| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Mặn xâm nhập sâu, lúa khát nước ngọt

Thứ Năm 23/01/2020 , 08:45 (GMT+7)

Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, năm 2020 mặn xâm nhập sớm hơn mọi năm khoảng hơn 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. 

 
Kênh cạn nước phải bơm từ võ lãi cứu ruộng lúa, vườn cây ở khu Dự án Long Phú-Tiếp Nhật - ảnh NQV

Đặc biệt, độ mặn đã vượt mức lịch sử mùa khô năm 2015 – 2016 ở cùng thời điểm, vượt cả về nồng độ mặn và chiều sâu xâm nhập mặn, cụ thể độ mặn tháng 1/2016: tại trạm Trần Đề 19,8; Long Phú 14,6 g/l, tại Đại Ngãi 9,5 g/l, An Lạc Tây 4,8 g/l, Thạnh Phú 2,9 g/l.

Tình hình căng thẳng nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là vùng dự án Long Phú – Tiếp Nhật đang gặp khó khăn trong việc lấy nước ngọt bổ sung, do độ mặn tại Đại Ngãi thường xuyên vượt mức 2,0 g/l. Vùng dự án Kế Sách, tại An Lạc Tây vào những ngày triều cường, độ mặn cũng vượt mức 2 g/l.

Hiện thời tỉnh đang ghi nhận mức độ thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Hơn nữa trong lúc nầy do các cống ngăn mặn đóng chặt để ngăn mặn nên ảnh hưởng giao thông thủy, ghe, tàu không ra vào thu mua lúa.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Trồng trọt và BVTV, cho hay: Đáng lo nhất hiện nay có hơn 4.000 ha lúa vừa mới gieo sạ, đẻ nhánh đang thiếu nước bị đe dọa nặng. Nhất là ở vùng trồng lúa rải rác các huyện Trần Đề, Long Phú, TP Sóc Trăng có 1.500 ha lúa ĐX muộn đang giai đoạn mới trổ, cong trái me bị thiếu nước nghiêm trọng, có khả năng suy giảm năng suất.

Hiện tỉnh Sóc Trăng còn khoảng 35.000 lúa ĐX ở các địa phương như: Thị xã Ngã Năm, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách và một số ít nông dân “xé rào” trồng lúa ở huyện Long Phú đang phập phồng lo ngại trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra căng thẳng.

Kênh Tắc Bướm ở xã Thạnh Thới An, huyện Kế Sách trơ đáy vì thiếu nước ngọt cấp - ảnh NQV

Vùng cây ăn trái trên địa bàn huyện Kế Sách, thời gian tới mặn tiếp tục xâm nhập ở mức cao như năm 2015 – 2016 thì có khả năng sẽ bị thiệt hại. Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã có bước chuẩn bị và thông báo lịch trực công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngay trong những ngày tết, đồng thời  phổ biến rộng rãi thông tin về tình hình xâm nhập mặn để nông dân chủ động nguồn nước sản xuất.

Chi cục Thủy lợi cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy nước ngọt vào bổ sung, dự trữ trong kênh khi độ mặn trước cống ở mức cho phép và xâm nhập mặn khi có xu thể giảm.

Tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các địa phương chú ý đề phòng độ mặn ở mức cao, kéo dài, rà soát vùng ruộng lúa vườn cây nào không có nguồn tiếp ngọt để kiểm tra sửa chữa kịp thời các cống ngăn mặn. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án nạo vét kênh mương, sửa chữa cống đã được bố trí vốn năm 2019.

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020 và trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh đầu tư khẩn cấp 3 trạm bơm, công suất mỗi trạm khoảng 10.000 m3/giờ trước cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe để bơm bổ sung nước ngọt cho vùng Dự án Long Phú – Tiếp Nhật (ở 2 huyện Long Phú, Trần Đề có khoảng 47.000 ha đất nông nghiệp) bơm khi triều kém, độ mặn giảm ở mức cho phép.

Bên cạnh đó Bộ giúp sớm đầu tư 7 cống ngăn mặn dọc sông Hậu (Đại Ngãi, Rạch Mọp, Mương Khai, Rạch Vọp, Cái Trâm, Cái Cau, Cái Côn) theo Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt để ngăn mặn cho vùng Dự án Kế Sách (thuộc địa bàn 3 huyện Kế Sách, một phần huyện Châu Thành và một phần huyện Long Phú, diện tích đất nông nghiệp khoảng 48.000 ha).

Tỉnh đề nghị đôn đốc các đơn vị liên quan sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới để ngăn mặn chu vùng dự án Quản Lộ – Phụng Hiệp (Qua thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và một phần huyện Mỹ Tú, diện tích đất nông nghiệp khoảng 71.000 ha).

Tổng cục Khí tượng thủy văn và Viện khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 ở mức sớm và nặng hơn so với TBNN. Mức độ xâm nhập mặn các cửa sông Cửu Long có ranh mặn 4g/lít xâm nhập sâu vào từ 40 – 55 km (tính từ cửa sông), mặn xâm nhập vào sâu hơn TBNN từ 10 – 15 km.

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất