Nhân sự trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết nặng
Ngày 27/6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Bác sĩ CKII Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Quận 8 cho biết, địa bàn Quận 8 là khu vực có dịch sốt xuất huyết tương đối phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Quận 8 tiếp nhận 89 trường hợp người dân mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện điều trị. Bắt đầu từ tháng 5, số ca mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, bác sĩ Hùng cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn gia tăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhân sự tại các khoa điều trị sốt xuất huyết là các bác sĩ mới và khá trẻ, đa số làm việc dưới 5 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, do đó khả năng theo dõi, điều trị các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng còn hạn chế nên tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao.
“Bệnh viện chủ yếu chỉ tiếp nhận những ca bệnh nhẹ, đối với các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc sẽ chuyển viện lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho người bệnh”, bác sĩ Hùng cho biết.
Mặt khác, theo bác sĩ Hùng, Quận 8 có hệ thống kênh rạch lớn nhỏ dẫn đến công tác rà soát các điểm nguy cơ chưa được toàn diện, tình hình dịch diễn biến phức tạp nếu không quyết liệt sẽ gia tăng số lượng bệnh nhân nhập viện, có thể gây khó khăn cho công tác điều trị.
Tìm thêm nguồn cung ứng thuốc
Bệnh viện Nhi Đồng 1 là một trong những bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa của TP.HCM và khu vực phía Nam. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận 1.739 bệnh nhi sốt xuất huyết; trong đó khoảng 35% phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong (Tiền Giang 2, Tây Ninh 1, Bình Phước 1, Đồng Nai 1, TP.HCM 2).
TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, tổng lượng thu dung điều trị tại bệnh viện cao hơn tổng số nhập viện điều trị của năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. So sánh cùng kỳ năm 2019 thì thấy xu hướng bệnh tăng cao từ tháng 4 đến nay, cho thấy tình hình diễn biến phức tạp hơn các năm trước. "Có tới 68,2% là bệnh nhân của TP.HCM, các trường hợp từ tỉnh đến thì đa phần do các bệnh viến tuyến dưới chuyển đến và có nhiều ca nặng", bác sĩ Quang Minh nói.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng nhìn nhận, khó khăn hiện nay của đơn vị là nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán Bảo hiểm y tế.
Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh.
Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết, phải kê thêm giường ở hành lang
Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca sốt xuất huyết Dengue tại TP.HCM và khu vực phía Nam, trong hai tuần trở lại đây luôn trong tình trạng quá tải, có những bệnh nhân chuyển nặng, suy đa tạng và tử vong.
Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tình hình điều trị nội trú của bệnh viện trong tháng 1 có 216 bệnh nhân người lớn, 4 trẻ em, nhưng đến tháng 4 số lượng bệnh nhân khám nội trú là 1.334 người lớn và trẻ em 298. Trong tháng 6 có 7 ca bệnh nặng xin về, 3 ca tử vong nội viện.
Riêng sáng nay (27/6), tổng số bệnh nhân nội trú điều trị là 394 trường hợp, trong đó 27 ca bệnh nặng, trong đó có 6 ca đang thở máy đều là người lớn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khẳng định, hiện tại bệnh viện có đầy đủ dịch cao phân tử, thuốc vận mạch để điều trị tích cực cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hiện bệnh viện đang quá tải, khoa nào cũng trên 60-70 bệnh nhân.
"Riêng tại khoa nhiễm D, dự trù 40 giường, nhưng đến hôm nay lúc nào cũng hơn 60 bệnh nhân, nên buộc phải kê thêm giường ở ngoài hành lang. Khoảng 1-2 tháng sau đỉnh dịch mới đến, do đó tất cả tuyến thu dung điều trị phải chuẩn bị sẵn sàng phương án để tiếp nhận để điều trị các ca sốt xuất huyết Dengue", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết.
Cũng theo bác sĩ Phong, để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên, những ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc những sốt xuất huyết Dengue vào sốc lần 1 nếu bệnh nhân không có tái sốc thì có thể các bệnh viện quận huyện có thể tiếp nhận và điều trị những ca nhẹ.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối cần tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới, thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị cho người dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Kiểm tra công tác thu dung, điều trị tại Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hoan nghênh sự chuẩn bị kỹ càng của các bệnh viện nhằm ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát mạnh sau khoảng 3-4 năm. Việt Nam may mắn khi trong 2 năm chiến đấu với dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết không bùng phát mạnh. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới. Bên cạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch thì vấn đề thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết cũng vô cùng quan trọng. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế mong chính quyền địa phương, y tế cơ sở nỗ lực tăng cường hoạt động trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, từ chính mỗi người dân, mỗi cơ quan đơn vị, nhà hàng, quán ăn, trường học chủ động phòng dịch, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm qua muỗi vằn cũng như số lượng bệnh nhân.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Thứ trưởng Sơn yêu cầu là cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân.
“Các bệnh viện tuyến trên cần thường xuyên tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, đặc biệt là các phòng khám tư bởi đây là nơi người dân thường lui tới nhiều nhất. Việc tập huấn, hội chẩn từ xa cần thực hiện liên tục để nhân viên y tế không quên bài sau thời gian dài chống dịch Covid-19, tăng năng lực điều trị sớm cho người dân, hạn chế nguy cơ tử vong ở mức thấp nhất.
Nhiệm vụ của ngành y tế là phải tập trung kiểm soát dịch sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ có những giải pháp tháo gỡ, đặc biệt tăng cường nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở y tế thực hiện việc điều trị tốt nhất cho người bệnh.