| Hotline: 0983.970.780

Sống động cây có múi vùng Tây Hà Tĩnh: [Bài 3] Cam VietGAP đáng đồng tiền bát gạo

Thứ Sáu 01/11/2019 , 08:30 (GMT+7)

Để tạo ra một quả cam VietGAP, hộ sản xuất phải đầu tư công và của gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường.

09-26-20_nh2
Những đồi cam chanh sạch bệnh chuẩn bị cho thu hoạch vụ mùa 2019. Ảnh: VK.

Tuy nhiên, do đại bộ phận người tiêu dùng nói chung vẫn chưa nhận thức đúng đắn về giá trị của những quả cam sạch nên sản phẩm VietGAP cạnh tranh khó khăn với sản phẩm sản xuất thông thường.
 

Quy trình “3 không”

Chừng 10 năm về trước, số hộ sản xuất cam chanh ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết các hộ trồng cam theo hướng tự cung tự cấp, dư nữa thì đem ra chợ, tiêu thụ nội huyện, nội xã.

Đến những năm 2012 - 2016, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang ban hành một số chính sách hỗ trợ xóa bỏ vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế trong xây dựng nông thôn mới thì phong trào trồng cam mới nở rộ. Thời điểm đó nhà nhà trồng cam, người người trồng cam, đến nỗi, tỉnh, huyện phải “tuýt còi” một số mô hình nhỏ lẻ trồng không đúng yêu cầu.

Ông Nguyễn Trường Thọ, Phó phòng nông nghiệp huyện cho hay, trong vòng dăm năm trở lại đây, huyện Vũ Quang đã phát triển diện tích cam từ 500ha lên hơn 2.400ha; trong đó, 1.700ha đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng đạt trên dưới 14.000 tấn; giá trị kinh tế lên đến hơn 400 tỷ đồng. Các xã có diện tích đất feralit lớn như Sơn Thọ, Đức Lĩnh, Hương Thọ, Đức Bồng… gần như đã chuyển đổi sang trồng cam chanh gần hết.

“Việc tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn đã gia tăng nguy cơ cung vượt cầu, dịch bệnh. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, huyện khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Thọ nói.

09-26-20_nh4
Thay vì sử dụng thuốc hóa học, người dân Vũ Quang “mắc màn” để bảo vệ quả cam trước côn trùng gây hại. Ảnh: VK.

Phương pháp thực hiện là thành lập tác hợp tác xã, tổ hợp tác thâm canh cam theo mô hình VietGAP, xây dựng các mô hình sản xuất “3 không” - không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không dùng chế phẩm hóa học, thuốc BVTV bảo vệ quả và không thúc cam “đẻ” non (ra hoa, đậu quả sớm - PV).

Tổ hợp tác cam VietGAP xã Đức Lĩnh có 10 hộ sản xuất cam chanh với tổng diện tích 36ha. Trong số này, có những hộ trồng cam từ những năm 2003 - 2004. Tuy nhiên, thời điểm đó, cây cam chưa được chú trọng, điều kiện kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật hạn chế nên năng suất chỉ đạt 5 - 7 tấn/ha, hộ đạt cao nhất cũng chỉ 9 - 10 tấn/ha/năm. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, 10 hộ dân triển khai xây dựng mô hình thâm canh cam VietGAP.

Anh Nguyễn Hoàng, có 2ha cam tham gia mô hình cho rằng, việc tạo ra một quả cam sạch tuy vất vả, cầu kỳ nhưng khi đã quen thì cũng không có gì nặng nề. Điều quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất, trước hết phải chọn mua giống cam ở những cơ sở có uy tín, được bảo hành.

Thứ hai, quá trình chăm sóc, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục để tạo độ tơi xốp cho đất. Đối với phòng trừ sâu bệnh, thực hiện các biện pháp phòng là chính.

Đặc biệt, khi cam gần đến thời kỳ thu hoạch, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ quả, chỉ áp dụng biện pháp thủ công như bẫy ruồi vàng; “mắc màn” ngăn côn trùng hại quả. Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác nữa là không nóng vội thúc cam “trưởng thành”, ra hoa, đậu quả sớm, điều này sẽ làm giảm tuổi thọ của cây cam.

“Quy trình “3 không” mà tổ hợp tác đặt ra thực chất là một trong những giải pháp kỹ thuật nằm trong mô hình VietGAP. Đến thời điểm này, sau 3 năm thực hiện mô hình chúng tôi nhận thấy sản lượng cam áp dụng quy trình VietGAP năng suất cao hơn sản xuất thông thường từ 5 - 6 tấn/ha, cá biệt có những hộ tăng đến 10 tấn/ha. Điều quan trọng hơn, cây cam phát triển khỏe mạnh, tuổi thọ có thể đến 14 - 15 năm”, anh Hoàng nhấn mạnh.

Gia đình anh Nguyễn Hoàng bắt đầu khai hoang, trồng cam từ năm 2010. Hiện đã có 1ha cho thu hoạch, năng suất dự kiến năm nay ước đạt 14 tấn/ha, nếu bán với giá cam tương đương năm 2018 (25.000 đồng/kg), tổng thu từ 400 gốc cam đạt 350 triệu đồng.

09-26-20_nh3
Sử dụng bẫy diệt côn trùng hại cam. Ảnh: VK.

Xã có gần 1.000 hộ trồng cam

Toàn xã Đức Lĩnh có 1.500 hộ dân thì có đến gần 1.000 hộ trồng cam, với tổng diện tích hơn 490ha. Hiện 326 hộ đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm vào sản xuất hơn 60ha cam; trong đó, hàng chục hộ thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với tổng diện tích hơn 20ha. 

Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại smatphone là có thể biết được tất cả các thông số kỹ thuật như: diện tích; thời gian trồng, ra hoa, đậu quả; kỹ thuật, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV; thời gian thu hoạch, cách thức bảo quản; số điện thoại chủ hộ… thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc được dán trên quả cam.

Cách hộ anh Hoàng không xa, gần 4ha cam của hộ anh Nguyễn Công Thành cây nặng trĩu quả, xếp tầng tầng lớp lớp vô cùng bắt mắt. Anh Thành chia sẻ, sau khi áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất đồng loạt toàn bộ diện tích, cây cam phát triển rất đồng đều, ít sâu bệnh. Vụ cam năm 2018, 1ha của gia đình cho thu hoạch đạt tới 23 tấn. Năm nay thêm 1ha cho quả bói, ước sản lượng đạt trên dưới 35 tấn.
 

Giá trị chưa tương xứng

Tạo ra được quả cam sạch đã khó, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm lại càng khó hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều huyện phía tây tỉnh Hà Tĩnh như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc… đang có dấu hiệu “bội thực” cam.

“Nếu cây cam rải vụ được cả năm thì hiệu quả không phải bàn cãi, nhưng thời vụ thu hoạch ở Hà Tĩnh tập trung trong khoảng 3 - 4 tháng cuối năm nên tình trạng cung vượt cầu đã xảy ra và chắc chắn những năm tới sẽ tiếp tục tiếp diễn”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh lo lắng.

Chung nỗi trăn trở, ông Nguyễn Trường Thọ thừa nhận, trong một vài năm tới, khi diện tích cam thời kỳ kiến thiết cơ bản cho quả, điệp khúc “được mùa mất giá” sẽ khó tránh khỏi.

Vì vậy, khoảng 2 năm nay, Vũ Quang tập trung chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân thâm canh nâng cao chất lượng quả cam, tạm thời không mở rộng diện tích.

Về phía người sản xuất, ngay các hộ nằm trong tổ hợp tác thực hiện quy trình sản xuất cam VietGAP cũng đang đau đầu với bài toán đầu ra của sản phẩm.

Anh Nguyễn Trọng Thân có 1ha cam đã cho thu hoạch. Năm 2018 diện tích này cho năng suất 21 tấn, giá bán bình quân có thời điểm đạt 35.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc rớt xuống 22.000 đồng/kg.

Ngoài vấn đề giá, người sản xuất phụ thuộc rất lớn vào thương lái nên lo ngại tình trạng ế hàng cũng không loại trừ.

Anh Thân nói: “Trước tôi có ký hợp đồng với một số doanh nghiệp nhưng do họ ép giá và chỉ mua tuyển chọn nên việc hợp tác “đứt gánh giữa đường”.

Bây giờ, thị trường đầu ra phụ thuộc vào cánh lái buôn và sự chủ động của người sản xuất thông qua các kênh bán hàng online như facebook, zalo…”, anh Thân nhấn mạnh.

09-26-20_nh1
Giá bán cam VietGAP tại Hà Tĩnh không cạnh tranh được với cam sản xuất thông thường. Ảnh: VK.
“Triệu phú” Nguyễn Trọng Thân phân tích thêm, sở dĩ giá trị kinh tế của các mô hình sản xuất cam VietGAP ở Vũ Quang lâu nay hạn chế là do đại bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa nhận thức đúng đắn về giá trị của những quả cam sạch nên sản phẩm VietGAP khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất thông thường; giá bán cam VietGAP cũng tương đương với giá sản phẩm không tham gia mô hình.

Xem thêm
100 tấn cherry Chile phục vụ thị trường Tết 2025

Từ ngày 14 - 28/1, các điểm bán của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và Finelife trên toàn quốc tung ra 100 tấn cherry nhập khẩu từ Chile để phục vụ người tiêu dùng Tết Ất Tỵ 2025.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bánh lọc nhân tôm thêm vị đậm đà ngày Tết

Quảng Bình Du khách đến Quảng Bình không bao giờ bỏ qua món ăn bánh lọc nhân tôm. Những ngày đón Tết, nhà nhà đều có món bánh lọc để thêm hương vị.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.