| Hotline: 0983.970.780

Số ca sốt xuất huyết có thể cao nhất trong vòng 25 năm qua

Thứ Sáu 23/09/2022 , 16:02 (GMT+7)

Ngành y tế có thể đối mặt với thách thức lớn khi số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 có thể cao nhất trong vòng 25 năm qua.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết tại Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue vì sức khỏe cộng đồng” ngày 23/9, trên thế giới, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng hơn 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính, khoảng 40% dân số thế giới sống ở vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết với tỷ lệ mỗi lúc mỗi tăng.

"Sốt xuất huyết Dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus Dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không", PGS Trung nói.

Theo ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Nam, trong đó có 87 trường hợp tử vong. 

Bác sĩ Lương Chấn Quang phân tích, do sự biến đổi khí hậu, giao thương đi lại, đô thị hóa thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính. "Ở giai đoạn 2020-2021, số ca mắc sốt xuất huyết rất thấp bởi lúc này xảy ra đại dịch Covid-19, việc đi lại giữa các vùng được giảm đến mức tối đa, thậm chí thời gian giãn cách xã hội, nên bệnh sốt xuất huyết không có cơ hội bùng phát và lây lan. Tuy nhiên, năm 2022, sốt xuất huyết bùng phát trở lại, số ca sốt xuất huyết chỉ thấp hơn năm 1998 – năm dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành tại Việt Nam", bác sĩ Quang nói.

Theo bác sĩ Quang, nguồn lực đầu tư không ổn định, nhất là thiếu đầu tư nguồn lực cho phòng ngừa chủ động và những biến động về nhân sự phòng chống dịch, là những nguyên nhân khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát nhanh. 

"Hiện kinh phí đang tập trung cho "chống dịch" chứ không phải “phòng dịch”, kinh phí phòng chống dịch rót xuống cơ sở khá muộn, khi dịch chưa tăng thì không có kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đến khi dịch tăng cao mới bắt đầu chống dịch. Thậm chí, hiện nay có đến 50% các tỉnh, thành khu vực phía Nam thiếu hóa chất diệt muỗi. Cùng với đó, việc thiếu nhân viên y tế, các cộng tác viên y tế cộng đồng khiến cho việc chống dịch thiếu tính bền vững", bác sĩ Quang cho biết thêm.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, do dự báo năm 2022 dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao, UBND TP.HCM, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng để chủ động công tác chống dịch sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai mở rộng thêm khu điều trị, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men để thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết và điều trị các ca nặng. Trong thời gian qua, đơn vị đã thu dung điều trị, cứu sống thành công nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng.

Trong phòng chống sốt xuất huyết, điều quan trọng là giảm số ca mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Để giảm tỷ lệ tử vong, bác sĩ Hùng cho rằng cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn và chuyển viện an toàn. Yếu tố quan trọng nhất để giảm tử vong do sốt xuất huyết là tăng cường năng lực điều trị sốt xuất huyết của bác sĩ, điều dưỡng ở tất cả các tuyến trong hệ thống y tế. Đồng thời, tăng cường hội chẩn chuyên môn trong bệnh viện và hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên để điều trị hiệu quả các trường hợp nặng.

Theo các chuyên gia, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết rất cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp cũng như sự chung tay của nhiều đơn vị, cơ quan. Trong đó, cần có chính sách huy động, phối hợp liên ngành, đồng thời tuyên truyền để người dân cùng tham gia vào công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi… Đặc biệt, trong thời gian tới rất cần những công cụ mới để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn như phát triển vaccine phòng sốt xuất huyết, thả muỗi mang Wolbachia, muỗi đột biến gen ra cộng đồng…

Theo bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên, đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhiều quốc gia làm rất tốt về phòng chống với nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn đối mặt dịch hàng năm, chu kỳ vài ba năm có một đợt dịch lớn. Việc kiểm soát vector vô cùng khó khăn, buộc phải chấp nhận sốt xuất huyết như một phần cuộc sống với quá trình đô thị hóa, dân số tăng, sự phát triển kinh tế xã hội... 

"Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn lực, có nhiều khó khăn phải đương đầu. Đặc biệt sau gần 3 năm ứng phó đại dịch Covid-19, hệ thống kiệt quệ, nguồn lực cũng cạn kiệt. Cán cân giữa dự phòng và đáp ứng bệnh của nước ta đang bị lệch quá nhiều", bác sĩ Hiên nói.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.