| Hotline: 0983.970.780

Y tế TP.HCM đứng trước 3 nguy cơ lớn: dịch chồng dịch, thiếu thuốc, nhân lực

Thứ Tư 06/07/2022 , 12:32 (GMT+7)

Ngành y tế TP.HCM xác định 3 nguy cơ lớn đang phải đối mặt là dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.

Còn nhiều vật chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà của người dân. Ảnh: Đ.H.

Còn nhiều vật chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà của người dân. Ảnh: Đ.H.

Thông tin trên được Sở Y tế TP.HCM nhận định, qua đó nhằm xác định các nguy cơ để chủ động ứng phó, vận dụng các bài học kinh nghiệm qua thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19. Huy động mọi nguồn lực, mạnh dạn nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo để chuyển “nguy” thành “cơ”, tất cả hướng đến mục tiêu chung, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân TP.HCM và người dân khu vực phía Nam.

Nguy cơ dịch chồng dịch

Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ. Ngày 4/7, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi – TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung – Củ Chi), tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của HCDC.

Hệ thống giám sát dịch của ngành Y tế Thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới, dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

"Tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, tuy nhiên do các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới nên nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Bên cạnh đó, TP.HCM đối diện với dịch sốt xuất huyết đang có số mắc 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất gồm Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình.

Nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh với số ca mắc tăng, số ca nặng tăng và số tử vong tăng nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay từ bây giờ.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế là một trong những yêu cầu cần được ngành y tế TP.HCM có các giải pháp chủ động, sớm khắc phục nhằm đảm bảo chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế là một trong những yêu cầu cần được ngành y tế TP.HCM có các giải pháp chủ động, sớm khắc phục nhằm đảm bảo chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế

Theo Sở Y tế TP.HCM, thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố và cả nước. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa. 

Ngành Y tế TP.HCM cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ đó là phải có giải pháp chủ động và sớm khắc phục, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra. Nhìn nhận thực tế, Sở Y tế TP.HCM nêu ra các nguyên nhân nội tại thuộc hệ thống y tế TP.HCM là một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống khi chưa chọn lựa được thuốc khi đấu thầu tập trung.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân ngoài khả năng của hệ thống y tế TP.HCM là một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…; Một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus); Một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán; Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến và cần được Bộ Y tế cấp phép kịp thời; Một số thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn kịp thời.

Nhân viên y tế TP.HCM trong 2 năm đại dịch Covid-19 phải trải qua thời gian làm việc không kể ngày đêm, với áp lực cường độ công việc cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân viên y tế TP.HCM trong 2 năm đại dịch Covid-19 phải trải qua thời gian làm việc không kể ngày đêm, với áp lực cường độ công việc cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập

Theo Bộ Y tế, tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Riêng tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.HCM).

Sở Y tế TP.HCM cũng đưa ra các giải pháp để ứng phó với 3 nguy cơ trên:

- Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch: đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vacxin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4), tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học,... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại; Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết đến từng hộ gia đình. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết; Sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết.

- Ứng phó với nguy cơ thiếu thuốc: Kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc; Kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hoá của Ngành Y tế Thành phố; Kiến nghị UBND Thành phố có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh; Sở Y tế thành lập Tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc; Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.

- Ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế: vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01 của HĐND về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn; Nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng; Kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất