn Kiêm giới thiệu sơ bộ về lịch sử quê hương. Ảnh: Võ Dũng.

Chủ tịch xã Hiền Thành Lê Văn Kiêm giới thiệu sơ bộ về lịch sử quê hương. Ảnh: Võ Dũng.

Cho tới ngày 1/1/2020, thực hiện Nghị quyết 832 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của hai xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành thành xã Hiền Thành.

Xã Hiền Thành (mới) được chia thành 10 thôn: Liêm Công Phường, Liêm Công Tây, Liêm Công Đông, Tân Trại Thượng, Phúc Đức, Hòa Bình, Tân Trường, Tân An, Thái Mỹ, và cái tên Hiền Lương vẫn được giữ nguyên.

Chủ tịch xã Hiền Thành Lê Văn Kiêm vắn tắt những thông tin cơ bản. Trong số các thôn xóm của Hiền Thành, Hiền Lương là thôn thuần nông, chủ yếu canh tác nông nghiệp, trồng hoa màu. Xã đang có chủ trương phát triển dự án nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 70ha, thực hiện nuôi đa canh, trong đó Hiền Lương có 30ha nuôi trồng.

Đi trên miền quê có cái tên rất mực thân thương, Hiền Lương, những đổi thay đã nhìn thấy rõ. Đường thôn, ngõ xóm rải bê-tông phong quang, rộng rãi. Hai bên đường, những hàng hoa trổ bông, khoe sắc. Sắc thắm của hoa dường như vợi bớt những nhọc nhằn của vùng quê nắng gió…

Hiền Lương hôm nay đã mỗi ngày một thay da đổi thịt.

Hiền Lương hôm nay đã mỗi ngày một thay da đổi thịt.

Đường thôn, ngõ xóm thênh thang, Hiền Lương lớn lên cùng đất nước mỗi ngày. Ảnh: Võ Dũng.

Đường thôn, ngõ xóm thênh thang, Hiền Lương lớn lên cùng đất nước mỗi ngày. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Đinh Như Trường, trưởng thôn Hiền Lương, cứ rủ rỉ nói về những đổi thay của mảnh đất quê mình: Hiền Lương là thôn đầu tiên có nhà văn hóa hai tầng khang trang; điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng, là thôn kiểu mẫu của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Khu di tích lịch sử Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải sừng sững trên quê hương ông, nhắc nhớ về một thời hoa lửa...

Những cảm xúc ấy, phải đặt chân lên vùng đất, trò chuyện với những con người, bạn mới thấm thía, thấu hiểu về những mất mát, hy sinh… của thời kỳ đất nước chia cắt hơn 2 thập kỷ.

Chứng nhân lịch sử

Nếu như cây cầu Long Biên sừng sững bắc qua sông Hồng trường tồn theo năm tháng vùng bắc Việt, thì trên dải đất miền Trung, có cầu Hiền Lương.

Ngược dòng lịch sử, sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: Thời vua Minh Mạng, việc giao thương đi lại chỉ được thực hiện bằng những chuyến đò. Phải tới tận năm 1928, trong nỗ lực “nối đôi bờ”, từ phía Bắc, phủ Vĩnh Linh khi đó mới huy động hàng ngàn nhân công địa phương dựng cầu. Sau một thời gian ngắn, Hiền Lương chính thức được hình thành với chiều rộng 2m, đóng bằng cọc sắt và chỉ dành cho người đi bộ. Năm 1952, Pháp cho xây lại cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, rộng 4m, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa 18 tấn.

Cây cầu nối hai bờ vui. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây cầu nối hai bờ vui. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Hiệp định Geneve, một vùng phi quân sự trên Vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải (Quảng Trị, Việt Nam) chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt - Lào sẽ trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam - Bắc. Khi đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng bị chia thành hai phần thuộc về hai miền và được sơn hai màu: nửa cầu thuộc miền Nam (bờ Nam) sơn màu vàng, nửa cầu thuộc miền Bắc (bờ Bắc) sơn màu xanh, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm.

Sau khi bị đánh sập bởi bom Mỹ vào năm 1967, cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” về sự chia cắt đất nước thành 2 miền Bắc - Nam. Từ năm 2001 - 2008, nhằm bảo tồn chứng tích lịch sử cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị đã cho phục dựng cầu dựa theo bản thiết kế chiếc cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m. Đặc biệt, lan can cầu còn được sơn 2 màu xanh, vàng nhằm mô tả chiếc cầu Hiền Lương trong thời kỳ chia cắt.

Theo quy định của Hiệp định Geneve, dọc đôi bờ sông Bến Hải (sông giới tuyến) có 4 đồn công an. Bờ Bắc sông có đồn công an Hiền Lương và Cửa Tùng, bờ Nam sông là đồn công an Xuân Hòa và Cát Sơn. Mỗi đồn bố trí khoảng 20 người, trang bị súng ngắn và tiểu liên bộ binh làm nhiệm vụ giữ gìn quy chế vùng phi quân sự, kiểm soát người qua lại giới tuyến, kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi các điều khoản của Hiệp định và được đặt dưới sự giám sát của tổ chức Quốc tế 76 (gồm đại diện các nước Canada, Ấn Ðộ, Ba Lan).

Điểm chính giữa của cây cầu là vạch sơn phân cách tạm thời của hai miền theo Hiệp định Geneve. Ảnh: Kiên Trung.

Điểm chính giữa của cây cầu là vạch sơn phân cách tạm thời của hai miền theo Hiệp định Geneve. Ảnh: Kiên Trung.

Tượng đài người mẹ dắt con đứng bên bờ Nam dõi nhìn về bờ Bắc, bên kia giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

Tượng đài người mẹ dắt con đứng bên bờ Nam dõi nhìn về bờ Bắc, bên kia giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

Mỗi ngày, lực lượng thực thi hai bên cầu phải ghi lại nhật trình của ngày hôm đó, làm tài liệu lưu. Những cứ liệu ấy hiện đang lưu giữ tại Nhà truyền thống bên bờ Bắc sông Bến Hải.

Năm 1967, hai đồn ở bờ Nam sông đã bị bom Mỹ phá hủy. Hai đồn ở bờ Bắc sông vẫn còn nhưng do bị xuống cấp nên đã được tỉnh Quảng Trị cho phục dựng theo nguyên mẫu trước đây.

Đồn công an Hiền Lương nằm sát mố cầu ở bờ bắc xã Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành). Công trình gồm 3 khu nhà tạo thành hình chữ V. Khu nhà A (Nhà liên hiệp) được xây dựng theo cấu trúc nhà sàn, mái lợp ngói, có lắp đặt hệ thống cửa kính. Đây từng là nơi hội họp và tiếp các đoàn khách. Khu nhà B có kích thước 10m x 5m làm bằng gỗ, mái lợp tranh, là nơi ở của các chiến sĩ công an giới tuyến. Khu nhà C với kích thước 12m x 4m, dùng làm kho hậu cần, nhà ăn.

Cột cờ bên bờ Bắc sông Bến Hải. Ảnh: Tùng Đinh.

Cột cờ bên bờ Bắc sông Bến Hải. Ảnh: Tùng Đinh.

Điểm nhấn trong Cụm di tích lịch sử Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải là cột cờ Hiền Lương. Giai đoạn 1954 - 1967, nơi đây đã diễn ra những cuộc chiến không tiếng súng, nhưng quyết liệt, cam go, dai dẳng, bởi đó đều là những cuộc đấu trí. Đó là trận chiến “chọi cờ” - hay còn gọi đấu cờ, hai bên đua nhau dựng cột cờ, giành nhau không để bên kia cao hơn bên này. Bên bờ Bắc, tại khu vực đồn công an Hiền Lương, cột cờ được làm bằng thép ống, dựng vào năm 1962, cao 38,6m. Trên đỉnh cột cờ có lá cờ kích thước 9,6m x 4m. Cột cờ bên bờ Nam không theo được.

Cột cờ hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây. Cột cờ cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau. Trên đỉnh gắn lá cờ sao vàng năm cánh; thân cột gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang. Cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ.

Tái hiện hệ thống loa phát thanh bên bờ Bắc Hiền Lương.

Tái hiện hệ thống loa phát thanh bên bờ Bắc Hiền Lương.

Trong những năm tháng chia cắt, hệ thống loa này là nơi phát đi những thông điệp để những người dân hai bờ không bao giờ 'xa mặt, cách lòng'.

Trong những năm tháng chia cắt, hệ thống loa này là nơi phát đi những thông điệp để những người dân hai bờ không bao giờ "xa mặt, cách lòng".

Cầu Hiền Lương nhìn từ rặng tre bên bờ Bắc. Ảnh: Kiên Trung.

Cầu Hiền Lương nhìn từ rặng tre bên bờ Bắc. Ảnh: Kiên Trung.

Nhiều tấm gương giữ cờ khiến ai cũng phải cảm phục, như mẹ Nguyễn Thị Diệm, dù tuổi già sức yếu nhưng không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ. Bất chấp mưa gió, bão giông, bom đạn, chưa bao giờ lá cờ đỏ sao vàng vắng bóng trên cột cờ Hiền Lương.

Nhằm mô phỏng vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17 trước đây cũng như xây dựng điểm đến tìm hiểu lịch sử, Quảng Trị đã cho xây dựng công trình Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ bắc sông Bến Hải.

Đặc biệt tại đây còn lưu giữ phiên bản phục chế loa phóng thanh công suất 500W do Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng ở bờ Bắc trước đây. Nơi đây gần 50 năm trước đã diễn ra những cuộc “đấu loa” ở đôi bờ sông Bến Hải, giai đoạn 1954 - 1965. Cứ ở bờ sông bên này bố trí giàn loa phóng thanh có công suất lớn nhằm phát những thông điệp chính trị nhắm vào phe đối lập thì ở bờ sông bên kia lại bố trí giàn loa phóng thanh công suất lớn hơn đáp trả lại. Cuối cùng, giàn loa phóng thanh ở bờ Bắc với đường kính mỗi vành loa 1,7m, công suất 500W, được đặt trên xe lưu động phát đi những thông điệp khiến địch khiếp vía. Khi thuận chiều gió, âm thanh của giàn loa có thể truyền xa 10km.

Cầu Hiền Lương nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Cầu Hiền Lương nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” nằm ở bờ Nam, thuộc xã Trung Hải được xây dựng trên diện tích 2.700m², gồm hai phần: phần đế được ghép từ nhiều khối đá có kích cỡ khác nhau trang trí phù điêu. Phần tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa với bố cục phía trước là tượng đài người mẹ (cao 7,70m), em bé (cao 5,50m) đứng sát nhau, tái hiện hình tượng người vợ và người con ở phía Nam đang đau đáu nhìn về phía Bắc khi họ không thể qua sông gặp chồng, cha và người thân trong những năm tháng đất nước bị chia cắt. Phía sau là cụm tượng, hình ảnh những chiếc lá dừa nước - biểu tượng của vùng đất phía Nam.

Còn có một “di tích” vô cùng đặc biệt ở Vĩnh Linh, đó chính là dòng sông Bến Hải. Con sông oằn mình hứng chịu bom đạn; con sông chứng tích những cuộc chia ly, con sông chở những chuyến đò ngày ngày đưa bộ đội vượt sông, tiêu diệt quân thù; con sông chứng kiến những chia ly, hạnh ngộ…

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình dài gần 100km, dọc theo Vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng.

Nhịp cầu đầu tiên của cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Bắc. Ảnh: Kiên Trung.

Nhịp cầu đầu tiên của cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Bắc. Ảnh: Kiên Trung.

Những bến đò dọc sông, như Cửa Tùng (bến đò A), Tùng Luật (bến đò B), Lũy (bến đò C), Thượng Đông và Dục Đức, trong chiến tranh cũng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng giành độc lập, thống nhất đất nước. Năm 1996, các bến đò này đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Còn cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Di tích cấp quốc gia năm 1986) hiện là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Hiếm có nơi nào trên thế giới mà cuộc chiến tranh đã diễn ra gay go, quyết liệt, dưới nhiều hình thức như cuộc chiến trên cầu Hiền Lương và bên bờ Hiền Lương. Một cuộc đấu tranh lúc bằng lý trí, khi thì bằng cả sự sống còn của thân phận con người dưới mưa bom, bão đạn. Một cuộc chiến đấu bằng mọi phương thức, thủ đoạn: đấu khẩu, đấu màu sơn cây cầu, đấu loa và đấu màu cờ 2 bên bờ Bến Hải. Một cuộc chiến âm thanh và màu sắc.

Những ngày đầu hạ tháng 4, trở về vùng đất lửa Quảng Trị, chúng tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Nguyễn Đình Thái (SN 1975) và vợ là Lê Thị Hòa (SN 1979). Anh chị ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã ròng rã một tháng cùng nhau trên chiếc xe máy đi dọc đất nước, ghé thăm các điểm di tích lịch sử, trong đó có Di tích Đôi bờ Hiền Lương.

Lần đầu tiên, vợ chồng anh Nguyễn Đình Thái được đặt chân lên cây cầu Hiền Lương.

Lần đầu tiên, vợ chồng anh Nguyễn Đình Thái được đặt chân lên cây cầu Hiền Lương.

Năm anh Thái ra đời, 1975, cũng là năm hai nhịp cầu được nối liền. Ảnh: Kiên Trung.

Năm anh Thái ra đời, 1975, cũng là năm hai nhịp cầu được nối liền. Ảnh: Kiên Trung.

Ở quê, anh Thái làm nghề chạy xe ôm. Chị Hòa, vợ anh phụ chồng những lúc anh bận rộn. Vợ chồng anh quyết tâm nghỉ làm một tháng thực hiện chuyến đi đã ấp ủ bao ngày.

Thong thả dắt tay vợ bước đi trên những tấm ván gỗ bắc trên cầu Hiền Lương đã ngả màu theo năm tháng, từ bờ Nam sang bờ Bắc. Vừa đi, anh Thái vừa giảng giải cho vợ về lịch sử của cây cầu huyền thoại, về những mất mát mà cả dân tộc đã hy sinh. Ngày anh ra đời, năm 1975, cũng là ngày đất nước giải phóng, thống nhất hai miền. Đó cũng là thời khắc vĩnh viễn xóa nhòa vạch vôi ngăn cách được kẻ giữa hai nhịp cầu, xẻ giữa tim sông Bến Hải…

Những người đang được đứng trên cầu Hiền Lương, được bình yên nhìn ngắm sóng nước lăn tăn đuổi nhau dưới chân cầu, đó là những người hạnh phúc, như tôi, như vợ chồng người nông dân ruổi xe máy đi dọc đất nước mà tình cờ tôi gặp.

Có những điều chỉ có dòng sông mới biết. Nhưng sông không nói. Sông chỉ hiền lành, miệt mài chảy ra biển, không ngừng…

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.