Cụ thể, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, huy động nguồn lực xã hội hóa để sớm đưa Trung tâm vào vận hành, bảo đảm việc xuất khẩu hàng hoá nông, lâm, thuỷ hải sản được ổn định, bền vững.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện.
Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy sản quốc tế được quy hoạch xây dựng tại Km3+4, phường Hải Yên (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) với quy mô tổng diện tích khoảng 98,02 ha, trong đó giai đoạn 1 là 47,18 ha và giai đoạn 2 là 50,84 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.760 tỷ (giai đoạn 1: 1.300 tỷ; giai đoạn 2: 1.460 tỷ).
Hiện Trung Quốc và Việt Nam chưa có thỏa thuận công nhận kết quả kiểm nghiệm lô hàng của nhau nên các lô hàng rau, củ, quả và thủy sản của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng vẫn phải thực hiện lấy mẫu hậu kiểm 100%.
Việc này gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy sản quốc tế có tính chất như một chợ đầu mối để tập kết, giao dịch hoa quả, nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu Đông Hưng với lượng hàng hóa thông quan khoảng hơn 3.000.000 tấn/năm tương đương khoảng 8.220 tấn/ngày.
Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể chủ động việc xuất khẩu và đảm bảo giá cả nông sản cho nông dân, giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ giúp hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp nếu trong trường hợp hàng hóa nông lâm thủy sản đã vận chuyển, tập kết trên địa bàn Thành phố Móng Cái mà không xuất được sang Trung Quốc hoặc bị các thương gia Trung Quốc ép giá vẫn có thể lưu giữ, bảo quản tại đây. Đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản, thủy sản yêu cầu điều kiện bảo quản bắt buộc trong kho lạnh.
Ngoài ra, đây cũng là địa điểm đảm bảo yêu cầu về thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đối với hàng hóa nông lầm thủy sản của phía Trung Quốc khi phía bạn triển khai các biện pháp kiểm duyệt hàng hóa nhập khẩu như: Truy suất nguồn gốc; Quy chuẩn về bao gói, nhãn mác; truy suất và quản lý hồ sơ doanh nghiệp; Kiểm dịch, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc,… tránh hàng hóa bị trả về, bị hư hỏng phải tiêu hủy gây thiệt hại cho doanh nghiệp và các cơ sở, các hộ nuôi trồng nông lâm thủy sản. Đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho nhân dân, phát triển kinh tế, an sinh xã hội...
Đại diện Công ty Cổ phần Thành Đạt, đơn vị đang quản lý Cảng cạn ICD Thành Đạt nêu quan điểm: "Hiện tại khu vực cửa khẩu Móng Cái chưa có một trung tâm cung ứng nông sản nào đặt tại các vị trí đường biên đủ quy mô và năng lực để thúc đẩy thương mại biên giới và tiến hành các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản xuất nhập khẩu tại đây. Vì vậy, việc đưa vào hoạt động Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản quốc tế là rất cần thiết".
Theo như đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản quốc tế tại Móng Cái gồm 3 hợp phần: Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản quốc tế; xây dựng năng lực thể chế về an toàn thực phẩm; quản lý dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Bùi Văn Khắng khẳng định: Đây sẽ là địa điểm để các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể triển khai chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểm soát các sự cố về nhiễm độc thực phẩm, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường... Đồng thời, Trung tâm giao dịch nông sản cũng là hình thức kinh doanh thu hút được vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân theo hình thức hợp tác công tư.