| Hotline: 0983.970.780

Sơn La lên kế hoạch bảo vệ rừng cuối năm

Thứ Tư 27/11/2024 , 14:18 (GMT+7)

SƠN LA Trước thời tiết hanh khô vào cuối năm, Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã lên phương án cụ thể chuẩn bị đối phó với nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng đến môi trường.

Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của toàn dân. Ảnh: Đức Bình.

Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của toàn dân. Ảnh: Đức Bình.

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng Tây Bắc. Tổng diện tích đất có rừng của tỉnh là 669.797 ha, đạt độ che phủ 47,5%.

Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 593.268,8 ha, và rừng trồng là 76.528,2 ha. Đặc biệt, trong số diện tích rừng trồng, 43.605 ha là cây ăn quả thân gỗ được trồng trên đất dốc, một mô hình canh tác giúp phát triển kinh tế địa phương mà vẫn giữ được độ che phủ rừng. Ngoài ra, còn có diện tích đất chưa có rừng nhưng đã được quy hoạch cho lâm nghiệp, khoảng 74.496 ha, trong đó có 7.092,9 ha rừng trồng chưa thành rừng.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: "Việc bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả chính quyền và người dân địa phương. Tỉnh Sơn La có nhiều vùng rừng dễ cháy, nhất là vào mùa khô, nên chúng tôi phải luôn cảnh giác."

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản tập trung vào việc nâng cao chất lượng trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

 Người dân trồng 8.350 cây trên diện tích gần 15ha tại Hua Tạt, huyện Vân Hồ vào tháng 6/2024. Ảnh: Đức Bình.

 Người dân trồng 8.350 cây trên diện tích gần 15ha tại Hua Tạt, huyện Vân Hồ vào tháng 6/2024. Ảnh: Đức Bình.

Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, rà soát, khoanh vùng trọng điểm các khu vực, địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy cao; kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phát đốt nương rẫy không đúng quy định; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời phát hiện và sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống cháy rừng xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục và phòng chống cháy rừng, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chú trọng. Theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên tại các vùng rừng trọng điểm, nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Mọi hành vi vi phạm, từ khai thác đến vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép đều bị xử lý nghiêm.

Không chỉ tập trung vào các vi phạm, Chi cục Kiểm lâm còn tăng cường quản lý các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Những khó khăn và vướng mắc từ cơ sở đều được kịp thời xử lý thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, giúp ngăn ngừa các vấn đề phát sinh.

Công tác quản lý và theo dõi biến động rừng cũng được triển khai quyết liệt. Các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện tốt việc theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến rừng. Những số liệu này được tổng hợp và trình cấp trên ra quyết định công bố hiện trạng rừng hàng năm theo quy định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án phục hồi 17 ha rừng tràm tỉnh Long An

Dự án 'Trồng và phục hồi 17 hecta rừng tràm đặc dụng với 340.000 cây tràm' tại huyện Tân Hưng, Long An vừa được C.P. Việt Nam bàn giao sau khi phục hồi.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.