| Hotline: 0983.970.780

'Chia' chác' suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Phúc: [Bài 6] Nhiều cán bộ vô cảm!

Thứ Hai 08/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Công nhân liên tiếp bị ngộ độc tập thể. Thực phẩm không nguồn gốc vẫn vào bếp ăn công nghiệp hàng ngày. Biết rõ, nhưng nhiều cán bộ Sở, ngành đang tỏ ra vô cảm...

Vô cảm

Họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 2/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thường kỳ, có sự tham dự của nhiều Sở chuyên môn, đại diện các huyện, TP Vĩnh Yên. Trước câu hỏi của Báo Nông nghiệp Việt Nam, về việc: “Chợ tạm ngang nhiên chiếm trọn lòng đường, bày bán thực phẩm không rõ nguồn gốc một cách tràn lan, vì sao không có biện pháp?”,  nhiều cán bộ  Sở, ngành tỏ ra rất thản nhiên, vô cảm.

Đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phúc, nói: “Chợ tạm nhiều khi nó là cái văn hóa lâu nay, cũng khó”. Phó Chủ tịch TP Vĩnh Yên, phân trần: “Nhiều lúc thấy dân người ta khổ, ra bán mớ rau mớ cỏ, thế thôi chứ có gì đâu. Mưu sinh mà”.

Đó là những thứ ngụy biện, chẳng lẽ công nhân bán sức lao động trong khu công nghiệp, thì không mưu sinh? Phụ huynh vất vả đi làm, lo tiền ăn học cho con, thì không mưu sinh?

Công nhân không có lỗi, học sinh vô tội, song ai sẽ bảo vệ những con người này, khi họ bị ngộ độc thực phẩm vì phải ăn thức ăn không rõ nguồn gốc? 

Tiêu chuẩn VietGAP là bộ tiêu chuẩn quy định về các kỹ thuật sản xuất, môi trường làm việc, nguồn gốc sản phẩm và an toàn sản phẩm. Ảnh: ISSQ/Viện nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng.

Tiêu chuẩn VietGAP là bộ tiêu chuẩn quy định về các kỹ thuật sản xuất, môi trường làm việc, nguồn gốc sản phẩm và an toàn sản phẩm. Ảnh: ISSQ/Viện nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng.

Theo số liệu chúng tôi có được từ ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, sản lượng gạo, rau các loại của tỉnh này dự kiến ước đạt 100.000 tấn năm 2024. Số lượng bò, lợn khoảng 100.000 con, tổng đàn gia cầm 100 triệu con. Tương đương với đó là xấp xỉ 100.000 tấn thịt bò, lợn và gần 100.000 quả trứng, 100.000 lít sữa tươi, 100.000 tấn rau, chưa tính các loại như thanh long, lạc, chuối, đậu tương v.v.

Những con số trên, đa phần xuất xứ từ các trang trại, hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nghĩa là về lý thuyết, tỉnh Vĩnh Phúc đủ sức cung cấp thực phẩm sạch cho các khu công nghiệp, cho các trường học.

Tỉnh Vĩnh Phúc lâu nay hô hào phát triển nông nghiệp an toàn. Thế nhưng, bao nhiêu nông dân cặm cụi ngày đêm cho ra sản phẩm VietGAP, lại bị ‘ngó lơ’, không được tạo điều kiện về đầu ra. Tại sao không tăng cường kiểm tra thực phẩm đầu vào theo tiêu chuẩn VietGAP cho các bếp ăn tập thể?

Vậy thì việc gì phải hao tâm tổn sức làm theo VietGAP, trong khi hàng trôi nổi vẫn có thể được nghênh ngang bày bán ngay tại TP Vĩnh Yên? Những nông dân ấy, họ không phải mưu sinh sao?

Ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế chưa đưa ra hành động cụ thể để ngăn chặn nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào các bếp ăn tập thể.

Ông Đặng Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế chưa đưa ra hành động cụ thể để ngăn chặn nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào các bếp ăn tập thể.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Đặng Văn Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, kể lể một loạt văn bản chỉ đạo, điều hành, song không quên câu nói chối bỏ trách nhiệm: “Bếp ăn tập thể thuộc TP Vĩnh Yên hay huyện nào, thì địa phương ấy chịu trách nhiệm chính. Còn về các câu hỏi khác, Sở sẽ ghi nhận và báo cáo UBND tỉnh theo quy chế”.

Quy chế nào cho phép Sở Y tế vô cảm trước thực phẩm trôi nổi bày bán tràn lan.

Đặc biệt, sự cố 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam bị ngộ độc vừa xẩy ra được ít hôm thì ngày 27/6, ít nhất 5 công nhân thuộc Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam, bị ngộ độc sau bữa ăn tập thể, có người còn bị co giật, sau khi điều trị tại bệnh viện và trở về nhà.

Cứ cho là Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt giấu dịch, không báo cáo Sở Y tế, thì nghĩa là nội bộ ngành Y tế đã không làm xong việc của mình, nói gì đến chuyện lớn hơn? Vì sao quan chức Sở Y tế có thể giữ nụ cười trên môi, sau khi hàng trăm công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ngộ độc. Tiếp đó, lại đến vụ ngộ độc thứ 2 ở Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam bị giấu nhẹm?.

Dân khóc

Nhóm PV báo NNVN đến nhà trọ của công nhân bị ngộ độc nặng sau vụ việc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.

Nhóm PV báo NNVN đến nhà trọ của công nhân bị ngộ độc nặng sau vụ việc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.

Cán bộ lãnh đạo Sở, ngành tỉnh Vĩnh Phúc, có từng đến nhà riêng, nhà trọ của các công nhân ngộ độc nặng sau vụ việc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam? Nếu đến, thật khó mà tin rằng họ có thể cười, có thể nói như trách nhiệm thuộc về ai đó.

Tại một căn nhà cũ kỹ của một công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt không khí như thể có tang. Nữ công nhân ngồi khóc, sợ có dư lượng chất hóa học trong thức ăn, dẫn đến ung thư. Người chồng bất lực, lặng im, chỉ có ánh mắt giận dữ đôi lúc muốn bộc phát. Gánh nặng mưu sinh, họ chỉ biết khóc, hoặc im lặng cam chịu. Lần thứ 2 nhập viện, vợ chồng chị không được công ty thanh toán tiền xe. Tỉnh không, huyện cũng không. Mấy trăm nghìn cho chuyến xe đó, có thể là nhỏ với các “quan” đang cười, đang kể lể thành tích, song lại đủ cho 3 miệng ăn cả tuần.

Ở góc độ khác, rất nhiều công nhân khi tiếp xúc với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, đặt câu hỏi: “Vì sao tỉnh tổ chức họp sau vụ ngộ độc, mà không cho báo chí tham dự rộng rãi. Vì sao ca ăn thứ nhất không bị ngộ độc, mà ca ăn thứ hai lại có hàng trăm người ngộ độc tới mức nằm ngổn ngang, không đứng dậy nổi”.

Khoảng giữa tháng 5, vụ ngộ độc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam xảy ra khiến hơn 400 người nhập viện. Hiện tại là tháng 7, nguyên nhân được Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin là do thiếu 6 kg giá đỗ nên đơn vị cung ứng đã mua thêm ngoài chợ tạm. Vậy câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là ngoài 6kg giá đỗ mua thêm ấy thì toàn bộ thực phẩm cho bữa ăn đó có xuất xứ từ đâu? Đơn vị nào cung ứng? Có đạt tiêu chuẩn an toàn hay không? Cho đến nay vẫn chưa thấy Sở Y tế  Vĩnh Phúc minh bạch thông tin này?

Tiếp đến vụ ngộ độc thứ 2 vào tháng 6, cán bộ Sở Y tế nói “không biết”, chỉ khi được Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp thông tin, mới biết để đi tìm hiểu.

Chưa hết, qua điều tra độc lập, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm không rõ nguồn gốc được tuồn vào bếp ăn công nghiệp đó là sự mặc cả chia chác, bớt xén tiền trong từng suất ăn của công nhân, học sinh. 

Cụ thể là trường hợp của ông Phan Anh Đạt, cán bộ Phòng GD&ĐT Bình Xuyên,  ông này tự nhận đang cung cấp suất ăn cho nhiều trường học, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và sẵn sàng cắt phần trăm cho các đối tác?

Nhận thông tin chi tiết từ báo chí về sai trái của cán bộ, song từ Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên đến ngành Giáo dục Vĩnh Phúc, đều chọn cách... lảng tránh dư luận.

Xin mượn lời một công nhân đang ở trọ tại Vĩnh Yên: “Có công thì ai cũng nhao ra nhận. Có lỗi thì trốn sạch, im im để mọi thứ ‘chìm xuồng’. Đấy, báo chí các anh hỏi mà mấy vị còn lờ tịt đi, thì công nhân chúng tôi kêu ai?”.

Cũng không khó đoán lắm, sau các vụ ngộ độc, quan chức tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dùng cụm từ thường gặp: “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Song hệ thống chính trị của tỉnh ở đâu, khi công nhân, học sinh, phải đối mặt với ung thư, với bệnh tật về tiêu hóa. Nếu trong số người bị ngộ độc, có họ hàng, người thân của mấy vị quan chức ấy, liệu họ có thể tươi cười thản nhiên, hay chọn cách giả vờ câm lặng vậy không?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.