| Hotline: 0983.970.780

Cháy rừng liên tiếp tại Hải Phòng

Thứ Ba 22/10/2024 , 13:40 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng loạt vụ cháy rừng đã xảy ra tại Hải Phòng do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nhiều diện tích rừng bị thiêu rụi.

Cháy rừng ở núi Sơn Đào, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Cháy rừng ở núi Sơn Đào, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Dù UBND thành phố Hải Phòng vừa mới họp với các sở, ngành, địa phương và chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các biện pháp ứng phó với nguy cơ cháy rừng mùa hanh khô, tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, cháy rừng đã xảy ra tại núi Sơn Đào, huyện Thủy Nguyên, khiến hơn 5 ha rừng bị thiêu rụi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân chứng kiến sự việc cho hay, đám cháy bắt đầu xuất hiện khoảng 14h ngày 20/10, nhưng đến hơn 21h cùng ngày mới được dập tắt, hàng trăm người dân cùng khoảng 300 cán bộ, chiến sỹ thuộc nhiều lực lượng tham gia chữa cháy, như phòng cháy chữa cháy, bộ đội, dân phòng,… tham gia.

“Khi xảy ra cháy rừng, chúng tôi thấy nhiều người hô hoán rồi tìm cách dập lửa nhưng cây cối bị gãy đổ nhiều, cháy to quá nên lực bất tòng tâm. Khi lực lượng chức năng tới thì cháy rừng mới được khống chế. Sau đó, lửa tiếp tục bùng phát trở lại và cháy đến đêm”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Lê Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Thủy Đường, khu vực núi Sơn Đào được chia thành 2 phần, một khu vực rừng do người dân trồng còn lại do Nhà nước trồng và quản lý. Những năm gần đây, thi thoảng cháy rừng tại đây vẫn xảy ra nhưng không dữ dội và lan rộng như lần này.

Những cây gỗ bị gãy đổ, cành lá đã chết tạo thành vật liệu dễ cháy trên núi Sơn Đào. Ảnh: Đinh Mười.

Những cây gỗ bị gãy đổ, cành lá đã chết tạo thành vật liệu dễ cháy trên núi Sơn Đào. Ảnh: Đinh Mười.

Do địa hình núi Sơn Đào dốc cao, hiểm trở, trời lại tối, đường đi lại khó khăn nên các lực lượng chức năng khó khăn trong việc tiếp cận, điều này khiến việc dập tắt đám cháy mất nhiều thời gian. Nguyên nhân chính được ông Huy nhận định là do trên núi có nhiều bụi cây khô, thảm thực vật rậm rạp. Sau bão số 3, cây rừng gẫy đổ, tạo nên lớp thảm khô, là nguồn vật liệu cháy dưới tán rừng.

“Để có thể đến khu vực cháy rừng và chữa cháy, lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian, rồi dùng các phương tiện máy móc, công cụ xách tay để tiến hành khoanh vùng, cô lập khu vực hoả hoạn. Nhiều giờ mới khống chế được đám cháy”, ông Huy cho hay.

Trước vụ cháy rừng ở núi Sơn Đào, 5 đám cháy rừng khác đã được ghi nhận tại quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải. Trong đó, riêng ở Đồ Sơn, lực lượng chức năng đã ghi nhận tới 3 vụ trong 1 tuần, cụ thể ngày 11/10, vụ cháy rừng xảy ra tại phường vạn hương; ngày 5/10, tại khu vực đồi khu vực tháp Tường Long; ngày 9/10 tại khu vực đồi 46.

Dù đã có chỉ đạo cảnh giác cao độ với cháy rừng nhưng một số địa phương và người dân vẫn lơ là. Ảnh: Đinh Mười.

Dù đã có chỉ đạo cảnh giác cao độ với cháy rừng nhưng một số địa phương và người dân vẫn lơ là. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, vào mùa hanh khô, đặc biệt là sau bão số 3, thành phố đối diện với nguy cơ cháy rừng rất cao do cây cối gãy đổ nhiều, cành và lá rơi xuống nay đã khô, tạo thành nguồn nguyên liệu rất bén lửa. Người dân sử dụng lửa bất cẩn khi đốt vàng mã, đốt rác,… là tác nhân dẫn đến các đám cháy.

Các vụ cháy rừng phần lớn xảy ra tại các điểm đồi núi có độ dốc lớn, khó khăn cho việc tiếp cận để khống chế đám cháy cũng như phát hiện và xác định đối tượng gây cháy rừng. Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ thực thi nhiệm vụ chữa cháy rừng còn thiếu, không có phương tiện để vận chuyển trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và người khi có cháy rừng xảy ra.

Trong các vụ cháy rừng đã xảy ra trong tháng 10/2024, vụ cháy ở núi Sơn Đào vừa qua là quy mô lớn nhất, đối tượng cháy chủ yếu là thảm thực bì, lá và cành khô bị rụng. Rất may các đám cháy đều được dập tắt nhanh chóng và không có thiệt hại về người.

Về trách nhiệm của các địa phương, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã có chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố sau bão số 3, đã nói rõ yêu cầu, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm.

Theo đó, các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và duy trì nghiêm chế độ trực cháy trong suốt mùa khô hanh 2024. Đồng thời bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cũng được yêu cầu tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng huy động các lực lượng gồm: Tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, quần chúng nhân dân, chủ rừng khẩn trương thực hiện vệ sinh rừng, thu gom, xử lý vật liệu cháy trong rừng theo quy định.

Đặc biệt, tại các diện tích rừng bị thiệt hại do cơn bão số 3 để nhanh chóng làm giảm nguồn vật liệu gây cháy trong rừng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa cháy rừng; sửa chữa các đường băng cản lửa hiện có để ngăn ngừa nguy cơ cháy lan khi có cháy rừng xảy ra.

Về trách nhiệm khi để xảy ra cháy rừng, theo Quyết định số 07 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.