| Hotline: 0983.970.780

Số ca ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300% trong 6 tháng đầu năm 2024

Thứ Sáu 19/07/2024 , 21:22 (GMT+7)

So với nửa đầu năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm nửa đầu năm 2024 chỉ nhiều hơn 6%, tuy nhiên, số người mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300%.

Quầy thịt tại một khu chợ tạm. Ảnh: ILRI. 

Quầy thịt tại một khu chợ tạm. Ảnh: ILRI. 

Số liệu được ông Lưu Đức Dụ, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin tại Cuộc họp lần 2 của Nhóm Công tác An toàn Thực phẩm Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) ngày 19/7. 

Theo đó, chỉ số về ngộ độc thực phẩm (số vụ ngộ đọc, số người chết) giai đoạn 2019 - 2023 so với 5 năm trước đó đã có chiều hướng tích cực hơn.

So với nửa đầu năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 4 vụ (hơn 6%) nhưng số ca mắc đã tăng từ 956 lên 2.942 ca (tăng 307,7%). Đặc biệt, có 9 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất làm 926 người mắc, tăng 807 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.

Trong đó, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ vi sinh vật và độc tố vi sinh vật như E. Coli, Salmonella, S.aureus, Bacillus cereus.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là rủi ro khó loại bỏ hoàn toàn, ngay cả ở những nước lớn và phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... hằng năm vẫn ghi nhận. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Một số địa phương còn gặp khó khăn về nhân lực và vật lực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Thị trường và điều kiện kinh tế xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến an toàn thực phẩm. Vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp áp dụng định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Đồng thời, nhận thức và ý thức của một số người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm vẫn chưa tốt. Tất cả những yếu tố này cùng góp phần tạo nên thách thức lớn trong việc kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tra nguyên nhân gây mất ATTP. Đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng, các yếu tố gây mất ATTP bao gồm yếu tố vi sinh vật, có thể xuất hiện ở bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, việc điều tra cần xác định tác nhân cụ thể và công đoạn cụ thể, từ con người, môi trường, dụng cụ chế biến, công tác bảo quản, đến các yếu tố phát sinh sau chế biến. Điều này giúp công tác đảm bảo ATTP có thể tiếp cận các biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong tương lai.

Bên cạnh sự vào cuộc của các Bộ, ngành, việc thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực ATTP cũng là một hướng đi điển hình và cần được nhân rộng.

TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á. Ảnh: OHP.

TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á. Ảnh: OHP.

TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á chia sẻ, ILRI cung cấp bằng chứng về tình hình ATTP và chuỗi giá trị thực phẩm truyền thống có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, ILRI cũng nỗ lực nâng cao năng lực đánh giá và truyền thông nguy cơ về ATTP, cũng như tăng cường các giải pháp can thiệp và ứng phó sớm. Nhóm công tác kỹ thuật về an toàn thực phẩm đóng vai trò là đầu mối giúp giải quyết các khía cạnh này.

Theo đại diện ILRI, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng (cung cấp 60% thịt lợn cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống). Hoạt động chăn nuôi hỗ trợ sinh kế cho hàng triệu nông hộ quy mô nhỏ và nông dân.

“Người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng thịt lợn ấm, chủ yếu được chăn nuôi tại các trang trại quy mô vừa và nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu, chúng ta cần đánh giá thực trạng và tìm cách hỗ trợ cho khu vực chăn nuôi nông hộ. Truyền thông là điều cần thiết để phía ILRI có thể đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chuỗi giá trị thịt lợn truyền thống và các chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật khác. Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho các chuỗi này trở nên an toàn hơn thông qua các can thiệp chi phí thấp mà không gây bất lợi cho sinh kế của nông dân cũng như đảm bảo người tiêu dùng được hưởng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật an toàn", ông Fred chia sẻ.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...