| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn xâm phạm bản quyền giống trái cây: Bí mật thì còn, công bố là... mất!

Thứ Tư 07/08/2019 , 09:40 (GMT+7)

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp sau khi nghiên cứu, lai tạo thành công một giống cây trồng, thay vì đăng ký bảo hộ thì lại chọn giải pháp “giữ bí mật” vì sợ sẽ bị “ăn chùa”!

Điều này đã tạo nên sự thiếu minh bạch và ốm yếu cho ngành giống cây trồng trong nước…
 

Sợ lộ thông tin "chìa khóa"

Theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng, để một giống được công nhận giống cây trồng mới phải qua một số lần khảo nghiệm và sản xuất thử. Quá trình khảo nghiệm cũng sẽ phải triển khai ở các vùng sản xuất, ít nhất từ 1 đến 2 năm. Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt cấp phép cho DN triển khai sản xuất thử nghiệm, với thời gian thực hiện từ 1-3 năm.

14-59-27_7
Bảo hộ bản quyền nhằm bảo vệ DN, khuyến khích nhà khoa học và nông dân mua giống cây trồng. Ảnh: Hồng Thủy.

Chính vì mất rất nhiều năm nghiên cứu rồi sản xuất thử để có được một giống nên hầu hết DN chỉ tập trung vào khâu kinh doanh, ít đầu tư vào việc nghiên cứu, lai tạo sản xuất giống. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giống cây trồng. 

Điển hình trên địa bàn TP.HCM có một số DN chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lớn. Tuy nhiên, do chưa có nhiều giống cây mang bản quyền nên các DN vẫn chủ yếu nhập khẩu giống về đóng gói, cung cấp cho sản xuất. Còn số lượng DN trực tiếp nghiên cứu lai tạo giống mới không nhiều, chỉ tập trung vào một số DN có tên tuổi.

Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (một đơn vị nghiên cứu giống) cho hay, hàng năm Trung tâm cung cấp khoảng 200.000 cây giống các loại. Trung tâm cũng đã lai tạo giống mới, đánh giá các giống lai và làm bảo hộ cho nhiều giống lan mới. “Trung tâm chúng tôi có giống mới nhưng do chưa xong thủ tục bảo hộ nên chưa thể đưa ra thị trường vì rất dễ bị thất thoát giống. Cụ thể như cây hoa lan, chỉ cần cắt một đoạn chồi là có thể nhân giống trồng rộng rãi nên nguy cơ bị mất bản quyền giống rất cao”, một cán bộ Trung tâm chia sẻ.

Thực tế, nhiều loại giống cây trồng từ lúc nghiên cứu đến khi được bảo hộ kéo dài cả chục năm. Vì vậy, khi giống đến được với người sản xuất thì chất lượng đã giảm hoặc không còn phù hợp với nhu cầu thị trường. Hơn nữa, một số giống vừa mới công bố bảo hộ đã bị xâm phạm bản quyền, rồi mất thêm thời gian phải tổ chức khảo nghiệm riêng.

Ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (PADCO) thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay có rất nhiều hình thức bảo hộ, nhưng việc đăng ký bảo hộ bản quyền giống cây trồng hay công nghệ phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam rất dễ bị lộ thông tin “chìa khóa” của sản phẩm. Do vậy, chúng tôi từng được nghe khuyến cáo, sản phẩm nào dễ bị thất thoát thông tin thì tốt nhất nên tự giữ bí mật nếu không sẽ mất tính độc quyền!”.

Theo ông Hưng, rất nhiều sản phẩm giống hay vi sinh hiện không thể đăng ký công bố, vì quy định công bố bảo hộ lại có thể sẽ không giữ được tính độc quyền sản xuất phân phối. Đồng thời, các biện pháp quản lý sản phẩm đã được bảo hộ bản quyền vẫn còn quá lỏng lẻo, thực tế đã chứng minh nhiều loại giống (như thanh long) đã từng được công bố bảo hộ, nhưng ai cũng có thể tự xin cành về cấy thoải mái, chẳng thể cấm được.
 

Phải kiên quyết bảo vệ thành quả khoa học

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), từ năm 1995 đến nay, Viện đã nghiên cứu lai tạo ra được 18 giống rau hoa quả mới (giống lai) được Bộ NN-PTNT công nhận và đã chuyển giao sản xuất đại trà phục vụ Chương trình kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam. Cụ thể như giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) đã được chuyển giao cho nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Tây Ninh… trồng phổ biến nhờ năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng.

Đến nay mô hình này vẫn đang phát triển mạnh tại các địa phương lên tới cả chục ngàn ha. Đồng thời, Viện cũng đã nghiên cứu lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 với nhiều ưu điểm vượt trội. Cả hai giống thanh long này đã được chuyển nhượng bản quyền cho các đơn vị chuyên canh thanh long ở tỉnh Bình Thuận và Long An. 

TS Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng SOFRI chia sẻ: “Để tạo ra một giống cây trồng, cây ăn quả hoàn toàn mới phải mất ít nhất từ 3 - 5 năm mới cho kết quả, có giống cây thời gian lai tạo lên tới 12 - 15 năm, thậm chí 20 năm nghiên cứu mới hoàn thành. Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục đưa ra sản xuất các giống cây ăn quả mới như chôm chôm, xoài, sầu riêng, nhãn, thanh long, chanh dây…”.

Theo TS Yến, sở dĩ giống thanh long LĐ5 chỉ mất 6 năm nghiên cứu lai tạo là nhờ kinh nghiệm từ giống LĐ1 đã rút ngắn được thời gian từ giai đoạn cây con cũng như đến thời điểm đánh giá. Từ giống bố mẹ đã được tuyển chọn sẵn, chỉ cần cải thiện, tăng phẩm chất lên bằng kỹ thuật lai hữu tính (biện pháp lai cổ điển). “Cũng như một cuộc thi hoa hậu, phải trải qua vòng sơ tuyển, vòng loại mới tới chung kết. Từ thụ phấn, chờ cây đơm trái, thu hạt, gieo cây con, trồng cây con, đánh giá, khảo nghiệm và thời gian kéo dài nhiều năm như thế mới tạo ra được “hoa hậu” thanh long LĐ5.

Tuy nhiên, việc sử dụng giống cây trồng, cây ăn quả lại rất dễ dàng bị sao chép bản quyền giống bằng nhiều phương thức khác nhau!”, TS Yến trầm tư nói.

Ngoài kết quả nghiên cứu chọn giống, Viện SOFRI còn đang tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia của NewZealand nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao mô hình trồng thanh long công nghệ mới leo giàn (chữ T) thay cho kiểu trồng trụ truyền thống giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả.

Đến nay các giống cây ăn quả đã được Viện bảo hộ, gồm thanh long ruột tím hồng LĐ5, thanh long ruột đỏ LĐ1, nhãn lai LĐ11. Các giống cây ăn quả đã đăng ký bảo hộ như cam sành không hạt LĐ6, xoài vỏ dày LĐ12, thanh long ruột trắng LĐ17, LĐ18.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chánh văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng (Cục Trồng trọt) cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải có văn bản thông báo ngăn chặn việc vi phạm bản quyền giống. Ở khu vực phía Bắc cũng từng có những trường hợp vi phạm bản quyền giống, nhưng thông thường hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau, cho đến nay chưa có trường hợp nào đến mức phải kiện nhau ra tòa giải quyết”.

Theo ông Minh, ở New Zealand cũng có trường hợp vi phạm bản quyền giống tương tự thế này.

Tuy nhiên, thông thường đơn vị có bản quyền ra thông báo và yêu câu bên vi phạm phải nhổ bỏ tất cả những cây giống bất hợp pháp, hoặc bắt buộc phải xin giấy phép hợp pháp và trả tiền bản quyền giống. Nếu không chịu chấp hành thì sẽ thông tin lên các phương tiện truyền thông báo chí hoặc sau cùng sẽ đưa ra tòa giải quyết.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.