Lễ ký kết có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là các nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh, hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp đến từ 8 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ).
Theo SOFRI, giống xoài vỏ dày LĐ12 (xoài Cát Lộc) có nguồn gốc từ lai hữu tính giữa giống xoài Vandyke và giống xoài cát Hòa Lộc. Khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa tương đương với giống xoài cát Hòa Lộc. Chất lượng quả ngọt, có độ đường cao, tỉ lệ thịt nhiều, vỏ dày. Khối lượng trung bình của quả lớn 340-420g và phẩm chất quả ngon… Giống xoài này được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2017 và đã sản xuất thử nghiệm từ năm 2021; đồng thời Cục Trồng trọt cũng cấp bằng bảo hộ giống xoài này vào tháng 3/2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại - Viện trưởng SOFRI cho biết, đây là sự kiện nhằm thúc đẩy nhanh chuyển giao giống mới, kết quả nghiên cứu và công nghệ mới cho sản xuất, phát triển chuỗi giá trị nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành sản xuất xoài. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của tác giả đối với giống xoài mới lai tạo được quyền sở hữu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam, cũng như chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài này cho đối tác để phát triển thương hiệu trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, SOFRI đã có những đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành cây ăn quả, rau, hoa của các tỉnh phía Nam. Nhiều giống cây ăn quả, chế phẩm sinh học, các quy trình và mô hình sản xuất rau, quả theo hướng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Viện đã được chuyển giao, ứng dụng rộng rãi cho sản xuất ở các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Theo Thạc sĩ Đào Thị Bé Bảy, Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây ăn quả SOFRI, mặc dù nhiều giống cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng có phẩm chất ngon và nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để trái xoài được nâng tầm và vươn xa ra thị trường quốc tế thì cần phải tạo ra giống mới duy trì đặc tính chất lượng tốt, đồng thời cải thiện một số đặc tính sao cho phù hợp hơn khi vận chuyển đến thị trường xa nhưng vẫn đảm bảo vẻ mỹ quan và chất lượng trái.
“Trong công tác nghiên cứu giống cũng có nhiều yếu tố hên xui và chúng tôi đã may mắn chọn được dòng lai tốt có thể đáp ứng được điều kiện sản xuất hiện nay. Sự kiện chuyển nhượng bản quyền giống xoài này cho Tập đoàn Lộc Trời cũng là niềm vui lớn và tự hào của cả nhóm nghiên cứu trong Bộ môn chọn tạo giống SOFRI. Hy vọng trong tương lai giống này sẽ được phát triển rộng hơn trong điều kiện sản xuất của toàn vùng ĐBSCL”, Thạc sĩ Đào Thị Bé Bảy chia sẻ.
Để nhanh chóng chuyển giao giống mới, kết quả nghiên cứu và công nghệ mới cho sản xuất, SOFRI đã ký kết nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài vỏ dày LĐ12 (xoài Cát Lộc) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đồng thời, Tập đoàn Lộc Trời cũng chính thức công bố tên thương mại của giống xoài vỏ dày LĐ12 là “Xoài Cát Lộc”.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời cho biết: “Sự kiện này đánh dấu hoạt động đầu tiên của mảng cây ăn trái, làm theo hướng quy mô, bài bản chuyên nghiệp, chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất giống, tổ chức vùng trồng và liên kết với thị trường tiêu thụ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi mua một giống cây ăn trái có bản quyền và thực hiện việc hợp tác chia sẻ lợi nhuận trong suốt quá trình canh tác và kinh doanh giống cây này”.
Theo ông Thuận, ngay sau Lễ ký kết, Lộc Trời đã tiếp nhận gần 1000 cây giống xoài Cát Lộc đầu tiên để bắt đầu triển khai trồng giống; đồng thời kế hoạch trong năm 2022 sẽ tiếp nhận thêm 100 ngàn cây giống từ Viện Cây ăn quả miền Nam để hợp tác với bà con nông dân theo phương pháp tổ chức mã số vùng trồng và sản phẩm của giống cây này sẽ được chào bán tới thị trường tiêu dùng thế giới.