| Hotline: 0983.970.780

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Thứ Ba 30/04/2024 , 20:00 (GMT+7)

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Đàn cò trắng giữa vùng cát trắng khô cằn. Ảnh: Kiên Trung.

Đàn cò trắng giữa vùng cát trắng khô cằn. Ảnh: Kiên Trung.

Trên mảnh đất Quảng Trị, ngoài cát trắng, gió Lào, thứ nhiều nhất và cam go nhất, đó là hậu quả đạn bom để lại sau chiến tranh. Hàng chục năm qua, để có tư liệu sản xuất, người dân nơi đây bền bỉ, cặm cụi thu dọn chiến trường, nhặt từng mảnh bom, hòn đạn, biến những hố bom… thành ruộng đồng sản xuất.

Dọc con đường từ Hải Lăng tới Cửa Việt, xuôi thêm khoảng chục km đến Cửa Tùng, những đồng lúa đang bắt đầu đỏ đuôi, chờ ngày thu hoạch; những cồn cát trắng khô rát dưới nắng đầu hè, rừng phi lao đã bắt đầu lên xanh, khép tán chở che…

Sự sống đã hồi sinh, đang phủ khắp trên các địa danh của đất lửa Quảng Trị!

Lấp hố bom làm đồng ruộng

Cụ Vũ Đại Phong, chủ nhiệm đầu tiên của HTX Phương Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng) từ năm 1978, nay đã bước sang tuổi 80. Cụ cho biết, những tháng ngày sau hòa bình cũng cam go, ác liệt không kém những năm tháng thời chiến.

Cụ Vũ Đại Phong, chủ nhiệm đầu tiên của HTX Phương Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng). Ảnh: Kiên Trung. 

Cụ Vũ Đại Phong, chủ nhiệm đầu tiên của HTX Phương Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng). Ảnh: Kiên Trung. 

Quê hương đã sạch bóng thù, không còn những cột khói bốc lên thiêu rụi cả một ngôi làng khi giặc Mỹ rót bom tàn phá; không còn những tiếng kêu khóc xé lòng của những vụ sập hầm, có những gia đình bị chết cả nhà, không tìm thấy xác… Nhưng, vẫn còn đó những tiếng nổ, vẫn còn chết chóc, thương vong… do đạn bom để lại sau chiến tranh.

“Sau chiến tranh, cả làng quê Phương Lang, cả xã Hải Ba và nhiều vùng quê khác trên khắp tỉnh Quảng Trị, nơi đâu cũng tiêu điều, xơ xác. Bom đạn giăng khắp cánh đồng, trong làng, trong rú; đi ra đường cũng vấp phải bom; lội sông, lội suối, lên rừng bẻ củi… cũng thấy bom. Bom trên mặt đất, bom dưới lòng kênh, mương máng, bom chôn dưới ruộng đồng…

Việc đầu tiên khi bà con rời bỏ những ấp chiến lược thời Mỹ - Ngụy dồn dân, lập ấp để về làng cũ, đó là thu dọn những xác bom đạn ngổn ngang sót lại để lấy chỗ ở. Trên ruộng đồng, công cuộc dài hơi cũng là thu dọn xác bom mìn.

Nhiệm vụ của các xã viên HTX Phương Hải khi đó, là dọn dẹp chiến trường lấy mặt bằng sản xuất. HTX có 1.264 xã viên, cụ Phong chia thành các tổ tỏa đi khắp các cánh đồng để lấp hố bom. Sau mỗi ngày lao động, các tổ tự chấm điểm cho nhau dựa theo các tiêu chí công sức làm việc, ngày công đóng góp… chấm thành công điểm, một công điểm tương đương với 3 lạng thóc.

Mảnh đất bão lửa, mưa bom Quảng Trị năm xưa mỗi ngày một hồi sinh, thay đổi... Ảnh: Kiên Trung.

Mảnh đất bão lửa, mưa bom Quảng Trị năm xưa mỗi ngày một hồi sinh, thay đổi... Ảnh: Kiên Trung.

“Mình đang xây dựng HTX xã hội chủ nghĩa nên chấm công điểm phải đảm bảo nuôi sống cả gia đình, nghĩa là tính theo cả số lượng nhân khẩu. Nhà có 11 người, không thể chỉ tính công điểm cho hai người lớn là lao động chính, trực tiếp tham gia. Phải làm sao để đàn con cũng có cơm để ăn, áo để mặc…

Chế độ ta là chế độ nhân đạo nên đã thu nạp cả những người trước kia lầm lỡ theo phe bên kia. Chính sách là vậy nhưng tôi vẫn nói với họ: các anh trước kia gieo rắc bom đạn cho quê hương, thì bây giờ các anh phải có trách nhiệm dọn dẹp, làm sạch chúng, không để tàn dư trên những làng quê…

Thế mà, phải mất 10 năm, từ năm 1978 đến 1988, HTX mới cơ bản có được vùng canh tác ổn định, mỗi năm cố gắng mở rộng thêm diện tích đất sản xuất”, cụ Phong nhớ lại.

Vừa dọn bom mìn vừa sản xuất, cách thức canh tác khi ấy là chế tạo những lưỡi cày, lưỡi cuốc ngắn, hẹp để đường cày, nhát cuốc mỏng, không chạm sâu xuống dưới để tranh chạm bom. Bom bi, địch rải dày đặc trên mặt như những củ khoai. Đang cày, nghe tiếng kim loại khẽ chạm nhau khô khốc, tựa như đang nhai miếng cơm thì vấp phải hạt sạn, thế là phải dừng cày, nhấc qua. Đường cày vì thế mà lỏi. Năng suất lúa, hoa màu thời kỳ này do đó cũng không cao, bởi vừa làm vừa nhè bom, không dám cày sâu, cuốc bẫm…

Năm tiếp năm, tháng tiếp tháng, diện tích canh tác mỗi ngày thêm mở rộng. Những khu vực dọn sạch bom mìn ngày càng tăng thêm, đồng nghĩa với cuộc sống mỗi ngày an toàn hơn, thanh bình hơn!

Ông Vũ Đức Bốn, Chủ tịch MTTQ xã Hải Ba, chỉ vị trí hầm chữ A trúng bom bị sập khiến mẹ và hai ông bà nội, ngoại của ông bị chết cùng một ngày. 

Ông Vũ Đức Bốn, Chủ tịch MTTQ xã Hải Ba, chỉ vị trí hầm chữ A trúng bom bị sập khiến mẹ và hai ông bà nội, ngoại của ông bị chết cùng một ngày. 

Chiến trường năm xưa giờ đây là trụ sở UBND xã Hải Ba. Ảnh: Kiên Trung.

Chiến trường năm xưa giờ đây là trụ sở UBND xã Hải Ba. Ảnh: Kiên Trung.

Trước khi làm chủ nhiệm HTX, cụ Phong là lính tù Phú Quốc, bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo. “Khi đó, tôi là học sinh miền Nam tham gia phong trào học sinh sinh viên yêu nước, bị bắt vào năm 1966 vì rải truyền đơn. Năm 1967, địch đưa ra giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, 2 năm sau thì chuyển về khám Chí Hòa (Huế). Năm 1972 tôi vượt ngục, về quê tiếp tục tham gia kháng chiến và lại tiếp tục bị bắt…

Đất nước Thống nhất, toàn bộ tù chính trị bị địch giam giữ được trả tự do. Trở về quê hương sau phần lớn thời gian bị tù đày riết từ 1966 cho tới khi giải phóng, cụ Phong không tin vào những gì trải ra trước mắt, làng Phương Lang quê cụ “tan hoang hết cả, không còn một cái gì”, những hố bom toang hoác cày nát những cánh đồng.

Cũng đi qua cuộc chiến nhưng khi đó còn quá nhỏ, ông Vũ Đức Bốn, Chủ tịch MTTQ xã Hải Ba, vẫn ám ảnh vụ sập hầm khiến toàn bộ người thân trong gia đình ông bị chết, chỉ mình ông may mắn sống sót.

“Khi đó nhằm ngày 17/5/1972, địch rót roc-ket trúng căn hầm chữ A nơi gia đình tôi đang trú ẩn, gồm có hai ông bà ngoại, hai ông bà nội, mẹ và các anh em tôi. Tôi lúc đó hơn 6 tuổi. Ông bà nội, ông bà ngoại bị chết ngạt trong hầm. Mẹ tôi thấy nhà bị cháy, xót quá chạy ra khỏi hầm đòi dập lửa thì trúng bom, chết ngay trên miệng hầm. Tôi cũng sắp chết ngạt vì khói thì được ông bác chạy tới kéo ra, may mắn thoát chết”, ông Bốn nhớ lại câu chuyện đau thương.

Vùng cát trắng Hải Lăng. Ảnh: Võ Dũng.

Vùng cát trắng Hải Lăng. Ảnh: Võ Dũng.

Dẫn tôi ra phía sau trụ sở UBND xã Hải Ba, trỏ tay chỉ khu đất giờ một phần đã láng xi-măng, phần còn lại xanh cây lá, ông Bốn bảo: ngày trước, chỗ này chính là đất của hai ông bà nội, ngoại của tôi. Căn hầm bị trúng bom ở phía sau Trạm y tế xã, nơi mẹ tôi trúng bom rồi chết. Sau đợt dội bom đó một ngày thì trên có chủ trương đưa dân tản cư ra vùng hậu chiến.

Nói về những ngày đầu thời hậu chiến, ông Bốn cho hay: Sau hòa bình, nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau chiến tranh rất bộn bề vì cả tỉnh Quảng Trị là chiến trường trọng điểm. Thời kỳ đó dân đói, ai cũng khó khăn, chật vật. Người dân bảo nhau đi cưa bom lấy thuốc nổ để chế thành mìn đánh cá. Nhiều người chết vì đang cưa bom thì bom phát nổ; người mất chân, mất tay… nhiều không kể. Sân bay Ái Tử, bến tàu…, bà con ra đó nhặt bom, vỏ đạn bán phế liệu. Ban đầu còn nhiều chỉ cần đi nhặt, sau ít đi, phải đi tìm, đi mót, rồi ngụp lặn mò dưới sông, dưới biển…

Giai đoạn đầu những năm 2000, cả vùng Vĩnh Linh, Do Linh, Hải Linh…, phong trào rà bom mìn lấy phế liệu đem bán lan rộng. Người người đua nhau đi nhặt phế liệu. Đó cũng lại là một quãng thời gian dài của những tang thương, tai nạn vì bom phát nổ. Bản thân ông Bốn khi đó chưa công tác ở xã cũng tham gia đội quân rà bom mìn về bán phế liệu.

“Cái máy rà tự chế thì cùi bắp, lại không biết kỹ thuật, thao tác tháo bom, triệt tiêu ngòi nổ…, thế mà vẫn liều lĩnh chân đất khắp các cánh đồng, bờ bụi để rà phế liệu. Lần trúng mánh, rà được cả hầm chứa vỏ bom khi trước người ta đã tháo bỏ lấy thuốc nổ chế mìn đánh cá bỏ lại, nhặt được vài ba tạ phế liệu. Dân các huyện, các xã khác kéo tới Hải Ba rà phế liệu cũng nhiều. Các điểm thu mua phế liệu… bom mìn mọc lên nhiều như nấm. Nhiều tai nạn, thương vong xảy ra, mỗi năm có hàng chục vụ chết người, cụt chân cụt tay vì cưa bom, phá bom… Cho đến khi tỉnh ban hành lệnh cấm, phong trào đó mới hết. Thời đó quả là liều lĩnh, vì nghèo đói, thiếu hiểu biết mà làm liều”, ông Bốn kể lại vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng.

Đạp lên bom đạn để sống

Chưa có số liệu thống kê số lượng bom mìn còn sót lại ở Quảng Trị, song các chiến dịch, trận đánh lớn như Đường 9 - Khe Sanh, Thành Cổ, Làng Vây, Cồn Tiên, Dốc Miếu... Mỹ - Ngụy đã dội xuống mảnh đất này một khối lượng bom đạn khổng lồ. Chỉ tính riêng dọc hai bên sông Bến Hải đã có hơn một triệu tấn bom đạn địch dội xuống; thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã phải hứng chịu hàng trăm nghìn tấn bom đạn…

Rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.

Rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.

Sau chiến tranh, Quảng Trị có 391.500/461.297ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại, chiếm gần 84% diện tích. Năm 2012, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị làm một phép tính: nếu bình quân mỗi năm rà khoảng 2.300-2.500ha thì phải mất hơn 165 năm mới hoàn thành việc rà phá hết diện tích bị vướng bom mìn, vật liệu nổ (khoảng 385.000ha).

Những tác động của bom mìn, vật nổ anh hưởng đến mọi lĩnh vực của Quảng Trị: phát triển kinh tế - xã hội, môi sinh môi trường, nguồn nước, sức khỏe và đặc biệt là số người chết, tàn tật do bom mìn, vật nổ gây ra lên đến hàng nghìn người…

Ngay từ năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài luôn nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn và thương vong gây ra bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Lúa mượt đồng trên vùng đất Hải Lăng. Ảnh: Kiên Trung.

Lúa mượt đồng trên vùng đất Hải Lăng. Ảnh: Kiên Trung.

Khó khăn nhất trong công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ… là nguồn kinh phí, trang thiết bị, phương tiện rà phá, xử lý bom, mìn, vật nổ của các lực lượng còn thiếu và lạc hậu. Nếu tính bình quân, chi phí 30 triệu đồng/ha cho công việc rà phá bom mìn, Quảng Trị cần tới 11.550 tỷ đồng - một khoản kinh phí rất lớn để dọn dẹp hậu quả của chiến tranh, nhưng không thể không làm!

Chủ tịch xã Hải Ba Lê Xuân Trường cho biết, mỗi năm là một cố gắng, mỗi năm là một chắt chiu, từ giai đoạn xã viên HTX Phương Hải của cụ Phong làm chủ nhiệm đi nhặt từng mảnh bom, gắp từng vỏ đạn, lấp từng hố bom…, sau gần 50 năm, Hải Ba đã ổn định diện tích canh tác 1.114ha, trong đó có trên 760ha đất lúa, gần 340ha đất màu; hàng trăm ha đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản… Nền nông nghiệp đa canh, ứng dụng khoa học công nghệ đang từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những ngày giữa tháng 4. Hạ chớm sang trên mảnh đất lửa nhưng cái nắng cũng đủ để thử thách những người khách lạ. Ông Vũ Đức Bốn chặc lưỡi: “Chưa ăn nhằm mô. Đến lúc có gió Lào mới biết mặt nhau” - ấy là ông nói về những khắc nghiệt đặc thù của khí hậu trên mảnh đất khúc ruột miền Trung Quảng Trị. Những người bước qua thời kỳ mưa bom, bão đạn như cụ Phong, ông Bốn…, đã trải qua thời khắc giữa sống và chết, họ được tôi luyện nên có sự bình thản, điềm tĩnh đến lạ.

Rời ủy ban xã Hải Ba. Con đường liên huyện, hai bên lúa đã đỏ đầu bông, chỉ một, hai tuần tới sẽ cho thu hoạch. Lúa nặng cúi đầu!

Theo biển chỉ đường ra Cửa Việt, xe chúng tôi đi qua một vùng cát trắng. Ở vùng cát Quảng Trị, những vùng cát chạy dài, địa hình khá bằng phẳng, đôi lúc mới nhô lên một vài gò cát chứ không sừng sững như những triền cát ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Cát trắng, dưới ánh nắng trời càng trắng kỳ lạ, nó như là một thứ phản quang lại màu xanh của trời, mà càng nắng nỏ, nền trời càng trong xanh, gió càng lặng, những đám mây như đều bảo nhau đi trốn nắng ở một phương trời nào khác.

Cò trắng muốt trên mảnh đất Hải Lăng. Ảnh: Kiên Trung.

Cò trắng muốt trên mảnh đất Hải Lăng. Ảnh: Kiên Trung.

Đồng nghiệp đi cùng tôi, Võ Dũng, người miền Trung, bảo: “Vùng đất đầy cát trắng nhưng là cát mặn, anh à”. Tôi thoáng chút bối rồi chưa hiểu, Dũng tiếp: “Anh xem, cả thảm rừng trồng chắn cát trước mặt, nhìn khẳng khiu vậy nhưng tuổi đời đã vài chục năm mới được những thân cây to cỡ cổ chân, cao vài ba mét. Để có được những khoảng xanh này, phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức của người dân bản địa. Vì thế mà người vùng cát còn gọi những vùng cát trắng này là cát mặn…”.

Trước mắt chúng tôi, vùng cát trải dài mênh mông. Những vệt bánh xe còn hằn nguyên hai hàng bánh in trên cát. Những bụi cây, trảng cỏ thưa thớt, không liên tục mà ngắt quãng, đúng như đặc điểm của những vùng bán hoang mạc, chỉ có sa-van, cây bụi và trảng cỏ…

Bất ngờ, giữa vùng khô cằn bất chợt xuất hiện một hồ nước nhỏ. Một bầy cò trắng ước vài chục con đang tranh nhau dầm đôi chân khẳng khiu trong làn nước. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt trên nền cát trắng, rồi trong chốc lát, chúng lại sà xuống, tiếp tục đằm chân dưới bùn…

Khi chim cò tìm về trú ngụ, đó là tín hiệu của một mảnh đất lành. Loài cò, diệc… có sự nhạy cảm bản năng do tạo hóa. Nó cũng giống như con người trên đất lửa, đạp lên bom đạn để sống, lấp hố bom, gắp vỏ đạn... để thành những cánh đồng mẫu lớn, biến mồ hôi thành những cánh rừng che phủ vùng cát trắng!

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Giáp pháp kỹ thuật nào giúp vận hành thủy điện, thủy lợi hiệu quả?

Hiện nay liên danh KIV - Weatherplus đã cung cấp các dịch vụ dự báo thời tiết có độ chính xác cao bằng việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại một số hồ chứa.