Singapore đã đình chỉ nhập khẩu lợn hơi từ hòn đảo này từ tháng trước sau khi dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện trong một số mẫu xác lợn. Đã có ghi nhận về việc Tiến sĩ Ir Nasrullah, Tổng Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp Indonesia, thông tin cho báo Antara rằng SFA đã “bày tỏ sẵn sàng nhập khẩu lợn từ đảo Bulan”.
Tiến sĩ Ir Nasrullah lưu ý việc xuất khẩu lợn hơi từ đảo Bulan vẫn tạm thời bị đình chỉ do phát hiện dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên ông khẳng định vẫn có thể xuất khẩu lợn sang quốc đảo này. “Singapore sẵn sàng thảo luận các biện pháp chính quyền Indonesia có thể thực hiện để tiếp tục xuất khẩu lợn hơi”, ông cho biết thêm.
Lợn hơi từ đảo Bulan chiếm khoảng 2/3 nguồn cung cấp thịt lợn mới giết mổ tới Singapore, và lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y nói với Antara rằng đảo Bulan là "nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất" sang Singapore.
Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 7/5, SFA đã bác bỏ tuyên bố trên và cho biết Singapore không cho phép nhập khẩu xác hoặc động vật đã giết mổ bị bệnh. “SFA chưa phê duyệt hoặc nhận được bất kỳ đơn đăng ký nào từ các lò mổ Indonesia về việc xuất khẩu xác lợn và thịt lợn sang Singapore. Các nhà chức trách Singapore sẽ chỉ xem xét các đơn đăng ký sau khi vấn đề dịch tả lợn Châu Phi được giải quyết".
Bộ trưởng cấp cao về Nhân lực, Tính bền vững và Môi trường, Tiến sĩ Koh Poh Koon, thông tin rằng các cuộc điều tra tại trang trại trên đảo Bulan đang được tiến hành. SFA một lần nữa đưa ra thông báo rằng tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đặc biệt thịt và các sản phẩm thịt chỉ có thể được nhập khẩu từ các nguồn được công nhận tuân thủ các yêu cầu của Singapore.
SFA cho biết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc đảo này dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Trải qua giai đoạn gián đoạn tạm thời, nguồn cung thịt lợn tươi của Singapore đã hoạt động trở lại với các lô hàng lợn hơi từ Sarawak của Malaysia.