| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới cho Tây Nguyên

Sông khô, hồ cạn

Thứ Tư 10/04/2024 , 10:20 (GMT+7)

Khô hạn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng ở Tây Nguyên. Giải pháp chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp đang là yêu cầu rất cấp thiết.

Các sông, hồ ở Tây Nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Các sông, hồ ở Tây Nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hồ chứa nhỏ cạn nước

Khô hạn, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Tây Nguyên. Việc thiếu nước ảnh hưởng rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, nếu tình hình nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.600ha cây trồng bị hạn vào cuối vụ đông xuân năm nay. Trong đó, diện tích lúa nước và hoa màu hơn 650ha, cây công nghiệp khoảng gần 1.000ha.

Hiện nay, nguồn nước tại 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dung tích trữ đạt khoảng 80% so với dung tích thiết kế. Qua tính toán, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ đông xuân năm 2023 - 2024. Tại các đập dâng và hồ chứa nhỏ nguồn nước vẫn ổn định. Tuy nhiên tại một số công trình có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và TP Kon Tum trong điều kiện xảy ra thời tiết nắng nóng kéo dài có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước về cuối vụ.

Trong khi đó tại tỉnh Gia Lai, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 1 - 6/2024 trên địa bàn khả năng nắng nóng xuất hiện. Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Từ tháng 4 đến tháng 6 lượng mưa phổ biến xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN, khả năng xuất hiện khô hạn trên diện rộng. Bên cạnh đó, các sông, suối tỉnh Gia Lai có khả năng cao xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt ở số địa phương không chủ động nguồn nước và xa các công trình thủy lợi.

Hồ chứa tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) khô trơ đáy. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) khô trơ đáy. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại Đắk Lắk hiện có 858 công trình thủy lợi (619 đập, hồ chứa nước; 161 đập dâng; 78 trạm bơm) và 02 hệ thống đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các công trình thủy lợi trên địa bàn hơn 2.400km, chiều dài kênh mương đã được kiên cố gần 1.600km, đạt gần 66%. Hiện tổng diện tích cây trồng được tưới trên địa bàn tỉnh hơn 266.000ha. Trong đó, diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi hơn 151.000ha.

Theo báo cáo của một số đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, do một số công trình hồ chứa nhỏ được đầu tư đã lâu, bị bồi lắng, diện tích lưu vực nhỏ nên lượng nước đến gần như bằng không, do đó diện tích tưới lúa và cà phê có thể bị hạn vào cuối vụ.

Theo nhận định của chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước do khí hậu biến đổi khiến mùa khô kéo dài, rút ngắn mùa mưa nên lượng nước bổ sung cho nguồn nước ngầm càng ít. Trong khi đó, diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với việc ồ ạt tăng nhanh diện tích các loại cây trồng cần nhiều nước tưới, nhất là cây cà phê nên đã xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Theo TS Phan Việc Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay có nhiều đơn vị khảo sát về nguồn nước ngầm tại Tây Nguyên và chưa thống nhất.

Theo số liệu của khảo sát của Viện, các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên mạch nước ngầm ngày càng ngày càng giảm sút. Mặc dù vậy, có một vài tổ chức khảo sát và cho rằng nước ngầm chỉ sụt giảm vào mùa khô, đến mùa mưa sẽ khôi phục. Tuy nhiên, họ chỉ lấy mẫu ở những vùng trũng nên việc này có thể diễn ra. Nhìn chung mạch nước ngầm ngày càng suy giảm.

Khuyến khích chuyển đổi đất lúa khó khăn nước tưới

Trước tình hình hạn hán vào mùa khô năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Đồng thời tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước. Dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: Dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa..., nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.

Nhiều hộ dân tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) tranh thủ bơm nước tưới cho cây cà phê. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhiều hộ dân tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) tranh thủ bơm nước tưới cho cây cà phê. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Trần Văn Túc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, các địa phương cần thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý cho cây trồng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, thực hiện tưới khoa học. Bên cạnh đó, tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước.

“Tùy tình hình thực tế, từng địa phương cần tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ để chọn nơi đặt máy bơm tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống hạn. Ngoài ra, dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm bơm nước để tưới”, ông Túc chia sẻ.

Tại Gia Lai, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 16 hồ chứa lớn cùng 28 đập dâng nằm rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch, Công ty sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng hơn 31.500ha cây trồng các loại. Trong đó, vụ đông xuân 2023 - 2024 hơn 19.200ha, vụ mùa 2024 hơn 12.300ha.

Đến thời điểm này, mực nước tích trữ tại 16 hồ chứa và đập dâng hiện đang phục vụ sản xuất đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới. Tuy nhiên, một số đập dâng mực nước bắt đầu suy giảm, phải điều tiết tưới luân phiên như hệ thống đập dâng An Phú - Chư Á (TP Pleiku), thủy lợi Plei Keo (huyện Chư Sê)…

Theo đó, tại công trình thủy lợi Plei Keo ưu tiên điều tiết tưới cho cây lúa và bắp sinh khối của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy nhanh tiến độ cấp nước tưới đợt 2 cho cây cà phê trong giai đoạn nguồn nước đến công trình còn dồi dào. Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, nếu nguồn nước đến công trình thiếu hụt sẽ áp dụng tưới luân phiên để tưới hết đợt 3. Trường hợp nếu không đảm bảo điều tiết nước để tưới theo kế hoạch thì điều chỉnh lịch tưới kéo dài, áp dụng tưới luân phiên giữ ẩm chờ mưa.

Nguồn nước khô hạn khiến nhiều diện tích cà phê khô héo. Ảnh: Đăng Lâm.

Nguồn nước khô hạn khiến nhiều diện tích cà phê khô héo. Ảnh: Đăng Lâm.

Còn hệ thống thủy lợi An Phú - Chư Á tập trung điều tiết, đưa nước vào mặt ruộng. Ưu tiên chuyển nước đến khu tưới của các đập dâng phía dưới hệ thống trong giai đoạn nguồn nước còn dồi dào để duy trì mực nước ngầm trong ruộng.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước tưới vụ đông xuân 2023 - 2024 theo tiến độ sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai đã chủ động phối hợp cùng các địa phương mở nước theo kế hoạch sản xuất, tưới tiêu từng loại cây trồng phù hợp, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ sớm hơn nhằm tránh hạn cuối vụ…

Những năm trước đây, cánh đồng lúa nước 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông) thường xuyên bị thiếu nước vào cuối vụ. Để hạn chế thiệt hại cho người dân, Chi nhánh Thủy lợi Chư Prông (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai) phối hợp với ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương 2 xã đã tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn 1 tháng và đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Trên địa bàn xã Ia Mơ và Ia Lâu có 2 công trình thủy lợi gồm đập dâng Ia Lâu và hồ chứa PleiPai. Để tránh hạn hán cuối vụ, năm nay, Chi nhánh Thủy lợi Chư Prông thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện và UBND xã tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ 550ha lúa đông xuân 2023 - 2024 sớm hơn 1 tháng. Đến nay, lúa đã thu hoạch được 85 - 90% diện tích, còn khoảng 10 - 15% diện tích người dân đang tiếp tục thu hoạch.

Ông Trần Văn Túc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, cũng như biến đổi khí hậu do hạn hán xảy ra. Trên cơ sở đó, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác như ngô, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại... để giảm thiệt hại cho người dân.

Đối với vùng khó khăn về nguồn nước, có thể xem xét chuyển sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Bí quyết để TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 90%

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM vẫn chưa xuất hiện một ổ bệnh dại nào nhờ tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo luôn ở mức rất cao trong những năm qua.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm