| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng khắc phục 'thẻ vàng' có nhiều chuyển biến

Thứ Hai 24/02/2020 , 08:47 (GMT+7)

Từ năm 2015 đến nay đội tàu thuyền ở Sóc Trăng không vi phạm khai thác bất hợp pháp (IUU). Nhiều tàu ra khơi đã lắt đặt thiết bị giám sát hành trình.

Kiểm tra tàu được trang bị, lắp đặt đầỳ đủ bộ phận trang thiết bị giám sát hành trình. ảnh: Hữu Đức

Kiểm tra tàu được trang bị, lắp đặt đầỳ đủ bộ phận trang thiết bị giám sát hành trình. ảnh: Hữu Đức

Từ ngày 22-23/2, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT Sóc Trăng kiểm tra đột xuất một số tàu cá tại cảng Trần Đề về khắc phục "thẻ vàng" của EU. Đoàn kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ IUU, đồng thời thanh tra kiểm soát công tác triển khai việc thực thi xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác...

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, toàn tỉnh có đội tàu thuyền khai thác biển 1.212 chiếc với tổng công suất 187.382 CV. Trong đó 358 tàu có chiều dài trên 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Còn lại 854 chiếc có chiều dài dưới 15 m. Từ năm 2015 đến nay tất cả số tàu khai thác hải sản của tỉnh không xảy tình trạng khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Riêng hoạt động kiểm tra khai thác thủy sản bất hợp pháp tại cảng Trần Đề được các thành viên trong Tổ thực hiện 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Số lượng tàu (trên 90CV, 15 m/tàu) được kiểm tra đến ngày 20/2/2020 trên 3.700 lượt cập cảng, rời cảng. Phần lớn tàu đủ điều kiện xuất và cập bến.    

Đến nay, tỉnh triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình cho 189 tàu cá (có chiều dài lớn nhất trên 15 m), chiếm trên 51,6%; còn 71 tàu đến hạn chưa lắp máy còn nằm bờ do ảnh hưởng thời tiết. Còn lại 106 tàu (chiếm trên 29%) theo lộ trình lắp đặt đến 1/4/2020.

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tiếp tục vận động các chủ tàu lắp đặt theo đúng quy trình đã quy định. Trong công tác đánh dấu tàu cá, đã hoàn thành cho tất cả số tàu có chiều dài 15 m trở lên. Từ đầu năm 2020 đến nay tỉnh đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 34 tàu cá đạt loại B. Tại cảng cá kiểm tra thường xuyên đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra hải sản sau khai thác tại cảng cá Trần Đề. ảnh: Hữu Đức

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra hải sản sau khai thác tại cảng cá Trần Đề. ảnh: Hữu Đức

Đa số chủ tàu nhận thức việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định là lợi ích, từ đó được phép xuất cảng khai thác thủy sản.

Ông Phan Thanh Liêm, chủ 9 chiếc tàu cá ở kênh 3, thị trấn Trần Đề nói: Ban đầu chưa nhận thức hết tầm quan trọng và lợi ích của việc trang bị thiết bị giám sát hành trình, tôi ngại chi phí bỏ ra, khoảng 27 triệu đồng cho mỗi bộ thiết bị giám sát. Tuy nhiên khi lắp đặt xong, tàu ra khơi vận hành tôi biết được tàu hoạt động tại vị trí nào, hiện rõ điểm đang đánh bắt, thông tin liên lạc thông suốt với tài công, ngư phủ về sản lượng, số loại hải sản thu được hằng ngày nên rất an tâm. Đặc biệt không để tàu vi phạm vùng đánh bắt tại vùng biển nước khác. Đến nay tôi đã trang bị xong 7/9 tàu cá, còn 2 tàu sắp tới sẽ hoàn tất.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, nhận xét: Qua kiểm tra quá trình thực hiện Luật Thủy sản, đặt biệt khi rà soát công tác IUU của tỉnh chúng tôi nhận thấy việc triển khai đúng theo qui định. Lộ trình thực hiện trang bị thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu bắt buộc đủ điều kiện để ra khơi đạt trên 51%, một số tàu đến hạn cuối (ngày 1/4) sẽ tiếp tục lắp đặt hoàn tất.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng được các chủ tàu chấp hành tốt, tàu được đánh dấu sơn ca-bin màu sáng (trắng, tàu dài trên 15 m) và tàu sơn ca-bin màu vàng đối với tàu dài dưới 15m. Tuy nhiên còn một số tàu nằm bờ chưa ra khơi do điều kiện thời tiết xấu, sóng gió. Khi tàu ra khơi buộc phải tuân thủ theo quy định trang bị thiết bị đầy đủ.

Hiện số tàu này chỉ còn 29% và đã có kế hoạch lắp đặt đáp ứng đúng theo thời gian quy định. Bên cạnh đó việc kiểm soát sản lượng, chất lượng hải sản, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác và tàu vào cảng, Chi cục Thủy sản, tổ công tác tại cảng Trần Đề làm tốt nhiệm vụ.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.