| Hotline: 0983.970.780

Sống gần hồ của Công ty Thủy Lợi Đông Triều nhưng cứ mưa là ngập

Thứ Bảy 10/09/2022 , 19:45 (GMT+7)

QUẢNG NINH 12 hộ dân thuộc xã An Sinh có đơn kêu cứu, tố Công ty Thủy lợi Đông Triều làm việc tắc trách gây ngập úng cho chuồng trại, cây trồng.

Mưa là ngập

Ngày 28/8, đại diện cho 12 hộ dân thôn Nghĩa Hưng (xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) có đơn kêu cứu gửi chính quyền xã An Sinh và thị xã Đông Triều, phản ánh về hiện tượng ngập úng.

Mặc dù không có mưa nhưng nước ở hồ Đập Làng đã lên sát mép đất canh tác của dân

Mặc dù không có mưa nhưng nước ở hồ Đập Làng đã lên sát mép đất canh tác của dân

Những hộ dân này đang sinh sống và canh tác trên diện tích đất ven hồ Đập Làng, đập do Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Đông Triều quản lý và khai thác.

Người dân cho biết, kể từ khi hồ Đập Làng được nạo vét, mở rộng thì đất canh tác của các hộ dân thường bị ngập úng khi mùa mưa đến. Nguyên nhân theo bà con là do Thủy lợi Đông Triều thiết kế máng tràn cao hơn đất vườn ruộng và trang trại chăn nuôi của dân nằm ven khu vực đập nên không thoát được nước.

Nước ngập vào chuồng trại của người dân

Nước ngập vào chuồng trại của người dân

"Nước dâng cao làm ngập ruộng và chuồng trại chăn nuôi. Đợt này ngập từ ngày 17/8 đến hết tháng 8 mới hết. Do nước thoát chậm khiến hàng nghìn cây mai có nguy cơ thối rễ chết. Lợn gà, vịt người dân phải mang hết đi sơ tán không thì cũng chết", anh Công, một người dân địa phương, than thở.

Hàng nghìn cây mai của người dân bị ngập úng

Hàng nghìn cây mai của người dân bị ngập úng

Trao đổi với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Đình Thọ, cán bộ thôn Nghĩa Hưng cho hay: Các hộ dân sinh sống và canh tác ở đây đã lâu nhưng trước kia không bị ngập. Từ khoảng năm 2017 - 2018, Công ty Gốm Đất Việt đến nạo vét lòng hồ để lấy đất sét, có những nơi họ vét sâu đến chừng 30m. Sau khi lấy đất xong, Công ty Thủy lợi Đông Triều mới xả nước từ hồ Trại Lốc xuống. Thời gian đầu thì chưa ngập nhưng 2 năm gần đây thủy lợi xả nhiều nước hơn, máng tràn lại thiết kế quá cao dẫn đến khó thoát nước.

Ông Thọ quả quyết, việc ngập úng không chỉ xảy ra ở trận mưa to hôm 27-28/8 vừa rồi mà tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhiều hôm mưa nhỏ cũng ngập.

Thủy lợi Đông Triều vô can?

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của người dân thôn Nghĩa Hưng, ngay lập tức Bí thư Thị ủy Đông Triều Nguyễn Văn Công đã yêu cầu các phòng ban liên quan và chính quyền xã phối hợp với Công ty Thủy lợi Đông Triều đến kiểm tra, làm rõ.

Ngày 31/8, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều có báo cáo. Theo đó, hồ chứa nước Đập Làng được khởi công xây dựng năm 1968, đưa vào khai thác sử dụng năm 1970; hồ được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất cho Công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi Đông Triều để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2017, Công ty Gốm Đất Việt khai thác, nạo vét đất sét trong Hồ Đập Làng, mở rộng sát đến đất quốc phòng

Năm 2017, Công ty Gốm Đất Việt khai thác, nạo vét đất sét trong Hồ Đập Làng, mở rộng sát đến đất quốc phòng

Hồ Đập Làng có dung tích tổng cộng: 3,691 triệu m3; dung tích hữu ích: 1,061 triệu m3; dung tích chết: 2,629 triệu m3; diện tích lòng hồ: 29,5 ha. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 127,0 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của phường Tràng An và điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Về công tác quản lý, vận hành, khai thác hồ chứa nước Đập Làng trong đợt mưa lớn vừa qua, Công ty Thủy lợi Đông Triều cho biết: Căn cứ tình hình thời tiết và mực nước hồ Đập Làng, từ ngày 19/8/2022, Công ty đã chỉ đạo Cụm Thuỷ nông Trại Lốc mở cống lấy nước dưới đập để duy trì mực nước hồ xuống dưới mực nước dâng bình thường 50 cm. Mặc dù vậy, từ chiều ngày 25/8/2022 đến hết ngày 26/8/2022; do hoàn lưu của cơn bão số 3, lượng mưa tại thị xã Đông Triều tương đối lớn (khoảng 140mm), cho nên lượng nước đến hồ cao, dẫn đến mực nước hồ Đập Làng ngày 27/8/2022 cách đỉnh tràn 15cm.

"Công ty vẫn duy trì việc mở cống lấy nước dưới đập để hạ mực nước hồ. Tuy nhiên, vì lượng mưa lớn, lượng nước ngoại lại chảy vào hệ thống kênh tưới sau cống lấy nước dưới đập quá nhiều, hạn chế lưu lượng nước qua cống, nên không thể hạ nhanh mực nước trong hồ xuống thấp để tránh ảnh hưởng đến các hộ dân", Công ty Thủy lợi Đông Triều lý giải. 

Người dân cho rằng Thủy lợi Đông Triều thiết kế, xây dựng cống xả quá cao

Người dân cho rằng Thủy lợi Đông Triều thiết kế, xây dựng cống xả quá cao

Sau khi 12 hộ dân có phản ánh tới thị xã, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều đã phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, UBND phường Tràng An, UBND xã An Sinh và thôn Nghĩa Hưng kiểm tra tại thực địa.

Theo báo cáo của Công ty, quá quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã xác định: Tại thời điểm kiểm tra mực nước hồ Đập Làng dưới mực nước dâng bình thường 30 cm; Các hộ dân có thông tin phản ánh chưa có thiệt hại do nước hồ gây ra, còn khoảng 1.000 m2 đất lúa (theo thông tin của UBND xã An Sinh và thực địa) nhưng các hộ dân trồng cây mai nên nước ngập 1/3 cây (cây khoảng 1 đến 1,5 năm tuổi, cao khoảng 20 cm) và không có chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm bị ngập.

Với báo cáo này, người dân thôn Nghĩa Hưng cho rằng không khách quan, chưa phản ánh đúng thực tế thiệt hại. Hiện chính quyền xã An Sinh đang yêu cầu người dân phải rút đơn kêu cứu về song người dân chưa đồng ý. Người dân yêu cầu Thủy lợi Đông Triều phải cam kết giữ được mực nước ở hồ thấp 50cm so với đất canh tác của người dân.

Ngoài ra, người dân cũng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xác định rõ diện tích hồ mà Công ty Thủy lợi Đông Triều quản lý là bao nhiêu, có lấn vào đất của người dân hay không?

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin...

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.